PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Siêu cúp Tây Ban Nha 2011: Barca vẫn ở cửa trên

Thứ năm, 11/08/2011 11:53

“Siêu kinh điển tập 1” sắp “công chiếu”. Real và Barca đã sẵn sàng bước ra sân khấu. Các chuyên gia nói nhiều về cuộc lật đổ của Real. Nhưng người ta đã quên mất sức mạnh của Barca…

Phong độ, tất nhiên, cũng là thước đo tin cậy cho khả năng của một đội bóng. Không thể gọi đội bóng này là xuất sắc, nếu phong độ của họ đang tồi tệ. Cứ nhìn vào những loạt trận giao hữu trước thềm mùa bóng mới gần đây thì Barca có vẻ… không xuất sắc!

Barca thua chính bại tướng của mình năm ngoái là MU 1 – 2 rồi tiếp tục bạc nhược để đội bóng “hạt tiêu” Chivas quật ngã 1 – 4. Hai trận thua liên tiếp khiến Pep không thốt nên lời. Nhiều toan tính của chiến lược gia trẻ tuổi phải sắp đặt lại. Trong khi đó, đoàn quân thiện chiến của Mourinho đánh đông, dẹp bắc, từ Mĩ sang Trung Quốc, bách chiến, bách thắng, cứ liên tục đè bẹp, nghiền nát không thương tiếc đối thủ.

Barca - Real: Cuộc chiến vì danh dự. Ảnh: Internet

Về phong độ, tất nhiên, Real hơn hẳn Barca. Chứng kiến bước chạy đà hoàn hảo của Mourinho và các học trò, người ta mạnh miệng quả quyết Real sẽ lật đổ được Barca trong mùa bóng này! Tuy nhiên, như Sir Alex đáng kính đã nói: “Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”. Phong độ phập phù của Barca gần đây không cho thấy rằng đẳng cấp của họ đang đi xuống, không có nghĩa rằng Real sẽ dễ dàng đánh đổ được họ. Cây quyền trượng của bóng đá xứ Bò tót, cho đến lúc này, vẫn đang nằm trong tay Barca. Bởi vì sao?

Barca không chỉ sở hữu một tập thể có chiều sâu…

Phương châm “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” của Pep đang cho thấy hiệu quả. Trong những mùa bóng gần đây, đội hình của Barca thuộc dạng “gọn nhẹ” nhất La Liga. Họ không cần một dàn sao hoành tráng nhưng ô hợp như “Giải ngân hà 2.0” của Real song vẫn giành mọi danh hiệu: vô địch La Liga, vô địch cúp Nhà vua, siêu cúp Tây Ban Nha, siêu cúp Châu Âu, vô địch C1, vô địch cúp các câu lạc bộ thế giới…

Những trụ cột trong đội hình của Barca hiện tại: Valdes, Puyol, Pique, Busquets, Xavi, Iniesta, Pedro, Messi đều xuất thân từ lò đào tạo trứ danh La Masia, là những những sản phẩm “cây nhà lá vườn” đẳng cấp. Họ đã có thời gian gắn bó chơi bóng cùng nhau hàng chục năm. Giữa họ có một sợi dây liên lạc vô hình. Họ chơi thống nhất, đồng điệu như những phím dương cầm nhịp nhàng trong tay người nghệ sĩ Pep. Sự gắn kết nhất thể ấy tạo ra lối chơi tinh túy đã chinh phục cả thế giới: tiqui-taca. Vì vậy xét về chiều sâu đội hình, không một đội bóng nào trên thế giới, kể cả MU sánh bằng Barca.

Một minh chứng rõ ràng cho chiều sâu đội hình Barca là sự đa năng của các cầu thủ. Nhiều lần trong mùa giải vừa qua, đội bóng của Pep là nạn nhân của cơn lốc chấn thương khủng khiếp. Khi thì Abidal u gan, Puyol chấn thương đầu gối, lúc lại Afellay đau gân kheo, Xavi, Messi “mệt”. Tuy thế, chưa bao giờ, Pep và Barca bị làm khó. Abidal nghỉ thì đã có Puyol trám vai hậu vệ trái, Puyol đau thì Mascherano xuống đá trung vệ, Xavi không thể ra sân đã có Iniesta sẵn sàng sắm vai thủ lĩnh…

Dù đội hình chắp vá đủ kiểu, Pep vẫn xoay xở rất tốt để đảm bảo cho mạch thắng của Barca không dứt, nhất là đảm bảo cho trận đồ tiqui-taca vẫn vận hành thông suốt, hiệu quả. Nhìn sang Premier League, hết Wenger, Ferguson đến Ancelotti thời còn tại vị ở Chelsea và Benitez khi còn dẫn dắt Liverpool đã bao lần ca thán “điệp khúc”: không thể vô địch vì thiếu người, vì trụ cột chấn thương! Mỗi khi Rooney (MU), Fabregas (Arsenal), Lampard (Chelsea) hay Gerrard (Liverpool) phải ngồi ngoài, y như rằng các ông lớn của Ngoại hạng Anh lại phải lao đao.

Ở Barca, Pep cố gắng không bao giờ để toàn đội phụ thuộc vào một vài cá nhân nào đó. Có lẽ vì thế mà chiều sâu của Barca vẫn là thách thức lớn của Real mấy năm gần đây. Muốn lật đổ Barca, Real chỉ còn cách là tự nâng cấp mình mạnh lên chứ đừng hi vọng Barca yếu đi!

