Đêm chung kết Sao Mai khu vực phía Bắc đã khép lại với nhiều tậm trạng vui buồn khác nhau đối với khán giả, âu cũng là lẽ rất thường tình của mỗi cuộc thi, khi có kẻ thắng, người thua.
Chương trình mở màn rộn rã sắc màu
Dòng thính phòng: Kết quả không thuyết phục
Nếu ai theo dõi từ đầu, thì có thể thấy, các thí sinh dòng nhạc thính phòng đã thể hiện phần thi trong đêm chung kết kém hơn các đêm thi vòng loại, vì thế, họ đã không thực sự xuất sắc và cũng ít tạo đột phá. Tuy nhiên, theo nhiều nhà báo xem trực tiếp tại sân khấu thì 3 thí sinh được đánh giá hát tốt nhất là Đào Thị Tố Loan, Nguyễn Huyền Hương và Đào Văn Mác.
Tố Loan - Nguyễn Huyền Hương - Đào Văn Mác
Tố Loan hát khá trọn vẹn, ít mắc lỗi bài Nhớ anh giải phóng quân (Lư Nhất Vũ), cô thể hiện giọng nữ cao khá sáng và kỹ thuật khá tốt. Nguyễn Huyền Hương tuy còn mắc vài lỗi kỹ thuật vì bị tâm lý hát mở màn, nhưng việc lựa chọn Tháng giêng mùa xuân còn sót lại (Hoàng Cương) là điều đáng hoan nghênh, vì sự dũng cảm trong việc chọn ca khúc “lạ tai” để đỡ gây nhàm chán.
Huyền Hương tâm sự “Em hoàn toàn có thể chọn những ca khúc “nặng đô” đậm chất thính phòng, bởi những bài hát như thế lại dễ hát hơn những ca khúc “nhẹ nhàng” nhưng vô cùng khó kiểu Tháng giêng mùa xuân còn sót lại. Tuy nhiên, em muốn mang một không khí mới đến với khán giả ở dòng nhạc thính phòng.”. Đào Văn Mác chọn Bài ca chiến thắng (Trần Kiết Tường) khá khó hát, nhưng anh cũng đã thể hiện tương đối thành công.
Nếu xét về kỹ thuật hát thính phòng thì Khánh Ly là người hát kém nhất trong số 6 thí sinh dự thi. Với Miền xa thẳm (Đức Trịnh), Khánh Ly hát rất “hổn hển”, hụt hơi, kỹ thuật rất “non”, không ra kiểu hát thính phòng, lại cũng chẳng đúng với cách hát nhạc nhẹ. Vì thế, phần trình diễn của cô khá rời rạc, không gây được ấn tượng. Thanh Trúc đến từ Quảng Ninh với Khúc ngẫu hứng người thợ lò (Lê Thêm) và Ngô Văn Đức qua bài thi Những ngôi sao ca đêm cũng chưa thực sự xuất sắc.
Thanh Trúc - Ngô Văn Đức - Khánh Ly
Tuy nhiên, kết quả bình chọn lại gây bất ngờ đối với khán giả, khi Khánh Ly nhận được khoảng một nửa số phiếu, trong tổng số hơn 8 nghìn tin nhắn bình chọn, khiến những khán giả có mặt trực tiếp ở cung Việt Xô thực sự ngỡ ngàng. Với 1 điểm thưởng từ giải Khán giả bình chọn, cộng với tổng số điểm của 5 thành viên Ban giám khảo, Khánh Ly chính thức lọt vào vòng chung kết toàn quốc với số điểm bình quân cao nhất dòng nhạc này.
Dòng dân gian: Cuộc “đối đầu” giữa hai giọng hát ngọt ngào
Với 6 thí sinh lọt vào chung kết phía Bắc dòng dân gian, chỉ có 2 người là “đối thủ” trực tiếp của nhau, và đều được đánh giá cao nhất: Lương Nguyệt Anh (Bắc Giang) và Trần Thị Thanh Hoa (Hưng Yên). Hai thí sinh này đều có giọng hát rất ngọt ngào, kỹ thuật thanh nhạc khá điêu luyện và cũng có kinh nghiệm qua các cuộc thi hát trước đó.
Thanh Hoa - Lương Nguyệt Anh - Vũ Thị Ngân
Thanh Hoa khá tinh tế và ngọt ngào khi thể hiện Người ơi hãy về (Tuấn Phương), giọng hát mượt mà, biểu cảm và sự sáng tạo ở phần ngâm thơ đầu bài, cô đã mang đến cho người nghe khá nhiều cảm xúc.
