PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Sứ mệnh của những trận giao hữu

Thứ tư, 10/08/2011 09:23

Các đội tuyển nổi tiếng gặp nhau, giờ là lúc người ta tạm quên đi chuyện thắng - thua để nghĩ về những sứ mệnh cao cả hơn của bóng đá.

1. Ngày mà những đội tuyển hàng đầu thế giới chạm mặt nhau trong loạt giao hữu đầy hấp dẫn, rất đáng buồn, lại không phải là ngày để nói về bóng đá. Thế giới đang trong cơn nhức nhối của một vấn đề cũng thường đi cùng bóng đá nhưng lại vượt quá tầm của trái bóng lăn trên sân: phân biệt chủng tộc.

Sau vụ khủng bố tàn nhẫn ở Na Uy khiến 69 người thiệt mạng, mà nguyên nhân xuất phát từ tư tưởng phân biệt chủng tộc của một gã đàn ông bệnh hoạn, nước Anh lại đang chao đảo vì vấn đề sắc tộc.

Trận giao hữu Anh - Hà Lan tại Wembley đã phải hoãn lại vì cuộc bạo loạn khủng khiếp đã diễn ra suốt 3 ngày qua tại London. Cái cớ của cuộc bạo loạn ấy là một thanh niên người da màu bị cảnh sát Anh khi đang thực hiện nhiệm vụ bắn chết, nhưng đi tìm hiểu sâu hơn, nó chỉ là sự bùng phát của những ức chế âm thầm trong cộng đồng người da màu ở quận Tottenham suốt nhiều năm qua. Từ năm 1998 đến nay, đã có hơn 300 người, chủ yếu là công dân da màu thiệt mạng khi bị cảnh sát Anh bắt giữ.

Các đội tuyển nổi tiếng gặp nhau, câu hỏi thông thường sẽ là: sức mạnh chuyên môn của họ đang ở đẳng cấp nào? Nhưng hôm nay, câu hỏi sẽ phải là: nỗ lực chống lại nạn phân biệt chủng tộc trong bóng đá đã đi xa đến mức nào?

2. Italia và Tây Ban Nha sẽ là hệ soi chiếu thích hợp để nhìn ra cuối cùng thì lá cờ “Kick racism out of football” (Sút phân biệt chủng tộc khỏi bóng đá) của FIFA đã làm được những gì trong suốt từng ấy năm nó được giăng lên. Đó đều là những nước mà phân biệt chủng tộc trên sân cỏ là một vấn đề nhức nhối.

Mọi chuyện có vẻ chưa được giải quyết một cách đúng mức. Ở Italia, từ tận năm 1992, sau khi 2 cựu danh thủ da màu người Hà Lan Ruud Gullit và Aaron Winter bị lăng mạ, dòng chữ “No al razzimo!” (Nói không với phân biệt chủng tộc) đã cùng được xướng lên bởi tất cả các cầu thủ ở cả 2 hạng đấu. Nhưng gần 20 năm sau, chuyện vẫn đâu hoàn đấy.

Và thống kê đáng chú ý (cũng là đáng buồn nhất) là mới chỉ có 3 CLB của nước này có chiến dịch chống phân biệt chủng tộc riêng. Đó là Sampdoria, Siena và Hellas Verona. Hai trong số đó chơi tại Serie B, đội còn lại mới lên hạng Serie A.

Ở Tây Ban Nha, nơi từng phải hứng chịu một scandal khủng khiếp khi HLV trưởng ĐTQG Luis Aragones động viên học trò Jose Antonio Reyes bằng câu “Cậu phải chơi tốt hơn thằng đen đó (Thiery Henry - PV)”, cũng chưa có thứ gì đáng gọi là một chiến dịch chính thức sau gần một thập kỷ. Eto’o thời còn đá cho Barca không bao giờ dám đưa con anh đến sân xem bố thi đấu.

3. Lửa đang cháy, máu đang chảy khắp châu Âu vì những mâu thuẫn màu da và tôn giáo. Giờ là lúc người ta tạm quên đi chuyện thắng - thua để nghĩ về những sứ mệnh cao cả hơn của bóng đá.

Bởi cũng giống như chuyện ở Tottenham, nhưng đốm lửa âm thầm có thể tạo ra đám cháy tàn bạo nếu không được quan tâm đúng mức. Hãy nhớ rằng World Cup 2018 sẽ được tổ chức tại Nga: đó là nơi mà Roberto Carlos thường xuyên được khán giả ném chuối vào người coi anh là một… con khỉ. Giải đấu ấy có thành một thảm họa không, nếu chuyện vẫn diễn biến theo hướng ấy?

Ngày hôm nay, một trận cầu đỉnh cao bị hoãn, và những trận cầu đỉnh cao khác bỗng trở nên vô nghĩa lạ thường.

BongdaPlus
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới