PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Thợ “đụng” phim trường

Thứ hai, 24/10/2011 11:48

Đó là những nhân viên hóa trang, thiết kế, ánh sáng và cả... đạo diễn. Họ đứng ở hậu trường, làm tất cả mọi việc để có cảnh quay tốt nhất

Chiếc xuồng con đi vớt rác trên sông dưới sự chỉ đạo của “ông gì y chang lãnh đạo” - theo cách nói của người dân huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau làm chộn rộn cả khu chợ quê buổi sớm. Xôn xao bàn tán “chuyện lạ” một lúc lâu, người dân bản xứ mới hiểu ra “những tình nguyện viên” đi vớt rác trên sông ấy là nhân viên thiết kế của đoàn làm phim Đất mặn, còn cái ông “lãnh đạo” là đạo diễn Tường Phương.
“Thương lái” bất đắc dĩ
Cảnh đi vớt rác trên không có trong kịch bản phim Đất mặn và nó là một sự cố. Những túi rác to từ thượng nguồn cứ trôi xuống làm cho những người thiết kế phải vất vả cả buổi để có được một quãng sông sạch cho “khung hình đẹp”.
Trong khi đó, bộ phận ánh sáng phim Khóc thầm cũng từng trở thành phu bốc vác khi mất cả buổi cùng hỗ trợ mang vác những bao lúa chất thành đống cho bối cảnh tá điền làm thuê ở nhà bà hội đồng hoặc trở thành nông dân phát quang cây cỏ làm thoáng bối cảnh hay sẵn sàng “biến hóa” thành thợ sửa xe, nài ngựa…, tất cả chỉ để phục vụ tốt nhất cho những cảnh quay trong phim.
Nhân viên phục trang Y Vone vẫn không quên cái khổ của đoàn phim Đồng quê trong những ngày quay ở  Cần Giờ. “Kết thúc một ngày quay, khi diễn viên đã về hết thì những người ở bộ phận thiết kế phải ở lại, dầm mình trong nước bùn lầy kéo chiếc đò một đoạn dài qua con rạch cạn nước chuẩn bị trước cảnh quay cho ngày hôm sau” - chị kể. Những người không vai diễn của đoàn phim Vịt kêu đồng bỗng dưng trở thành… thợ lợp mấy căn chòi. Có người còn trở thành “kẻ chăn vịt” bất đắc dĩ khi ở lại đêm giữ bối cảnh và “chăn dắt đàn diễn viên mấy trăm con” trên cánh đồng huyện Củ Chi.

Từ những ngày làm “thợ đụng”, chị Phan Thị Thu đã trở thành một trong những người hóa trang được nhiều đoàn phim tín nhiệm

NSƯT - đạo diễn Nguyễn Quốc Thành không quên lần làm “thương lái” bất đắc dĩ đi mua rơm phục vụ bối cảnh phim Thiên đường ở bên ta. Muốn có cảnh lãng mạn cho đôi tình nhân ở quê bên đống rơm giữa đồng, đạo diễn đi tìm mua hai ghe rơm. Nhưng “sản phẩm miền dân dã” khá đắt, “’thương lái” Nguyễn Quốc Thành quyết định chỉ mua  một ghe rơm để tiết kiệm chi phí vì quay xong cũng… không biết làm gì.
Còn đạo diễn phim Vịt kêu đồng cũng từng một mình khăn gói về miền Tây quyết làm “nông dân chính hiệu” sống hòa lẫn với gia đình nuôi vịt chạy đồng để tìm hiểu thấu đáo tâm tư nguyện vọng của người dân. Đạo diễn Xuân Phước cũng không ít lần cầm máy quay lang thang xứ người để có được những khung hình “ngoại” hấp dẫn cho phim. Tác nghiệp ở nước ngoài với nhân sự ít ỏi, đạo diễn của phim Sáu mặt Rubik (có cảnh quay ở Thái Lan) cho biết có khi anh cũng phải “trổ tài” hỗ trợ, đảm đương những khâu thiết yếu của đoàn phim.
Nghề không phụ người
Bắt đầu từ những công việc rất nhỏ ở phim trường, nhiều người đã tìm thấy cho mình một hướng đi vững vàng hơn với nghề. Giới làm phim bây giờ không còn ai xa lạ với cái tên Nguyễn Tranh – “tay máy vàng” của điện ảnh đã trưởng thành từ những ngày gian khó, chấp nhận làm những công việc vụn vặt, không tên ở đoàn phim. Chị Phan Thị Thu, với tên gọi quen thuộc “Thu hóa trang”, bây giờ cũng đã nhận được sự tín nhiệm của nhiều đạo diễn dù ngày vào nghề của chị là một “chân sai vặt” trong đoàn.
Chị nhớ lại: “Hồi mới theo chân đoàn làm phim, dù có chút ít kiến thức trang điểm nhưng tôi cũng chỉ đứng ngoài quan sát anh em làm việc là chính. Sau, được mấy chị hóa trang thuê làm những việc lặt vặt như giặm phấn cho diễn viên, mang vác đồ nghề hay chuẩn bị trang phục, có lúc thành “ô sin” đi mua thức ăn, cà phê… mỗi ngày được trả 50.000 đồng. Thức khuya dậy sớm, phơi nắng dầm mưa, cũng thấy vất vả nhưng không hiểu sao mình vẫn cứ theo, hết đoàn phim này đến đoàn khác”.
Chịu khó và chuyên tâm học hỏi từ những người đi trước, cuối cùng, chị Thu cũng “vào nghề”, ban đầu được giao hóa trang cho các diễn viên tấu hài ở những điểm diễn ngoại thành, rồi nâng dần lên video clip ca nhạc, từng bước được tin tưởng qua phim ảnh và bây giờ đã trở thành chủ chốt trong lĩnh vực hóa trang.
Phương Đông cũng có những năm tháng “lơ ngơ vào nghề”, anh rong ruổi khắp nơi để rồi cuối cùng trở thành nhiếp ảnh của Hãng phim TFS. Phim nào của đơn vị này thực hiện cũng do anh chụp, cho đến bây giờ, Phương Đông không nhớ hết những tên phim, những gương mặt diễn viên anh đã ghi vào ống kính, chỉ biết hành trình lang bạt với đoàn phim đã dài gần 10 năm, trải đủ những dặm đường gian khó.
“Nhiều khi giống như một cái duyên, nó không chỉ là công việc mà còn có điều gì đó gắn bó ý nghĩa và mình cứ thế mà theo, không bỏ đi đâu được” – chị Thúy, người đã gắn với công việc thư ký trường quay mấy mươi năm, chia sẻ. Và nói như “Thu hóa trang”: “Nếu đã yêu, có trách nhiệm và nhiệt tâm với nghề, nghề sẽ không phụ mình”.

 

Theo NLD