PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Tuổi về hưu

Chủ nhật, 07/08/2011 07:20

Có một xu thế đáng mừng là những đội bóng do các HLV trẻ dẫn dắt ngày càng chiếm thế thượng phong so với các HLV được cho là già.

Nếu Hà Nội.T&T của Phan Thanh Hùng hay SHB.Đà Nẵng của Lê Huỳnh Đức không thể tạo nên bất ngờ thì chức vô địch V-League 2011 sẽ thuộc về Sông Lam Nghệ An của Nguyễn Hữu Thắng. Người già nhất trong số các HLV của 3 đội bóng dẫn đầu là ông Hùng, sinh năm 1950. Hai người còn lại đều sinh năm 1972.

Trong bóng đá, dưới 40 tuổi được coi là HLV trẻ. Nếu theo quy trình thông thường thì khoảng 33-34 tuổi là treo giày, sau đấy đi học HLV, trải qua công tác huấn luyện bóng đá trẻ, làm trợ lý rồi mới làm bóng đá đỉnh cao thì cũng mất chừng 7-10 năm. Phải tới gần đây, độ tuổi được coi là trẻ mới giảm xuống sau khi xuất hiện một số HLV làm theo kiểu nhảy cóc mà rất thành công, điển hình như Andre Villas-Boas mới về Chelsea.

Một khi độ tuổi được coi là trẻ giảm đi thì dĩ nhiên độ tuổi được cho là già cũng hạ thấp xuống. Hễ nói tới chuyện tuổi tác, già cả là người ta muốn ám chỉ sự chậm chạp, bảo thủ và kể cả nhầm lẫn.

Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng từng giúp Hà Nội.T&T vô địch V-League 2010

V-League 2011 tính từ đầu mùa giải có mấy HLV được coi là già như ông Lê Thụy Hải (65 tuổi), Nguyễn Thành Vinh (65 tuổi) Vương Tiến Dũng (62 tuổi), Mai Đức Chung (60 tuổi). Ông Dũng mới bị Hải Phòng sa thải. Hòa Phát Hà Nội của ông Vinh thì đang đứng trước nguy cơ xuống hạng. Navibank Sài Gòn của ông Chung đã đủ điểm trụ hạng nhưng với một đội bóng toàn hàng tuyển với mức đầu tư vô hạn mà không có chút thứ hạng là thất bại. Chỉ có ông Lê Thụy Hải ở Thanh Hóa mới giúp đội bóng chơi vượt ngưỡng kỳ vọng, nhưng cũng không phải ngẫu nhiên khi người ta bảo với những mánh khóe đối phó với đám cầu thủ và khả năng đốp chát với liên đoàn, trọng tài thì ông là “người không tuổi”.

Ưu điểm nói chung của thế hệ HLV trẻ là khả năng ngoại ngữ, tiếp cận với những kiến thức bóng đá hiện đại qua các phương tiện hiện đại, còn thế hệ HLV già lại chỉ hơn về mặt kinh nghiệm.

Nhưng, nhiều khi kinh nghiệm của bóng đá bao cấp cũng chẳng giúp được gì nhất là khi các HLV trẻ có thể cộng thêm những tháng năm đá bóng của họ gần đây để làm hành trang khi cầm sa bàn chỉ đạo. Nhưng kinh nghiệm phỏng có bù đắp nổi kiểu nhầm lẫn tới mức xếp đội hình đá chính gồm cả cầu thủ bị treo giò như ở Hải Phòng hay sự đa nghi tới mức chỉ dám tin các cầu thủ cùng quê ở Hòa Phát, hay đã gần hết giải mà vẫn chiến thuật ông xây dựng mới chỉ giúp đội bóng có nổi 1 trận thắng trên sân khách như ở Navibank Sài Gòn.

Ai hơn ai trong bóng đá đúng là chỉ cần nhìn kết quả. 3 đội bóng dẫn đầu đều là của HLV trẻ hoặc trung niên, và 2 mùa gần đây chức vô địch V-League đều thuộc về họ.

Đội bóng Đồng Tháp có lối chơi cống hiến nhất trong mấy mùa gần đây và thực sự là hiện tượng cũng là do một HLV trẻ dẫn dắt, ông Phạm Công Lộc sinh năm 1968.

Có một HLV trẻ đang cùng đội bóng của mình đứng cuối bảng xếp hạng là Hoàng Anh Tuấn (Khánh Hòa) với nguyên nhân không phải là sự non kém mà bởi sự độc đoán của ông đã tạo ra các hệ lụy, và có thể tin rằng nếu đội bóng này (năm nào cũng bị chảy máu tài năng) mà rơi vào tay một “ông già” nào đó có thể nó đã xuống hạng từ lâu rồi.

V-League hiện giờ chỉ có 1 HLV ngoại nên cũng đáng khích lệ khi tỷ lệ HLV trẻ (hoặc chưa già) giờ chiếm đa số.

Nhưng thật ngạc nhiên khi trong ê-kíp trợ lý do chúng ta chọn cho ông Falko Goetz ở đội tuyển lại có tới 2 trong số 3 vị trí trợ lý lại là những HLV thuộc thế hệ “về hưu” là ông Mai Đức Chung và Hoàng Gia. Không hiểu mục đích của sự lựa chọn này là gì khi từng có bài học là chọn HLV lên tuyển làm trợ lý đội còn là chọn những người trẻ tuổi có tiềm năng để họ học hỏi sau này phục vụ chủ trương “dùng hàng nội”.

TT&VH