Lương Nguyệt Anh lại cho thấy sự chín chắn, thông minh và cách luyến láy mang dấu ấn dân ca Quan họ Bắc Ninh khi thể hiện Nghe em hát còn duyên (Nguyễn Tiến). Sự từng trải của Nguyệt Anh khiến cô “lý trí” hơn để tiết chế và biết cách làm tốt nhất phần dự thi của mình.
Và cuối cùng, Lương Nguyệt Anh đã là người vượt lên để có tên trong vòng chung kết toàn quốc. Tuy nhiên, Thanh Hoa vẫn hoàn toàn có cơ hội bước tiếp, bởi có lẽ, cô cũng chỉ kém điểm của Lương Nguyệt Anh bởi phần trình diễn khá xuất sắc của mình.
Vũ Minh Vương - Bích Hồng - Mã Anh Tinh
Ở dòng dân gian, 4 thí sinh còn lại, có vẻ như Vũ Thị Ngân nổi trội hơn một chút khi thể hiện tương đối trọn vẹn ca khúc Chị Mai xuống chợ (Lê Lan). Các thí sinh còn lại như Bích Hồng (Đêm ả đào - Phú Quang) chưa làm được “ra chất” ca khúc này, Vũ Minh Vương cũng khá mờ nhạt với Hồn Đá (Ngọc Quang) và người được đánh giá thấp nhất dòng nhạc này là Mã Anh Tinh (Duyên nợ Nghi Xuân - Ngọc Thịnh).
Ban giám khảo (từ phải qua): Tùng Dương, NSƯT Ánh Tuyết, NSƯT Phan Thu Lan, NSƯT Huyền Thanh, NSƯT Đức Trịnh.
Dòng nhạc nhẹ: Thiều Bảo Trang ấn tượng, Lê Việt Anh xuất sắc
Dòng nhạc nhẹ năm nay được đánh giá là xuất sắc và nội trội hơn cả. Các thí sinh đều đã trình diễn khá tốt phần thi của mình.
Lê Việt Anh - Thiều Bảo Trang - Phương Thảo
Thiều Bảo Trang là cái tên gây ấn tượng nhất đêm chung kết, khi cô chọn Thu cạn (Giáng Son) để mang ra ứng thí. Với tuổi đời còn rất trẻ (sinh năm 1991) nhưng cô đã thể hiện được kỹ thuật khá tốt và khả năng biểu cảm sâu sắc. Thiều Bảo Trang cho thấy một tài năng đầy triển vọng và có khả năng tiến xa.
Lê Việt Anh sau khi không thành công tại Sao Mai điểm hẹn 2010, anh đã quyết tâm chinh phục ban giám khảo ở cuộc thi Sao Mai năm nay, và cho đến thời điểm hiện tại, anh đã khá thành công. Chọn Đồng hồ treo tường (Nguyễn Xinh Xô) và hát theo kiểu acoustic, anh đã được ban giám khảo đánh giá cao nhất, và khán giả cũng nhiều người ủng hộ.
Trung Quân - Huy Quyết - Thúy Trang
Đoàn Thị Thúy Trang, Nguyễn Huy Quyết, Nguyễn Trần Trung Quân, Phương Thảo cũng đã trình diễn tương đối xuất sắc phần dự thi của mình. Thúy Trang hát Mong anh về (Dương Cầm) nhiều cảm xúc, và thể hiện một giọng hát đậm chất nhạc nhẹ. Huy Quyết chọn Mây (Đỗ Bảo) tương đối khó hát và anh đã cố gắng làm “tròn trịa” bài thi này. Nguyễn Trần Trung Quân 18 tuổi nhưng khá sâu sắc trong Ru cha (Lê Minh Sơn) và Phương Thảo cũng nhiều tâm trạng khi thể hiện Người đàn bà thứ 2 (Xuân Phương).
Ba thí sinh giành số điểm cao nhất: Lương Nguyệt Anh (dân gian), Khánh Ly (thính phòng), Lê Việt Anh (nhạc nhẹ)
Với sự “tròn trịa” và không mắc lỗi thanh nhạc, Lê Việt Anh được Ban giám khảo đánh giá cao nhất và là người được xướng tên bước vào chung kết toàn quốc. Tuy nhiên, các thí sinh nhạc nhẹ cũng vẫn còn rất nhiều cơ hội bởi những gì họ đã thể hiện tương đối ấn tượng đối với khán giả trong đêm thi này.
Đêm chung kết khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ được diễn ra lúc 21h ngày chủ nhật ngày 24/7/2011 tại Đà Nẵng.