Luôn được bao bọc
Trang (HVNH) là tiểu thư của một gia đình giàu có. Bố mẹ Trang cung cấp cho cô nàng này những thứ hiện đại và đắt tiền nhất. Cô nàng này rất sành về các hãng thời trang nổi tiếng hay thậm chí cả những dòng điện thoại đời mới nhất trên thế giới… Thế nhưng, khi được hỏi về việc nội trợ bếp núc, Trang dường như không biết chút nào.
Nếu như bạn cho rằng đó là điều dễ bắt gặp trong giới trẻ bây giờ thì hãy lắng nghe thêm câu chuyện của Thành (Đại học Kiến trúc). Là một cậu con trai, lại được sống trong sự nuông chiều của bố mẹ từ nhỏ nên với Thành, việc phải vào bếp, đi chợ, hay phụ giúp bố mẹ là chuyện chưa từng xảy ra. Những người bạn luôn nhìn cậu với ánh mắt ngưỡng mộ bởi sự đẹp trai, hào nhoáng mà cậu luôn khoác lên người.
Chỉ khi có một nhóm bạn tới nhà chơi, họ mới phát hiện ra rằng những sự thật rất đáng ngạc nhiên, rằng mặc dù Thành sống trong ngôi nhà này đã hơn 20 năm nhưng cậu thậm chí còn không biết vị trí chính xác của chiếc tủ lạnh, không biết nên tìm dao ở đâu nếu muốn bổ hoa quả, không biết nên tìm thuốc ở ngăn nào nếu bị đau bụng… Tất cả chỉ vì cậu đã quen với lối sống được cung phụng mọi thứ.
Hiện tượng đó không chỉ xảy ra trong các gia đình giàu có mà ngay cả những gia đình không mấy khá giả, nhiều teen vẫn sống như khách trong chính nhà mình. Bởi các bậc phụ huynh thường muốn con mình có đủ thời gian để học tập, nhất là khi chúng ta ôn thi. “Lợi dụng” điều này, các bạn teen có tính ỷ lại nhà mình đã “đùn đẩy” mọi việc cho bố mẹ, cho người giúp việc, suốt ngày chỉ quanh quẩn bên bàn học, bên máy vi tính hoặc vi vu ngoài đường… Điều này còn tiếp diễn ngay cả khi các kì thi đã kết thúc. Bởi thói lười biếng một khi đã “ngấm vào máu” thì teen rất khó để có thể thoát ra.
Không thể vỗ cánh
Bạn đã biết về vòng đời của loài bướm? Cuộc đời ấy sẽ ngắn biết bao nếu chúng cứ ngốc nghếch giam mình trong những chiếc kén ấm áp. Một bộ phận không nhỏ trong loài bướm luôn có suy nghĩ đó, và do vậy đã phải từ bỏ cơ hội được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp trên cuộc đời này. Bạn có thấy mình tương tự như những chú kén ấy?
Cũng như nhiều cậu ấm cô chiêu quen sống trong nhung lụa, Trang, khi được bố mẹ tạo điều kiện du học ở Pháp trong năm thứ 2 học đại học đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trang không biết cách làm thế nào để nấu mì tôm, không biết cách làm thế nào để chuẩn bị một bữa ăn đơn giản ngay cả khi đã tham khảo đủ các loại sách dạy nấu ăn. Những ngày đầu, Trang quyết định ăn ngoài, nhưng túi tiền của một tiểu thư ở Việt Nam không thể đáp ứng nổi mức sống xa hoa đắt đỏ chốn kinh đô ánh sáng. Trang đã khóc òa khi gọi điện về kể khổ với bố mẹ, cô nàng luôn hối tiếc vì đã không chăm chỉ học nấu ăn, học dọn dẹp nhà cửa với mẹ trước khi sang Pháp.
Về phần Thành, cậu bạn trường Kiến trúc chúng ta vừa nhắc tới bên trên, sau hai tuần dọn ra ở riêng, cậu đã “lon ton” gói ghém đồ đạc quay trở về nhà. Lý do được cậu chàng đưa ra “biện minh” quá ư là “đơn giản” : không biết cách giặt đồ dùng cá nhân của chính mình. Những việc làm tưởng như không thể làm khó được một bạn nhỏ cấp 1 giờ lại trở thành vấn đề của rất nhiều cô cậu sinh viên.
Không thể đổ lỗi cho người khác
Không thể phủ nhận rằng sự nuông chiều xuất phát từ sự yêu thương con cái của các bậc làm cha làm mẹ chính là một nguyên nhân quan trọng hình thành nên sự ỷ lại nơi các teen nhà mình. Thế nhưng, điều đáng nói chính là ý thức của các teen, bởi người hứng chịu tác hại của lối sống ỷ lại đó, không phải ai khác ngoài các teen. Mỗi người sinh ra đều là một cá thể độc lập, và sự phát triển theo tháng năm cũng dạy cho mỗi người những kĩ năng cần thiết để sống tự lập. Cuộc sống đó dường như không thích hợp với những teen chỉ muốn suốt đời chui trong kén. Còn bạn thì sao?