PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Sao Mai: Nơi thử thách bản lĩnh của ca sỹ trẻ

Thứ sáu, 15/07/2011 17:29

Sự việc một thí sinh vòng loại Sao Mai 2011 khu vực thành phố Hồ Chí Minh, "mượn micro" để thanh minh việc ban nhạc đánh sai tông nên cô bị loại, đang tạo nên sự chú ý của cộng đồng mạng.

Trong đêm chung kết Sao Mai khu vực thành phố Hồ Chí Minh được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9, một nữ thí sinh sau khi không được lọt vào vòng chung kết khu vực phía Nam đã "mượn" micro để thanh minh, rằng không phải do thí sinh này hát kém, hát dở, bởi cô đã đi hát nhiều năm, mà là do ban nhạc đánh sai tông (tone) nên phần trình diễn của cô không được tốt, và vì thế, cô bị loại khỏi cuộc thi. Cứ cho là nguyên nhân khiến cô bị loại là đúng, thì sự việc này cũng là điều đáng để suy nghĩ.

Không chỉ là thi thố giọng hát

Cuộc thi Sao Mai, cũng giống nhiều cuộc thi hát khác, vẫn thường xảy ra những "sự cố" ngoài ý muốn, và chính những lúc như vậy, mới cần sự bản lĩnh của thí sinh - những nghệ sỹ tương lai - trong showbiz đầy dẫy cám dỗ và những khó khăn cần phải vượt qua, chứ không chỉ đơn thuần chỉ là nơi so tài về giọng hát. Vẫn biết rằng, thí sinh đi thi hát, chỉ là những gương mặt trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng việc họ có những ứng xử khác nhau khi cùng gặp một "sự cố" cho thấy bản lĩnh của từng ca sỹ trẻ.

Việc thí sinh bị ban nhạc đánh sai tông, không phải điều gì quá đặc biệt, nó đã từng xảy ra ở các cuộc thi hát khác, và ngay tại giải Sao Mai, cũng đã từng có trường hợp tương tự. Tuy nhiên, việc ứng xử của thí sinh mới là điều đáng bàn.

Ca sỹ Tô Minh Thắng

Ngược lại mùa Sao Mai 1999 (khi đó vẫn còn tên Liên hoan tiếng hát truyền hình), trong vòng chung kết phía Bắc, thí sinh Tô Minh Thắng cũng gặp trường hợp này. Anh đăng ký bài hát Ngẫu hứng sông Hồng (Trần Tiến) và đã được tập với ban nhạc trước đó. Tuy nhiên, khi bước ra sân khấu, ban nhạc đã đánh sai tông từ đầu nhưng anh vẫn không biết, đến khi hát câu đầu tiên, thấy cao quá so với lúc tập, nên Tô Minh Thắng phát hiện ra ban nhạc đánh nhầm tông. Anh bình tĩnh dừng lại và nói vào micro "Xin lỗi khán giả, vì ban nhạc đánh nhầm tông nên Tô Minh Thắng xin được phép hát lại", khán giả vỗ tay cổ vũ nồng nhiệt, và ngay lập tức, Tô Minh Thắng quay lại báo tông chuẩn cho ban nhạc, và anh đã hát đúng với bản phối đã tập. Sau đó, Tô Minh Thắng đã lọt vào tận đêm chung kết xếp hạng toàn quốc và nhận giải Tài năng trẻ.

Gần đây nhất, trong cuộc thi Tiếng hát truyền hình Quảng Ninh 2011 vừa diễn ra đầu tháng 7, được truyền hình trực tiếp trên Đài Quảng Ninh, thí sinh Thiều Bảo Trang cũng gặp trục trặc với ban nhạc. Khi mà tới 3 lần ban nhạc dạo nhưng Trang không thể "vào" được, khán giả đã rất hồi hộp và vỗ tay để động viên cô, ngay sau đó, Thiều Bảo Trang chạy vội ra cánh gà, uống một hớp nước lấy tinh thần, rất nhanh sau đó cô trở lại sân khấu, ban nhạc dạo lại từ đầu và cô đã hoàn thành rất tốt phần thi của mình, và sau đó, cô đã đoạt giải Nhì chung cuộc.

