PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Trịnh Mai Trang: Âm nhạc cổ điển là tình yêu giản dị

Thứ hai, 18/04/2011 14:21

Tài năng piano Trịnh Mai Trang (Trang Trịnh) đang đi trong hành trình tình yêu của mình đối với những tác phẩm âm nhạc cổ điển.

Sau thành công của Nhật ký Dương cầm diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua, Trang Trịnh tiếp tục đưa chương trình này vào biểu diễn tại Nhạc viện TP.HCM vào ngày 7/5 tới. Hiện tại, cô vẫn đang tiếp tục thực hiện những giấc mơ âm nhạc tại Việt Nam, nơi cô sinh ra và lớn lên.

Các tác phẩm đem ra trình diễn được Trang Trịnh lựa chọn một cách công phu vừa có tính trình diễn vừa phải có một nội dung gắn với một chủ đề chung. Cô phải lục tìm trong lịch sử các nhạc sĩ cổ điển khác nhau như: Mendelssohn, Mozart, Beethoven, Schumann, Elgar, Mozart, Chopin, Debussy, Schumann để tìm thấy hơn 10 tác phẩm phù hợp. Với Nhật ký dương cầm, nghệ sĩ Trang Trịnh muốn khán giả tìm được những cảm xúc khác lạ và có sự đồng cảm chung.

Tài năng dương cầm Trang Trịnh

Qua chương trình, Trang Trịnh muốn đem đến cho khán giả một cái nhìn, một cách tiếp cận mới với âm nhạc cổ điển. Cô mong sẽ tạo ra một không gian âm nhạc gần gũi, tạo cho khán giả những con đường đa chiều để đến với âm nhạc cổ điển thông qua thiết kế sân khấu, slide, lời dẫn, và đặc biệt là bằng tiếng đàn. Hướng đến một mục đích quan trọng là âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng; đem đến cho giới trẻ một động lực về sự sáng tạo, sự quyết tâm vươn lên, và cùng nhau khẳng định thế hệ trẻ Việt Nam nếu được quan tâm tạo điều kiện học tập, phát triển trong một môi trường tốt thì có thể tiếp thu tất cả những tinh hoa văn hóa, trí tuệ của nhân loại cũng như nền âm nhạc đỉnh cao của thế giới. Chương trình sẽ có hướng phát triển gần gũi hơn nữa, giảm bớt khoảng cách giữa nghệ sỹ biểu diễn và khán giả nhiều hơn.

- Hiện tại, công việc chuẩn bị cho show diễn Nhật ký Dương cầm của Mai Trang tại TP.HCM đã được tiến hành đến đâu rồi?

- Mọi việc đang tiến triển rất thuật lợi. Các công việc cho khâu tổ chức đều diễn ra một cách chuyên nghiệp nên tôi rất yên tâm tập luyện để chuẩn bị biểu diễn. Tôi đã vào TP.HCM từ tháng 3. Quả là hiếm khi tôi có thời gian rộng rãi như vậy để tìm hiểu về cuộc sống ở thành phố này và tìm hiểu về khán giả của mình. Hy vọng những trải nghiệm trực tiếp sẽ giúp tôi và ê kíp tổ chức có những sáng tạo mới để phù hợp với khán giả TP.HCM.

- Sau đêm diễn ở Hà Nội, Trang rút ra điều gì cho mình?

- Tôi rất vui vì sự đón nhận rất nhiệt tình của khán giả thủ đô. Dĩ nhiên là buổi biểu diễn độc tấu đầu tiên với nhiều sáng tạo mới nên vẫn còn nhiều điều tôi và ê kíp dàn dựng có thể làm tốt hơn nữa từ khâu tổ chức, dàn dựng đến chất lượng và nội dung biểu diễn.

- Thành công ở Hà Nội có là một áp lực cho Trang?

