- Những ngày thơ ấu của chị và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã trải qua như thế nào?
Ba tôi mất khi tôi còn nằm trong bụng mẹ, do đó, anh Sơn đối với chúng tôi chẳng những là một người anh mà còn mang hình ảnh của một người cha. Ngay từ nhỏ, tôi đã được đi theo anh tôi, để nghe anh và chị Khánh Ly hát trong những buổi sinh hoạt với sinh viên ở Huế. Mỗi lần chị ra Huế, chị và anh tôi thường ngồi cùng với bạn bè hát và đó là những dịp mà chúng tôi được phép thức trắng đêm.
- Trở thành một ca sĩ có phải là ước mơ từ nhỏ của chị không?
Tôi không biết ước mơ đó đến với tôi khi nào, chỉ biết rằng khi tôi còn rất nhỏ, từ lúc 6 tuổi, mẹ tôi thường gọi “Út ơi! Lên hát với má!” và từ đó đã dẫn dắt tôi gần gũi đến việc ca hát và niềm đam mê. Mẹ tôi luôn là người đầu tiên nghe và góp ý những sáng tác mới của anh Sơn.
Tôi còn nhớ, có những lần tôi đứng núp sau khe cửa để nghe anh Sơn tập cho chị Khánh Ly hát, những lúc đó đã để lại trong tôi những ấn tượng và tôi mơ ước một ngày nào đó sẽ được hát những bài hát của anh mình. Những năm sau đó, tôi được anh Sơn cho phép đi hát với anh trong những buổi sinh hoạt với sinh viên và bạn bè.
Năm tôi 18 tuổi, một công ty Nhật Bản có ký hợp đồng mời anh Sơn sang Nhật trình diễn những ca khúc của anh. Công ty này cũng đề nghị một giọng hát trẻ ngoài chị Khánh Ly. Anh Sơn đã chọn tôi đi cùng anh sang Nhật. Tôi nghĩ đó là bước ngoặt đưa tôi trở thành ca sỹ.
Tuy nhiên, dự định đó không thành, do anh tôi không đồng ý với đề nghị của chính quyền lúc bấy giờ, họ buộc anh phải tuyên bố những câu mang tính chất chính trị. Vì từ chối đề nghị đó mà chúng tôi không được phép sang Nhật trình diễn. Mặc dù không được đi Nhật nhưng tôi rất phấn khởi vì biết rằng, anh Sơn đã cảm nhận được khả năng của tôi.
Những năm sau đó, tuy rất thích hát, tôi vẫn không xuất hiện với tư cách là một ca sỹ vì mẹ tôi và anh Sơn luôn luôn nghĩ tôi chưa đủ trưởng thành để đi hát đây đó. Tuy nhiên anh Sơn và tôi cũng xuất hiện trong những chương trình hát cho sinh viên học sinh.
Sau này khi ở Canada, tôi nhận được điện thoại của ca sỹ Khánh Hà mời qua California hát qua lời giới thiệu của nhạc sỹ Tùng Giang. Anh Giang đã nghe tôi hát vài lần trong những chuyến gặp nhau tại Việt Nam. Cũng tại Cali, chị Thái Xuân, giám đốc trung tâm Diễm Xưa - một trung tâm nhạc nổi tiếng nhất thời đó đã chính thức mời tôi ký hợp đồng. Ba ca sỹ chính của trung tâm này được ký hợp đồng là: Vũ Khanh, Ý Lan và tôi.
- Hát nhạc của anh trai mình, chị có nghĩ đó là một lợi thế?
Tôi nghĩ rằng, nếu tiếng hát của tôi không được công chúng yêu thích thì dù là em của anh Sơn cũng không phải là một lợi thế. Cho phép tôi trích lời anh Sơn đã nói trong băng video Ru Tình, video đầu tay của tôi: “… Có những bài hát của tôi (Trịnh Công Sơn) rất khó hát mà Trinh vẫn thể hiện hay những bài hát đó, vì Trinh là em tôi, hiểu được những gì tôi muốn nói”.
Tôi cũng đã hát thành công một số bài hát của các nhạc sỹ khác ở hải ngoại như Trầm Tử Thiêng, Phạm Duy… Hy vọng sẽ được phát hành tại Việt Nam một ngày gần đây.
- Chị thích nhất là ca khúc nào của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Chị có kỷ niệm gì với bài hát đó không?
Thật khó trả lời là tôi thích nhất ca khúc nào của anh tôi vì mỗi bài hát mang một tính chất riêng của thời điểm đó.
Có lẽ một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên là năm 16 tuổi, trường Đại Học Văn Khoa Huế đã mời tôi hát. Tôi rất lúng túng và hồi hộp, không biết chọn bài hát gì. Ở vào tuổi đó cũng chưa biết yêu, mà cuối cùng tôi lại chọn bài “Tình Xa”, mặc dù chưa hiểu được cái thâm thúy của bài hát này lúc đó.