Lấy dẫn chứng như vậy, để thấy, việc ứng xử của các thí sinh trên sân khấu thể hiện bản lĩnh của họ. Tô Minh Thắng năm 1999 và Thiều Bảo Trang của năm 2001 đều ở độ tuổi 19-20, họ cũng không phải "dân" chuyên nghiệp, nhưng những thí sinh này đã có cách ứng xử thông minh, để vừa không làm "hỏng" sóng truyền hình, mà vẫn thực hiện tốt phần dự thi của mình. Với bản lĩnh này, năm 2001, Tô Minh Thắng đã đoạt giải Nhì Tiếng hát truyền hình Hà Nội và sau đó, anh đoạt cúp Bạc tại Liên hoan pop rock quốc tế tại Mông Cổ. Còn Thiều Bảo Trang, cô đã lọt vào vòng chung kết Sao Mai 2011 khu vực miền Bắc, và cũng được đánh giá là "đối thủ đáng gờm" với các thí sinh khác.

Thiều Bảo Trang (sinh năm 1991) cũng gặp trục trặc với ban nhạc tại cuộc thi Tiếng hát truyền hình Quảng Ninh và cô đã biết cách giải quyết "sự cố" để hoàn thành phần thi và sau đó đoạt giải Nhì chung cuộc.

Quay trở lại sự việc thí sinh Sao Mai 2011 khu vực thành phố Hồ Chí Minh, theo clip xuất hiện trên mạng, thí sinh này đã cố gắng hát ca khúc Hương ngọc lan đến hết bài, dù biết ban nhạc đánh nhầm tông. Sau đó, khi công bố những người được vào chung kết khu vực không có tên mình, cô mới thắc mắc qua micro của MC, khi đang phát sóng trực tiếp gây nên sự ồn ào trên cộng đồng mạng. Thực ra, thí sinh này hoàn toàn có quyền dừng lại khi biết ban nhạc đánh sai, hoặc nếu đã trót hát hết cả bài với bản nhạc không đúng như khi tập, cô có quyền khiếu nại với ban tổ chức, vì toàn bộ sự việc đã được camera ghi lại, vì thế, nếu thực sự ban nhạc đánh nhầm tông, ban tổ chức sẽ có cách giải quyết một cách hợp lý.

Phải biết vượt qua những thử thách

Chuyện "sự cố" trong các cuộc thi hát là điều có thể xảy ra, cùng nhiều áp lực thi cử khác, các thí sinh phải biết cách vượt qua để dành chiến thắng.

Chuyện ban nhạc đánh nhầm tông, hoặc bị mất tiếng trước đêm thi là điều có thể xảy ra với bất kỳ thí sinh nào. Với ban nhạc, họ bị áp lực bởi số lượng công việc khổng lồ nên có thể sẽ xảy ra "sự cố" cũng là điều dễ hiểu. Đơn cử như vòng chung kết Sao Mai 2001 khu vực phía Bắc đang diễn ra tại Hà Nội, mỗi tối có khoảng 14 thí sinh dự thi, với tổng cộng 28 bài hát. Đã thế, lại gộp cả 3 thể loại : nhạc nhẹ, dân ca, thính phòng nên việc tạo "màu sắc" từng dòng nhạc đã là điều rất vất vả đối với ban nhạc.

Phương Thúy

Sao Mai 2011 xuất hiện nhiều gương mặt trẻ, lần đầu đi thi hát. Trong ảnh là Phương Thúy (sinh năm 1992), là người chịu áp lực khi phải hát đầu tiên trong đêm khai mạc Sao Mai khu vực phía Bắc, nhưng cô đã trình bày khá thành công 2 ca khúc mang âm hưởng dân gian.

Bên cạnh đó, thí sinh thường chọn 1 bài hát quen thuộc và 1 ca khúc mới để dễ "ghi điểm" với ban giảm khảo, vì thế, công việc của ban nhạc lại thêm nặng. Với các bài hát mới, ban nhạc sẽ phải xem tổng phổ bài hát, chọn cách phối khí làm sao cho thí sinh hát hiệu quả nhất, hay nhất. Có những bài mới tương đối dễ phối khí, nhưng cũng có những ca khúc mang đậm màu sắc vùng miền, thì ban nhạc lại phải nghiên cứu các hiệu ứng âm thanh, chất liệu dân gian vùng miền đó để tạo hiệu quả trong bản phối khí. Cả một ngày làm việc hết công suất, buổi tối lại thi ngay nên ban nhạc đôi khi không thể hoàn hảo, chỉn chu và có thể sẽ xảy ra sự cố… như trường hợp thí sinh thành phố Hồ Chí Minh kể trên.

Với những trường hợp như vậy, thí sinh nên mạnh dạn dừng lại, xin lỗi khán giả và báo lại tông cho ban nhạc, như vậy, vừa đủ bình tĩnh để hoàn thành bài thi, vừa thể hiện lối ứng xử thông minh, và chắc chắn sẽ được khán giả ủng hộ.

VNMedia
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới