Lập tức, một làn sóng phản đối FA và ủng hộ Rooney đã xuất hiện, tất nhiên được khởi xướng mạnh mẽ nhất từ chính các thành viên của MU.
Thực ra, ngay từ khi MU tiến hành kháng cáo, nhiều chuyên gia đã nhận định khả năng thành công là cực thấp bởi thời gian gần đây, đội bóng thành Manchester liên tục dính "phốt" (trước đó là sự việc Sir Alex xúc phạm trọng tài trên các phương tiện truyền thống, dẫn đến án cấm chỉ đạo 5 trận). Ngoài ra, FA cũng đang triển khai chiến dịch "nâng cao ứng xử trong bóng đá" nên đời nào chịu "thông cảm" cho Rooney, thậm chí còn muốn lấy trường hợp này để làm tấm gương. Cho nên, kết quả này không quá bất ngờ (cũng còn may là Rooney không bị tăng án phạt treo giò từ 2 lên 3 trận).
Toàn đội đứng về phía Wayne Rooney
Tuy nhiên, nó vẫn khiến "Quỷ đỏ" tức tối. Lý do giải thích rất dễ hiểu: R10 sẽ không thể ra sân trong một trận đấu cực kỳ quan trọng và sự vắng mặt của anh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đăng quang ở cúp FA của MU. Vậy thì làm sao, đội bóng này có thể để yên được. "Nhân vật chính" của vụ việc là người lên tiếng đầu tiên: "Tôi không thể chịu đựng nổi khi phải ngồi ngoài sân hai trận, trong đó có trận bán kết cúp FA tại Wembley. Tôi đâu phải người đầu tiên chửi thề trên truyền hình và chắc chắn không phải là người cuối cùng. Không giống như một số cầu thủ khác từng có hành động tương tự, tôi đã ngay lập tức nói lời xin lỗi. Ấy vậy mà, tôi lại là người duy nhất phải nhận án phạt nặng vì chửi thề. Liệu có sự công bằng ở đây? Dù thế nào, tôi cũng phải chấp nhận những gì đã xảy ra và sẽ cố gắng không tái phạm".
Còn lão tướng Ryan Giggs thì điềm đạm bày tỏ quan điểm: "Tôi không ngạc nhiên khi Rooney bị trừng phạt bởi cá tính cậu ấy quá mạnh nhưng cấm thi đấu tới 2 trận thì không thể ngờ tới. Trước đó, chưa từng có tiền lệ về việc một cầu thủ bị phạt nặng vì chửi thề và có vẻ Rooney trở thành "con tốt thí". Tuy nhiên, nó chẳng thể tác động nhiều đến đội bóng. Chúng tôi sẽ vượt qua được hai trận không có Rooney và sẽ tập trung hết sức vào thi đấu để mang đến cho cậu ấy những món quà an ủi".
Trong khi, Rio Ferdinand thì so sánh rất hình tượng: "Tôi nghĩ đôi khi người ta cần đánh giá sự việc một cách tổng thể. Tôi chưa từng chửi thề trước camera truyền hình nhưng đâu đó trên thế giới, thiếu gì những người làm việc đó. Không những vậy, thật chẳng hiểu nổi tại sao vụ việc của Rooney lại luôn có mặt trên các trang nhất của mọi tờ báo thay vì các sự kiện nóng hổi hơn như cuộc chiến tại Libya hay Bờ Biển Ngà. Tại sao, tất cả đều chỉ quan tâm đến mặt xấu của Rooney mà không thèm để ý đến những đóng góp to lớn của cậu ấy cho bóng đá. Trên đời này, làm gì có ai hoàn hảo 100%. Thực sự tôi chỉ muốn, Rooney luôn được nhìn nhận dưới khía cạnh một cầu thủ bóng đá tài năng đơn thuần chứ chẳng phải những rắc rối trong lẫn ngoài sân cỏ. Tôi biết đâu đó có người ủng hộ Rooney nhưng phần lớn lại muốn dìm hàng. Trong bóng đá, có những quy định xem ra hết sức trái khoáy: chẳng hạn không được kéo áo qua đầu khi ăn mừng bàn thắng. Tôi chẳng thấy hành động đó có gì xấu".
Cuối cùng, tiền vệ Nani tỏ vẻ rất am hiểu: "Sau mỗi pha lập công, chúng tôi sẽ ăn mừng bàn thắng vì bản thân chứ chẳng phải vì một ai khác. Nhưng Rooney là một siêu sao và mọi người đều luôn dành sự chú ý đặc biệt vào mọi hành động của cậu ấy. Vì thế, mọi sự mới trở nên nghiêm trọng. Hàng năm, MU luôn phải chống lại nhiều thứ bởi đâu phải ai cũng yêu mến chúng tôi. Dù thế nào, đội bóng cần phải mạnh mẽ và cố gắng thắng mọi trận đấu. Đó là những gì chúng tôi sẽ làm".