- Tôi muốn làm tốt hơn nữa. Có lẽ đây là áp lực duy nhất. Những kỉ niệm đẹp ở Hà Nội là nguồn động viên lớn để tôi tiếp tục đầu tư vào chương trình tại TP.HCM. Tôi biết, một nghệ sỹ không chỉ được đánh giá bằng một buổi biểu diễn thành công mà bởi rất nhiều nỗ lực, nhiều sáng tạo trong thời gian dài. Và người nghệ sỹ cần phải thận trọng, kiên trì và liên tục cố gắng để có thể đưa khán giả tới những sản phẩm nghệ thuật mỗi ngày một hoàn thiện.

“Nếu có thể nói một cách đơn giản, thì việc tôi chọn gắn bó với nhạc cổ điển là vì Yêu. Nhưng tình yêu ấy trước nhất không phải dành cho nhạc cổ điển. Tình yêu ấy trước nhất là dành cho những vẻ đẹp thiên nhiên mà Beethoven hay Trịnh Công Sơn đều ca ngợi: Về lá, về gió, về tiếng chim hót, về biển và cánh đồng vàng. Tình yêu ấy là dành cho những vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống mà tôi luôn luôn theo đuổi: Nụ cười của gia đình và bạn bè tôi, sự tha thứ, niềm hạnh phúc, những cảm xúc phức tạp của con người, ước mơ và sự sống... Đối với tôi, nhạc cổ điển đẹp cũng là vì nó chứa đựng một cách sâu sắc và tinh tế những vẻ đẹp “gốc” ấy" – Cô gái nhỏ nhắn xinh xắn tâm sự.

Khán giả thường biết đến một hình ảnh Trang Trịnh với những thuận lợi trên con đường âm nhạc. Đến với âm nhạc từ rất sớm, được sự chăm chút từ bố mẹ nên ngay từ nhỏ, Trang Trịnh đã có đủ điều kiện tốt nhất để bộc lộ khả năng âm nhạc đặc biệt của mình. Năm 18 tuổi đỗ vào hệ cử nhân âm nhạc của Học viện RAM - Royal Academy of Music, cô may mắn được học với hai giáo sư nổi tiếng Christopher Elton và Hilary Coates. Cô có nhiều cơ hội làm việc với các dàn nhạc lớn của Anh, các nghệ sĩ có tên tuổi trong làng âm nhạc thế giới.

Tuy nhiên, ít ai biết để tới thành công cô cũng trải qua nhiều khó khăn, và bên trong vóc dáng nhỏ nhắn là cả một nghị lực và một tình yêu âm nhạc lớn lao.

Khi còn là sinh viên, Trang Trịnh cũng đã có lúc gặp phải khó khăn về kinh tế. Như nhiều sinh viên du học khác, cô cũng phải tìm công việc làm thêm, phải chịu áp lực từ việc quản lý thời gian, đảm bảo các chương trình tại học viện và dành từ 6 đến 8 giờ mỗi ngày để tập đàn. Nhờ đi dạy thêm, Trang Trịnh có khoản tiền dành dụm để tới nghe những chương trình âm nhạc yêu thích của mình.

Thời điểm khó khăn nhất và không thể quên trong cuộc đời Trang Trịnh là khi cô chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ, tháng 5/2009. Trang Trịnh khi ấy đang phát triển mạnh mẽ về kỹ thuật biểu diễn và háo hức để trình bày các tác phẩm tốt nghiệp của mình thì cánh tay trái của cô đột nhiên bị chấn thương. Cô phải hủy 3 buổi diễn ở London và 2 kỳ thi quan trọng. Bác sĩ yêu cầu Trang Trịnh không được tiếp tục tập dàn và phải điều trị vật lý trị liệu. Như một vận động viên bị chấn thương khi ở đỉnh cao phong độ hay một họa sĩ trẻ đột nhiên chấn thương đôi mắt, đôi tay của Trang Trịnh tưởng đã phải xa những phím đàn mãi mãi. Nhưng bằng nghị lực và tình yêu với cây đàn piano, cô đã vượt qua tất cả.

Trang Trịnh kể “Lúc ấy tôi rất hoang mang, thậm chí nghĩ rằng cuộc đời cuộc mình như vậy là kết thúc, thực sự tôi chỉ còn biết cầu nguyện...”. Theo lời khuyên của bác sĩ, Trang Trịnh không tiếp tục chơi đàn, nhưng vẫn đến với âm nhạc theo cách của riêng mình. Quay lại với những thang âm cơ bản dành cho người mới học, Trang Trịnh đứng trước gương hàng ngày tập luyện và tưởng tượng đôi tay như đang gõ trên phím đàn. Có lẽ lời cầu nguyện đã được linh ứng, bằng cách ấy đôi tay Trang Trịnh dần khỏe lại. Vị bác sĩ cũng bất ngờ về khả năng bình phục của Trang Trịnh, ông cho phép tập trên phím đàn nhưng chỉ được tập nhẹ nhàng.

“Tôi đã phải chuyển cách đánh đàn và tập chỉ 10 phút mỗi ngày nhìn vào gương, chỉ tập lại những bài luyện ngón chứ không được tập vào bài, rời khỏi đàn thì phải tập nhìn tổng phổ và bản nhạc. Lúc đó gia đình, bạn bè và hai giáo sư dạy tôi cũng động viên nhiều. Nhiều lúc thấy khó quá, tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ diễn piano đề học ngành khác… Nhưng qua thời gian này, tôi cũng nhận ra mình rất yêu piano, yêu biểu diễn, yêu khán giả... Tôi nhận thấy đây là con đường dành cho mình nên phải tiếp tục đi… Và ánh sáng ở phía cuối đường hầm, tôi lại diễn trở lại…”.

Ngay khi có thể diễn trở lại, Trang Trịnh có nhiều lời mời biểu diễn ở Áo và các nước khác, và dù phải chậm lại thời gian tốt nghiệp nhưng cô đã hoàn thành với thành tích xuất sắc.

Trang Trịnh mong muốn đem đến cho các tác phẩm bất hủ của Beethoven, Mozart, F Listz hay là Chopin một hơi thở của thời đại, một cảm xúc mới trên những tác phẩm đã cũ. Sự tinh tế trong cách xử lý ngón đàn, kỹ thuật, hay cảm thụ tác phẩm cũng đều xuất phát từ hơi thở của thời đại ấy.

"Nhiều khi tôi tự hỏi, nếu như trên thế gian chỉ có một cây đàn dương cầm, thì cây đàn ấy sẽ biết được bao nhiêu câu chuyện thầm kín của con người... Mỗi đôi bàn tay lướt trên phím đàn là một số phận, một cuộc đời rất riêng. Schumann, Debussy, Beethoven, Chopin..., những cái tên ấy có thể xa lạ với chúng ta. Họ đến từ những đất nước với tiếng nói và phong tục khác nhau, họ sống trong những thời điểm khác nhau. Thế nhưng những dòng nhật ký chân thành của họ qua âm nhạc lại là thứ ngôn ngữ rất “chung”, rất quen thuộc: thứ ngôn ngữ của cảm xúc. Xin mời bạn đến với thế giới âm nhạc kỳ diệu ấy, để ta cùng nghe và chiêm nghiệm về những giá trị của cuộc sống, trước khi nhịp sống bộn bề cuốn đi quá nhanh đến nỗi ta không đủ thời gian để dừng bước, để nghuệch ngoạc lên trang giấy, hay trên những phím đàn” – Trang Trịnh viết trong lời đề tựa cho chương trình Nhật ký Dương cầm của mình.

- Trang đang xây dựng một giấc mơ về việc đưa nhạc cổ điển vào Việt Nam nhiều hơn. Trang đã và sẽ làm những gì?

- Nhật ký Dương cầm thực ra chỉ là bề nổi của một tảng băng. Trong quá trình thực hiện bước một của dự án âm nhạc Nhật ký Dương cầm của mình, tôi đã làm việc trực tiếp - một đối một với rất nhiều người, từ những nghệ sĩ trong các nghệ thuật khác, tới những người bạn không hoạt động nghệ thuật. Đối với tôi, công việc này là rất quan trọng. Tôi chia sẻ ý tưởng với họ, chơi đàn cho họ nghe, hỏi họ nhiều câu hỏi và lắng nghe những điều họ muốn biết về âm nhạc cổ điển, cũng như những đòi hỏi của khán giả về một chương trình biểu diễn. Chính những công việc "phía dưới mặt nước" này là phần chính, phần thú vị nhất của Nhật ký Dương cầm. Dĩ nhiên, chương trình biểu diễn mà khán giả thưởng thức sẽ là điểm nhấn, và có độ phổ biến rộng rãi nhất.