- Những khi chị hát hoặc tập luyện những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ có khắt khe với chị không? Ông có nhận xét hay đưa ra một lời khuyên nào chứ?
Không biết tại sao, riêng đối với nhạc anh Sơn, chỉ cần nghe qua một lần là tôi có thể hát như ý anh muốn. Có lẽ, nhạc của anh đã nằm trong máu tôi. Đó là một may mắn lớn của đời tôi.
Anh Sơn có khắt khe với tôi không ư? Rất khắt khe! Rất khó tính với tất cả các em, đặc biệt là các em gái, trong phong cách sống, đạo làm người và nguyên tắc ứng xử trong cuộc đời. Anh đã dạy cho tôi cách phát âm những chữ khó và anh nói rằng giọng Bắc là giọng phát âm chuẩn mực nhất.
Sự khắt khe và khó tính của anh đã để lại cho chị em tôi những kỷ niệm rất sâu sắc. Chúng tôi chưa bao giờ thấy anh giận dữ hoặc to tiếng ngay cả lúc một trong chúng tôi làm gì lỗi. Mỗi khi như vậy, chúng tôi nhận được một bức thư của anh để trên gối. Chừng ấy cũng đủ làm chúng tôi rất lo sợ.
Tôi chỉ muốn nói rằng, mẹ chúng tôi và anh Sơn là hai người rất vĩ đại đối với anh em tôi, đã hy sinh hết cuộc đời mình cho gia đình. Anh chị em tôi sống rất gần gũi, thương yêu nhau, được đùm bọc bởi sự hy sinh cao cả đó. Thật khó mà nói hết được lòng kính trọng và thương yêu anh em tôi dành cho mẹ và anh Sơn.
- Đến giờ này, chị nhớ nhất hình ảnh nào của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Và đã có câu nói nào của ông đã theo chị suốt một quãng thời gian dài không?
Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn nhất, trong gia đình hay ngoài xã hội, hình ảnh của mẹ và anh tôi luôn ghi đậm trong chúng tôi và hình ảnh đó mang nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của anh em tôi.
Anh Sơn và chúng tôi đều chịu ảnh hưởng của mẹ về phong cách sống, cách ứng xử và lòng vị tha. Có lẽ từ “thôi kệ” của anh Sơn cũng bắt nguồn từ đó. - Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một người rất yêu quý và gắn bó với quê hương là xứ Huế, chị cho biết đã có những sáng tác nào của nhạc sĩ dành riêng cho Huế?
Nhiều người đã từng hỏi tôi và gia đình tại sao Trịnh Công Sơn là người Huế, yêu Huế nhưng không viết một bài hát nào về Huế? Tôi xin trả lời rằng, nếu chúng ta nhìn lại những ca khúc của anh Sơn, chúng ta đều nhận được trong đó phảng phất nhiều hình ảnh Huế, mặc dù anh không hề sử dụng các biểu tượng như sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ…
- Chị là một trong những người đang giữ gìn "mảnh vườn tình ca" mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại. Chị suy nghĩ như thế nào về công việc đó và xin chị chia sẻ những băn khoăn của mình trong công việc này.
Lúc sinh thời, anh Sơn thường nói với chúng tôi nhiều điều anh trăn trở, những chuyện anh muốn làm mà chưa làm được. Với tư cách là những người thừa kế, chúng tôi biết mình có nhiệm vụ phải thực hiện những ước nguyện của anh. Sắp tới đây, một Quỹ Học Bổng Trịnh Công Sơn sẽ được thành lập nhằm hỗ trợ các hoạt động văn hóa nghệ thuật và giúp đỡ những tài năng trẻ của đât nước. Quy chế học bổng đã được soạn xong và chúng tôi đang ở giai đoạn thành lập một hội đồng tư vấn bao gồm những văn nghệ sỹ Việt Nam có uy tín trong và ngoài nước.
- 10 năm sau khi nhạc sĩ ra đi, nhìn thấy mọi người vẫn chưa quên ông, chưa quên những giai điệu và ca từ của ông. Chị suy nghĩ gì về điều này?
Theo tôi nghĩ, sở dĩ nhiều giai điệu và ca từ của anh Sơn tồn tại mãi với thời gian bởi vì nó thể hiện cái triết lý của cuộc sống, cái thân phận của con người Việt Nam trước những diễn biến mà dân tộc phải đối phó, thể hiện tinh thần yêu nước, thương nòi của người Việt chúng ta. Tôi và gia đình rất xúc động khi thấy mỗi lần đến giỗ anh Sơn, khắp mọi miền đất nước, từ thành phố lớn đến thị trấn nhỏ, từ trung tâm thành phố đến các quán café ven đô, đều có những chương trình nhạc Trịnh Công Sơn. Vào tuần giỗ này, năm nay cũng như mọi năm Việt Kiều ở khắp mọi nơi như Pháp, Mỹ, Úc, Đức… cũng đều có tổ chức các đêm Nhạc Trịnh.