PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Tài sản của vợ, chồng có được hưởng sau ly hôn?

Thứ ba, 14/06/2011 11:52

Cho dù các bà vợ chịu trách nhiệm chính về kinh tế thì hầu hết vẫn không quên vai trò nội tướng trong gia đình.

Chị Thu Huệ (Q.Tân Phú, TP.HCM) ấm ức kể: “Trước khi qua đời, cha mẹ tôi đã di chúc để lại cho tôi tài sản là căn nhà và đất tọa lạc tại phường Tây Thạnh. Trong quá trình sử dụng, căn nhà hư hỏng nên tôi xin giấy phép sửa chữa lại và có xây thêm một phòng trên sân thượng.   Tiền sửa chữa và xây dựng là do tôi bỏ ra, chồng tôi do không có việc làm nên lãnh nhiệm vụ trông nom thầy thợ. Công việc tôi đang làm có thu nhập khá cao, chồng tôi chỉ ở nhà đưa đón con cái đi học, thỉnh thoảng có chạy xe ôm cho những người quen trong xóm, thu nhập không đủ anh uống cà phê.   Sau khi sửa chữa, theo quy định tôi phải làm lại chủ quyền nhà vì có phát sinh diện tích xây dựng mới. Do không có thời gian, tôi phải nhờ dịch vụ làm. Họ giải thích, tôi đã có gia đình, khi làm lại chủ quyền nhà phải ghi tên đồng sở hữu của vợ chồng. Mới đây, do tình trạng vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng tôi đã đưa đơn xin ly hôn.   Nhìn hồ sơ, cán bộ tòa án nói rằng tài sản chung theo luật là chia đôi. Tôi có trình bày nguồn gốc tài sản thì tòa bảo rằng có thể chia theo công sức đóng góp “một chín, một mười”, chứ không thể không chia cho chồng được. Tôi tranh luận thì tòa nói “Chứng cứ đã như thế, do khi làm lại giấy tờ nhà chị đưa tên chồng vào, xem như là sáp nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng rồi!”.   Gia đình chị Lan nổi tiếng làm nghề sản xuất kẹo dừa ở Bến Tre, cha mẹ qua đời, chị nối nghiệp cùng chồng đứng ra thành lập công ty chuyên sản xuất, kinh doanh kẹo dừa. Chồng chị Lan tuy mang tiếng là phó giám đốc công ty nhưng mọi việc sản xuất, kinh doanh, điều hành doanh nghiệp đều một tay chị lo liệu, người chồng chỉ đứng tên thành viên công ty kiểu “cho có” vì anh không thích kinh doanh. Công ty ăn nên làm ra, công việc của chị Lan trở nên bận rộn hơn, thì chồng chị lại nghi ngờ và có biểu hiện ghen tuông. Khi cần vay vốn để mở rộng sản xuất, chị về bàn với chồng thế chấp nhà đất để vay tiền thì chồng chị không đồng ý, từ đó mâu thuẫn vợ chồng phát sinh.   Tuy không muốn cảnh vợ chồng lục đục, ra tòa ly hôn sẽ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của gia đình và thương hiệu của mình, nhưng do chồng đã nhiều lần ghen vô cớ trước các khách hàng, đối tác làm ăn và quậy phá trong công ty, nên chị Lan quyết định ly hôn. Do khối lượng tài sản tạo dựng được khá lớn, lại nghe nhiều người nói nếu tạo lập trong hôn nhân là phải chia đôi, nên  theo chị  Lan như thế sẽ rất bất công, thiệt thòi cho người phụ nữ.   Chị Bích Vân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tuy  không khá giả gì cho lắm, nhưng cũng có những bức xúc riêng, Chị kể: “Tôi bán ở  chợ Bà Chiểu. Hàng ngày phải thức dậy từ bốn giờ sáng, đi chợ đầu mối lấy hàng, về dọn hàng bày bán. Công việc tất bật suốt ngày, đã vậy còn phải chăm lo cho hai đứa con trong độ tuổi ăn học. Chồng tôi mỗi buổi sáng chỉ phụ tôi chở một chuyến hàng rồi lấy tiền chợ đi nhậu đến tối mịt mới về. Ngày nào anh cũng có độ nhậu, tôi khuyên hoài không được. Tôi không đưa tiền thì anh chửi mắng tôi ngoài chợ, sợ xấu hổ tôi phải cho. Gần đây anh còn tham gia cá độ đá banh. Nếu không có tiền anh lấy tài sản trong nhà đi cầm, đã nhiều lần tôi phải chuộc về. Giờ đây, cảm thấy không thể chịu đựng nổi nữa nên tôi xin ly hôn để giải thoát cho nhau. Các con tôi đều ủng hộ mẹ.   Cái vướng hiện nay là tài sản. Vợ chồng tôi chỉ có căn nhà và cái sạp buôn bán rau củ quả ngoài chợ. Chồng tôi đòi tất cả phải chia đôi theo luật. Nếu bán nhà thì tôi và con không có chỗ ở, còn sạp kinh doanh ở chợ là “nồi cơm” của gia đình, nếu bán chia thì lấy gì nuôi con?”.