Hơn nữa, chương trình biểu diễn này chỉ là bước đầu của dự án tôi đang thực hiện cùng với một số người bạn và đồng nghiệp của mình. Không chỉ là một Show diễn đơn lẻ, xuất hiện rồi biến mất, mà Nhật ký Dương cầm giống như một lời mở đầu, nói nôm na la món khai vị cho khán giả mới làm quen với âm nhạc cổ điển. Sự thành công của bước đầu này sẽ giúp Trang tiếp tục mạnh dạn thực hiện tiếp dự án với độ phủ sóng rộng rãi và chiều sâu nghệ thuật. Thời gian ở Việt Nam này cũng giúp Trang tìm và gặp được những người bạn chung ước mơ, và hy vọng là trong thời gian không xa, khán giả sẽ tiếp tục được thưởng thức những buổi trình diễn tiếp theo trong chuỗi concert của Nhật Ký Dương Cầm, với sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ.

- Kế hoạch của Trang trong năm nay với các chương trình ở Việt Nam thế nào?

- Cuối tháng 5, trước khi quay lại châu Âu, Trang sẽ biểu diễn bản concerto số 20 dành cho piano của Mozart, cùng với dàn nhạc và nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Sau đó sẽ là một mùa hè tại châu Âu để biểu diễn cũng như học hỏi và trau dồi thêm. Trang dự định sẽ trở lại Việt Nam vào mùa thu và bắt đầu những bước kế tiếp của dự án Nhật ký Dương cầm.

- Liệu Trang có về Việt Nam để sinh sống và phát triển sự nghiệp?

- Đây là mong muốn của tôi, và rất vui là lần này về Việt Nam, tôi đang dần tìm được những người bạn cùng ước mơ, và dần nhìn thấy những hướng đi thực tiễn hơn trong thời điểm này. Hy vọng mong muốn này sẽ trở thành hiện thực một ngày không xa.

 

Đối với khán giả yêu nhạc, giới trẻ Việt Nam, Trang Trịnh còn là một thành viên hoạt động tích cực với Diễn đàn nhạc cổ điển Việt Nam (www.nhaccodien.info). Trang Trịnh được các bạn trẻ đánh giá là một nghệ sĩ tài năng, tinh tế và luôn gần gũi với khán giả. Mục đích của Trang Trịnh là muốn đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng Việt Nam. Cô đã tổ chức các chương trình biểu diễn và cung cấp thông tin, thực hiện những dự án âm nhạc diễn giải, giáo dục âm nhạc…

Là một nhà đào tạo âm nhạc đầy đam mê, cô cũng đã có nhiều học sinh thi bằng ABRSM thành công tại Anh từ năm 2008. Cô đã cùng tham gia dựng và đệm 2 vở Opera cho các em nhỏ (7 - 9 tuổi) tại trường cấp 1 St.Mary (London). Tại Việt Nam, cô cũng có buổi giới thiệu về âm nhạc cơ bản cho trẻ em mồ côi tại Center of Hope tại Lập Thạch mùa hè năm 2007, 2008. Dự án gần đây nhất của Trang Trịnh, Rethinking Beethoven được thiết kế đặc biệt cho giới trẻ đã được đánh giá là đầy sự sáng tạo, táo bạo và rất có giá trị đào tạo.

Hiện sống và làm việc giữa Hà Nội và London, Trang có nickname là “Nghệ sĩ dương cầm hạnh phúc” (Happy Pianist) hay là theo lời của giáo sư Christopher Elton: “...Thông minh và rất thú vị, niềm vui của cô ấy khi biểu diễn thật khiến cho người nghe thấy sảng khoái”.

 

VTC
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới