Nhắc đến Tây Du Ký, chắc hẳn nhiều khán giả sẽ nghĩ ngay đến phiên bản truyền hình năm 1986 kinh điển đã đi vào lòng người. Thậm chí đến tận bây giờ nhiều khán giả vẫn không thôi mê mệt tác phẩm chuyển thể của đạo diễn Dương Khiết.
Nhưng trong thời kỳ mà công nghệ và trang thiết bị vẫn còn thô sơ, đoàn làm phim phải rất cố gắng để có thể thực hiện được những cảnh quay sống động. Vậy bạn có tò mò họ đã làm như thế nào không?
Với một tác phẩm đồ sộ như Tây Du Ký, số lượng diễn viên cần để quay đủ các tập phim, từ vai chính đến vai phụ, vai quần chúng đều rất nhiều. Tuy nhiên, thời điểm sản xuất phim, kinh phí eo hẹp, nhiều diễn viên đã được trưng dụng để đóng thêm… nhiều vai khác. Kỷ lục phải kể đến nhà sản xuất Lý Hồng Xương, mình ông từng đóng 7 vai khác nhau, gồm ngư ông, hắc hổ tinh, yêu quái nhiều mắt, rết tinh, đại thần, thương gia và Phật tổ, nên còn được khán giả gọi đùa là "đào kép vạn năng".
Hay như Diêm Hoài Lễ, mặc dù nhận cát-xê chỉ duy nhất vai Sa Tăng, song do thiếu diễn viên nên ông cũng tình nguyện đóng thêm nhiều vai khác. Có thể nhắc đến là Ngưu Ma Vương, Tây Hải Long Vương, Thái Thượng Lão Quân, Thiên Lý nhãn, Ngự mã giám…
Người hâm mộ Tây Du Ký bản 1986 hẳn sẽ bất ngờ khi biết được Diêm Hoài Lễ - cố diễn viên đảm nhận vai Sa Tăng còn đóng thêm nhiều vai lớn nhỏ khác trong phim.
Không biết rằng mọi người có còn nhớ tới "đại mãng xà" trong phim hay không? Khi ấy có nhiều người đều nói con mãng xà đó chỉ là đạo cụ hoặc kỹ xảo quay phim mà thôi, nếu không thì diễn viên có thể gặp nguy hiểm. Tuy nhiên sau này mới phát hiện ra con mãng xà đó là thật chứ không phải là đạo cụ hay là kỹ xảo. Đạo diễn Dương Khiết đã mượn con trăn này từ một người bạn.
Hình ảnh tòa tháp trong phim thực tế chỉ là một mô hình thu nhỏ, lắp ráp đơn giản.
Một trong những cảnh quay khiến khán giả thích thú là phân đoạn Tôn Ngộ Không thổi khói phù phép cứu Đường Tăng khi bị yêu quái trói. Ít ai biết rằng làn khói này thực chất chính là khói thuốc lá. Đoạn hậu trường phim cho thấy trước khi ghi hình, diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng đã phải hút thuốc trước rồi mới "nhả khói" cứu sư phụ.
Khán giả xem Tây Du Ký 1986 dường như đã quá quen thuộc với cảnh quay thiên đình, vườn đào, hội bàn đào. Không ít người thắc mắc rằng khung cảnh vượt đào được tạo ra như thế nào, hay liệu quả đào mà Tôn Ngộ Không ăn "ngấu nghiến" liệu có phải là là đào thật hay không? Câu trả lời là không. Những cảnh quay hoành tráng này đều được tái hiện ở cung thể dục thể thao của trường Dục Anh, Bắc Kinh. Còn những quả đào tiên khổng lồ được làm bằng cách sử dụng tre đan thành hình tròn, cố định bằng dây thép và cuối cùng là được phủ giấy bột, sơn màu y hệt một quả đào.
Trong phim, chúng ta cũng thường thấy Tôn Ngộ Không xuống biển tìm Long Vương hay thầy trò Đường Tăng bị thủy yêu bắt xuống nước, lúc đó Long Cung vì sao có thể lên hình một cách chân thực như vậy? Trên thực tế, khi quay cảnh Long Cung, đoàn phim ban đầu cũng không có giải pháp nào tốt, bởi vì công nghệ kỹ xảo trên máy tính lúc đó mới xuất hiện và còn rất thô sơ, nên không thể mô phỏng các cảnh quay hiệu ứng đặc biệt dưới nước. Lúc này, một thành viên trong đoàn làm phim nảy ra ý tưởng, đó là đặt một bể cá cảnh trước ống kính mỗi khi thực hiện cảnh quay dưới nước. Sau đó, tận dụng ống sục khí để gây hiệu ứng bong bóng, tạo cảm giác như đang ở dưới nước cho khán giả xem phim. Trên thực tế, đó chỉ là một cảnh quay trên cạn qua một chiếc bể cá.
Có thể thấy, khó khăn là vậy nhưng vượt lên trên tất cả, vì niềm đam mê nghệ thuật, cố đạo diễn Dương Khiết và ê-kíp đoàn phim đã cùng nhau đồng hành di chuyển qua 30 tỉnh thành, cùng quãng thời gian 6 năm ròng rã để hoàn thành tác phẩm.