Barca luôn dành được kết quả có lợi sau mỗi trận siêu kinh điển. Ảnh: Internet

… mà còn dung nạp được những cá nhân kiệt xuất

Cá nhân kiệt xuất là khái niệm rất quen thuộc với Real, nhất là từ kỉ nguyên “Giải ngân hà 1.0”. Cho đến thời điểm hiện tại, trong hàng ngũ của đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha vẫn nổi bật lên những cái tên chỉ nghe thôi, nhiều hàng thủ đã… “run cầm cập”: Cristiano Ronaldo, Gonzalo Higuain, Kazim Benzema, Mesut Oezil hay Kaka…

Barca lại khác hẳn Real ở khoản “chiều chuộng cá nhân” này. Từ khi Pep lên nắm quyền, đội bóng luôn đặt tập thể lên hàng đầu. Thực tế, lối chơi tổng lực kiểu Barca cũng chẳng có nhiều đất dụng võ cho tính ích kỉ cá nhân. Song không phải vì thế mà gã khổng lồ xứ Catalan không đủ sức sản sinh ra những tài năng ở tầm thế giới. Từ Johan Cruijff đến Stoitchkov, từ Rivaldo, Ronaldinho đến giờ là Messi, không khi nào Barca thiếu nhân tài kiệt xuất.

Sở dĩ, đội bóng của Pep thâu tóm được biết bao nhiêu danh hiệu lớn nhỏ trong mấy mùa giải qua không chỉ vì họ có một trận đồ tiqui-taca hoàn hảo, một HLV tuổi trẻ tài cao, một tập thể có khả năng “thần giao cách cảm” trên sân bóng mà còn vì họ nắm trong tay những “quân bài tẩy”, những cá nhân có khả năng tỏa sáng đột ngột, đúng lúc.

Barca luôn tôn trọng tính tập thể nhưng không phải vì thế mà triệt tiêu đi những nghệ sĩ “solo” tài năng trên sân cỏ. Thay vì tranh nhau tỏa sáng, lấn át nhau như những siêu sao ở Real, cá nhân kiệt xuất của Barca sẵn sàng hi sinh vì lối chơi chung, sẵn sàng “lặn” rất kĩ trong cả trận, hòa lẫn vào nhịp tiqui-taca huyền ảo để rồi đột ngột lóe sáng lên, tung cú kết liễu chí mạng cho đối thủ. Ta gọi đó là “những ngôi sao chìm”.

Nổi bật hơn cả trong “dàn sao chìm” ở Barca, không ai khác, chính là Lionel Messi. Anh là kết tinh đỉnh cao của sự thông minh, sáng tạo, kĩ thuật ở một ngôi sao và tính kỉ luật, luôn biết hi sinh vì tập thể, vì đồng đội. Ở Barca, anh vừa đóng vai trò là họng súng hạng nặng, vừa là chất xúc tác quan trọng trong những đợt lên bóng tấn công. Anh chuyền bóng, rê dắt, đột phá, kiến tạo và ghi bàn. Nếu Xavi là bộ não thì anh là trái tim của Barca. Nếu Xavi cầm trịch điều khiển cả một cỗ máy vận hành chính xác, linh hoạt, thông suốt thì Messi chính là thứ dầu bôi trơn, thứ chất xúc tác đưa cỗ máy ấy thăng hoa.

Nói về Messi có thể phải kể những câu chuyện không bao giờ dứt. Nhưng đúng là cả thế giới đang phải nghiêng mình trước tài năng và đạo đức của danh thủ người Arghentina. Và trước hết, kẻ thù ghét và cũng là kẻ sợ hãi Messi nhất chính là Real. Messi là kẻ ngáng đường khó chịu nhất của Real trong 3 năm trở lại đây. Mùa trước những tưởng Real đã có thể bước ra bóng tối ở Champions League thì Messi đã chắn ngang cửa thiên đường của họ. Real đối đầu Barca ở bán kết, kết quả là Messi ghi một cú đúp ngay tại sào huyệt Bernabeu của “Giải ngân hà”. Nếu tính riêng tại Bernabeu, trong 4 trận gần đây nhất, Messi đã nã vào lưới Casillas tới 6 bàn. Messi đúng là “hung thần” với Real!

Real muốn lật đổ Barca, trước tiên nên nghĩ ra phương cách “triệt hạ” Messi. Nhưng chuỗi siêu kinh điển mùa trước đã chứng minh đó lại là một hạ sách. Real chơi chặt chém kinh người, không ngại triệt tiêu đối thủ nhưng cuối cùng vẫn bại trận. Messi không những khôn ngoan thoát khỏi “rừng đao, biển lửa” chém đinh chặt sắt của Real mà còn ghi bàn, tỏa sáng.

Như vậy, việc Real lật đổ Barca thực tế không hề dễ dàng như kịch bản của một trận PES (một trò chơi điện tử). Real đang có nhiều thuận lợi: “thiên thời” (phong độ cao), “địa lợi” (sân nhà) nhưng Barca lại nắm được “nhân hòa”, yếu tố quan trọng nhất làm nên chiến thắng cuối cùng. Tập đầu của siêu kinh điển mùa 2011 – 2012 sẽ diễn biến ra sao? Hãy chờ hồi sau phân giải!  

Tiểu Long