Từ khi Liên hoan tiếng hát truyền hình (tiền thân của Sao Mai) ra đời, cuộc thi đã phát hiện được nhiều ca sỹ nhạc nhẹ cho showbiz như Hồng Ngọc, Hồ Quỳnh Hương, Kasim Hoàng Vũ (1999), Ngọc Khuê, Khánh Linh (2003), Phương Linh, Ngọc Anh, Hoàng Hải (2005), Hà Linh, Trần Hoàng Nghiệp (2007), Hà Hoài Thu, Mỹ Như, Lương Viết Quang, Minh Chuyên (2009)... Họ là những cái tên ít nhiều đã tạo dựng được vị trí của mình trong thị trường biểu diễn, trong số đó, nhiều người vươn lên hàng "sao". Vì thế, dòng nhạc nhẹ vẫn luôn được khán giả quan tâm và kỳ vọng ở mỗi mùa Sao Mai.
Chung kết Sao Mai năm nay, so với 2 phong cách âm nhạc Thính phòng và Dân gian, thì dòng nhạc nhẹ có vẻ sẽ gay cấn và hấp dẫn, bởi sự ngang sức, cân tài của các thí sinh.
Lê Việt Anh, Đỗ Thị Lam, Bùi Ca Roon quán quân 3 khu vực, nhưng không có gì đảm bảo cho việc họ sẽ giữ được vị trí đó để tiến vào đêm chung kết xếp hạng, bởi 6 thí sinh còn lại đều rất có tiềm năng, và luôn sẵn sàng "lật đổ".
Lê Việt Anh - Thiều Bảo Trang - Nguyễn Huy Quyết
Lê Việt Anh "bài bản", "sạch sẽ" nhưng Thiều Bảo Trang và Nguyễn Huy Quyết lại là những nhân tố dễ tạo nên bất ngờ. Lê Việt Anh có nhiều kinh nghiệm thi đấu, giọng hát đẹp, kỹ thuật tương đối tốt, tư duy âm nhạc khá hiện đại, hát chắc chắn và cũng có sáng tạo. Bên cạnh đó, anh được đánh giá là dám đương đầu với những ca khúc mới, hoặc biết cách tạo sự khác biệt với các ca sỹ từng hát trước đó, với những bài quen thuộc. Tuy nhiên, ở Việt Anh còn thiếu độ "điên" nếu như chạm vào các ca khúc cần tạo dấu ấn mạnh mẽ, nhất là nó đã từng "sở hữu" bởi giọng ca Tùng Dương - thể loại mà Việt Anh rất thích.
Thiều Bảo Trang luôn là ẩn số khó đoán. Cô vừa thể hiện sự bùng nổ, khát vọng mãnh liệt, nhưng lại cho thấy sự trồi sụt phong độ. Giọng sáng, khoẻ, kỹ thuật khá tốt, tư duy "văn minh" nhưng chưa thực sự bản lĩnh để làm chủ sân khấu và kiểm soát được mọi thứ. Nhưng chính cái sự "thất thường" này lại mang đậm chất nghệ sỹ, vì thế, rất khó đoán trước được những gì cô làm, và điều đó lại gây nên hiệu ứng được chờ đợi từ phía khán giả.
Nguyễn Huy Quyết được đánh giá là người hát pop tốt nhất trong top 9 nhạc nhẹ năm nay. Giọng hát ngọt, xử lý tinh tế và cũng nhiều trải nghiệm nên anh hát khá thành công các ca khúc dự thi. Nhược điểm của Huy Quyết là khu âm cao chưa được "thoáng" và "bay", vì thế anh không nên chọn những bài hát có quãng quá rộng. Tranh chấp với Lê Việt Anh ở điểm số "ngang ngửa" nên cánh cửa cho Huy Quyết khá rộng rãi.
Quỳnh Trang - Trung Quân - Thúy Trang
Ba gương mặt tạo ấn tượng rất tốt cho khán giả là Quỳnh Trang (Nghệ An), Trung Quân và Thúy Trang (Hà Nội). Quỳnh Trang cũng là trường hợp gây tranh cãi khi cô được xếp dưới Đỗ Thị Lam trong đêm chung kết miền Trung. Quỳnh Trang chọn bài lạ, hát kiểu "bay bay", rất nghệ sỹ... không giống kiểu đi thi, vì thế, khán giả sẽ thích, còn giám khảo thì chưa chắc. Nhưng công chúng sẽ thích Quỳnh Trang và những ca sỹ giống cô, bởi sẽ đem lại sự mới mẻ, lạ tai cho họ. Tuy nhiên, Quỳnh Trang cần hát rõ lời, nhất là những ca khúc có tiết tấu nhanh, sôi động.
