Góc khuất của một thiên tài!
Sinh ra bên bờ biển Calella ngập nắng, lớn lên hít thở bầu không khí cuồng nhiệt đến ngạt thở của Nou Camp, Pep Guardiola mang trong mình dòng máu Catalonia thực thụ. Thoát khỏi triết lí Totaaltiki-taka của huyền thoại Johan Cruyff (kết hợp giữa Totaalvoetbal - bóng đá tổng lực Hà Lan và lối chơi Tiki-taka truyền thống) , Pep Guardiola nâng tầm Tiki-taka thành một di sản phi vật thể của thế giới túc cầu giáo, đồng thời biến Barcelona thành vó ngựa chinh phạt đầy kiêu hãnh. Nhưng khuất sau ánh hoàng quang chói lọi là gốc tối sâu thảm của một thiên tài.
Pep từng "bó tay" trước Guus Hiddink. Ảnh: Zimbio.
Pep vẫn còn non tay trên thị trường chuyển nhượng. 66 triệu euro (46 triệu euro tiền mặt + Samuel Eto'o- cầu thủ mà Barca định giá 20 triệu euro) cùng mức hậu đãi lên tới 10 triệu euro/mùa là cái giá quá chát để đổi lấy sự phục vụ của chú ngựa bất kham Zlatan Ibrahimovic. Cùng với đó là hàng loạt phi vụ chuyển nhượng choáng váng: Martín Cáceres từ Villarreal (16,5 triệu euro), Aliaksandr Hleb từ Arsenal (15 triệu euro), Dmytro Chygrynskiy từ Shakhtar Donetsk (25 triệu euro) và Javier Mascherano từ Liverpool (22 triệu euro). Ngoại trừ Mascherano vẫn đang chật vật khẳng định mình, tất cả những cú áp-phe còn lại đều thất bại thảm hại cả trên phương diện chuyên môn lẫn thương mại. Pep có thể là một HLV, người thầy, người bạn vĩ đại tại Nou Camp. Nhưng chưa bao giờ Pep cho thấy mình vươn tới đẳng cấp "phù thuỷ" chiến thuật. Không thể phủ nhận bộ khung mà Pep đang sử dụng phần nào kế thừa tư duy chiến thuật của người tiền nhiệm Frank Rijkaard. Có chăng sự khác biệt đến từ vai trò nhạc trưởng của Xavi, bước chạy huyền ảo của Messi và dòng máu Catalan cuộn chảy trong những đứa con lò La Masia. Trước những đồng nghiệp cao tay bên kia chiến tuyến, Pep vẫn chỉ là tay mơ. Tiêu biểu như trước Chelsea được dẫn dắt bởi Guus Hiddink, Pep hoàn toàn đông cứng. Nếu không có những quyết định điên rồ của trọng tài Tom Henning Ovrebo và nụ cười nghiệt ngã của thần may mắn thì Chelsea mới xứng đáng đến Rome dự trận chung kết Champions League 2009. Thậm chí báo chí Anh còn biếm hoạ cái bắt tay của Pep với Hiddink (trước khi Iniesta ghi bàn thành) thành câu thủ thỉ tâm phục của Pep "Anh đá thế này thì em chịu rồi???". Mùa giải năm ngoái trước Inter của José Mourinho cũng vậy. Pep bất lực trước lối chơi phòng ngự được nâng tầm nghệ thuật của đoàn quân Italia. Vẫn bài cũ, vẫn miếng đòn cũ nhưng Pep vẫn không hoá giải nổi. Và lần này thì sao? Special One đã chơi bài ngửa. Y như lời Mourinho tuyên chiến, Los Blancos sẵn sàng từ bỏ truyền thống tấn công hoa mỹ để chơi thực dụng. Real Madrid chơi phòng ngự khu vực, phản công chớp nhoáng, và chủ động "đánh úp" ở đầu và cuối mỗi hiệp đấu. Real không ngần ngại đá rắn, sử dụng tiểu xảo và triệt hạ đối thủ nếu cần thiết, vì "Real đã học cách đá 10 người chống lại Barca". Mourinho đã nói là làm, sự can trường và bản lĩnh thượng thừa của Special One thì ai cũng đã rõ. Pep sẽ hoá giải lời nguyền như thế nào?
Pep, đừng sợ! Ảnh: Zimbio.
Vấn đề đầu tiên nằm ở hàng phòng ngự. Real sẽ chơi phòng ngự phản công, chủ yếu dựa vào những đường chuyền vượt tuyến của Xabi Alonso và Khedira để Ronaldo, Di Maria và Ozil đua tốc độ. Vấn đề nan giải là tuyến phòng thủ của Barcelona hết sức chậm chạp và dễ dàng thất thế trong cuộc đua tốc độ. Người nhanh nhẹn nhất là Daniel Alves lại thường xuyên bỏ vị trí tham gia tấn công. Hậu quả thì đã rõ, bàn thắng vàng mà Ronaldo ghi được trong trận chung kết Copa del Rey được khai hoả từ vị trí bỏ trống của Alves. Câu hỏi thứ hai dành cho Pep nằm ở hàng tiền vệ. Barca cứ chuyền, chuyền, chuyền... rồi chẳng đi đến đâu. Lối chơi áp sát không ngại va chạm của Pepe, Alonso và Khedira đã làm hạn chế khả năng sáng tạo của hàng tiền vệ chất lượng nhất thế giới. Nếu Barcelona vẫn trung thành với lối chơi phối hợp bóng nhỏ ở trung lộ thì sẽ lợi bất cập hại. Thứ nhất, cầm bóng nhiều mà bế tắc tất yếu dẫn tới bất cẩn để đối phương phản công chớp nhoáng, điều mà Real luôn rình rập. Thứ hai, đập nhả bóng nhiều trong khu vực hẹp sẽ tăng khả năng va chạm và chấn thương, điều tối kị với những nghệ sỹ sân cỏ như Xavi, Messi hay Iniesta. Câu hỏi cuối cùng và cũng là thử thách lớn nhất, Pep bản lĩnh đến đâu? Có hai con đường mở ra cánh cửa thành công. Con đường thứ nhất chỉ dành cho những kẻ dám mạo hiểm dấn thân vào chốn chưa ai từng bước tới. Con đường thứ hai là lối mòn tất cả đã cùng đi, và chỉ trao cho những chiến binh mạnh mẽ nhất. Pep sẽ chọn lối rẽ nào? Dũng cảm thay đổi tư duy hay lao vào trận chiến mà Mourinho đã đợi sẵn. Mọi chọn lựa đều ẩn chứa rủi ro và thách thức. Pep, đừng sợ!