Quy định của pháp luật Những băn khoăn của các trường hợp nêu trên đều chính đáng vì thực tế, cho dù các bà vợ chịu trách nhiệm chính về kinh tế thì hầu hết vẫn không quên vai trò nội tướng trong gia đình, luôn là người lo lắng cho con cái nhiều nhất khi gia đình đổ vỡ.   Trong hoàn cảnh của chị Thu Huệ, điều 27 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định: trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung. Luật này cũng quy định về tài sản riêng như sau: Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; đồ dùng, tư trang cá nhân… Chị Huệ có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung. Nhưng giờ đã nhập rồi thì đành phải chia đôi theo quy định.   Thường thì việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản này.   Vụ ly hôn của chị Lan hứa hẹn gặp nhiều rắc rối hơn vụ ly hôn của chị Bích Vân, do chồng chị Lan còn đứng tên làm phó giám đốc công ty, chứ không đơn giản chỉ là người chồng phụ thuộc kinh tế vợ như chồng chị Vân …Tuy nhiên, do Luật cũng có quy định bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.   Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ tài sản chung về nguyên tắc được chia đôi. Tuy nhiên có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này.   Theo đó, với các trường hợp có tranh chấp, nếu sự đóng góp của mỗi bên có sự tương đồng theo kiểu “kẻ góp công, người góp của” hoặc sự đóng góp chênh lệch không đáng kể hoặc có chênh lệch nhưng các bên không đủ chứng cứ chứng minh “người nhiều, người ít”…, thì khi hòa giải tòa án thường động viên các bên chia đôi tài sản chung. Trường hợp hòa giải không thành và đưa ra xét xử thì tòa án cũng chia đôi theo pháp luật. Đối với những trường hợp việc đóng góp của các bên có sự chênh lệch rõ rệt, như các tình huống trên đây, nếu có chứng cứ chứng minh thì chắc chắn tòa án sẽ xem xét chia theo công sức và mức độ đóng góp, theo một tỷ lệ nhất định nào đó, như là 6/4 hoặc 7/3…   Pháp luật cũng quy định: “Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập”. Theo đó, các công việc nội trợ, nuôi con, các việc lặt vặt không tên trong cuộc sống sinh hoạt gia đình hàng ngày, không phân biệt vợ hay chồng đều được xem như lao động tạo thu nhập. Như vậy, với những trường hợp vợ ra ngoài xã hội, trên thương trường làm ăn lớn, trong khi chồng thất nghiệp, chỉ làm việc nhà, nội trợ nuôi con (mà có khi cũng chẳng làm được!), thì cũng xem như là có đóng góp vào khối tài sản chung vợ chồng và khi ly hôn vẫn phải chia theo luật định. Nói đến đây, có thể nhiều người phản đối, cho rằng như vậy là bất công hoặc thiệt thòi cho phụ nữ. Tuy nhiên, trong các nguyên tắc về chia tài sản khi ly hôn, có hẳn một quy định ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ, con chưa thành niên. Tuyệt nhiên, không có quy định ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chồng! Nên đối với các trường hợp người vợ sớm hôm tảo tần, vất vả nuôi con, làm lụng lo cho gia đình, trong khi chồng ăn chơi, nhậu nhẹt, phá tán tài sản… sẽ được tòa án xem xét ưu tiên khi giải quyết về chia tài sản và chỗ ở. Chẳng hạn như nếu hai vợ chồng chỉ có một căn nhà, người phải nuôi con, thì ưu tiên cho vợ sở hữu căn nhà và hoàn lại giá trị cho chồng trong khoảng thời gian hợp lý.

Ngoài ra, luật còn quy định nguyên tắc ưu tiên bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập. Theo đó, với những trường hợp một bên đang sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và tâm huyết với nghề, hoặc công việc, phương tiện đó là kế sinh nhai, là “cần câu cơm” của người đó, thì tòa án sẽ ưu tiên bảo vệ. Tòa sẽ không máy móc xử bán để chia tiền, hoặc giao cho người không có điều kiện sử dụng, kinh doanh, khai thác; không giải quyết ngừng việc sản xuất, kinh doanh; không để một bên bỏ nghề nghiệp chính đáng của mình vv…

PNO