Trung Quân "em út" của cuộc thi, trẻ nhưng khá tài năng. Kỹ thuật còn non nhưng lại là "món ăn" được nhiều khán giả trẻ chờ đợi. Tuổi 19 nhưng không theo kiểu hát "xì tin", Quân chọn con đường khác, già dặn và sâu sắc hơn. Hẳn nhiên, ở tuổi 19, không thể nhiều trải nghiệm để có thể làm tốt những ca khúc nhiều ẩn ức, nhưng rõ ràng, Quân cho thấy tương lai của một thế hệ ca sỹ 9x mới, rất có "gu" và dám dấn thân.
Thúy Trang lại ở trạng thái khác, nồng nàn và rực lửa. Trang hát đầy đam mê và không toan tính. Cách hát hiện đại, tư duy cũng rất thức thời, không bị sáo mòn dù hát bài quá quen thuộc như Mong anh về (Dương Cầm). Chỉ có điều, Trang quá bản năng nên thiếu tinh tế và chưa tạo được ép phê ở những phân đoạn cần thiết. Và nữa, cách trang điểm trên sân khấu khiến Thúy Trang già đi rất nhiều.
Đỗ Thị Lam - Bùi Ca Roon - Lê Huy Đạt
Xếp ở nhóm cuối nhưng không có nghĩa là họ hát kém nhất. Bằng chứng là Đỗ Thị Lam - Bùi Ca Roon nhất của 2 khu vực miền Trung và miền Nam. Lê Huy Đạt cũng gây ấn tượng không kém.
Đỗ Thị Lam giọng "nét" và rất "nhạc nhẹ", hình thức đẹp cũng là ưu thế của cô gái xứ Thanh này. Tuy nhiên, nghe Lam hát, có cảm giác... hồi hộp đến thót tim, vì sự chênh vênh của cô, Lam như "làm xiếc" trên các nốt nhạc, thiếu ổn định, cột hơi "lỏng", vì thế nghe cô hát không thấy chắc chắn.
Bùi Ca Roon khá giống Đỗ Thị Lam, giọng tốt nhưng kỹ thuật còn khá non, hát rất "chênh vênh". Con cò trong đêm chung kết của phía Nam mà Bùi Ca Roon hát, giống như đang bay trong bão, cho dù lý do 1 phần là bởi ức chế vì âm thanh tậm tịt. Tuy nhiên, cũng không khó để nhận ra một giọng hát đẹp, có "lửa".
Lê Huy Đạt khá thông minh khi lôi bài "tủ" ra hát. Giọng Đạt thuần pop sẽ hay hơn là kiểu hát làm "màu" như trong Hà Nội của tôi ơi anh hát đêm chung kết khu vực phía Nam. Với chất giọng của Lê Huy Đạt, anh nên hát thật mộc mạc, giản dị sẽ hiệu quả hơn là "trưng trổ", khi mà cả kỹ thuật lẫn trải nghiệm trong anh còn thiếu.
Ngoài những yếu tố về chuyên môn, sự thành công của mỗi thí sinh còn phụ thuộc vào độ ổn định phong độ và bản lĩnh sân khấu. Ví như Bùi Ca Roon, cho dù trục trặc âm thanh, nhưng anh vẫn cố gắng để thực hiện hoàn chỉnh phần thi của mình, điều đó chứng tỏ được bản lĩnh của một ca sỹ trẻ trong tương lai. Ngoài ra, các thí sinh cũng cần phải biết chuẩn bị cho mình hành trang cần thiết, đặc biệt khâu chọn bài và phối khí. Nhạc nhẹ không chỉ giọng hát, xinh đẹp, sôi động mà rất cần sự tươi mới, văn minh. Nếu có sự chuẩn bị chu đáo, các thí sinh sẽ tự tin hơn để thể hiện tài năng của mình trước Ban giám khảo và Khán giả. Họ sẽ thực sự toả sáng, nếu như bước ra sân khấu, gạt bỏ đuợc mọi lo lắng, ưu phiền về phía sau.