PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Tuyển U23 Việt Nam dưới cái nhìn của Nhạc sĩ Dương Thụ

Thứ bảy, 24/09/2011 08:34

Thay vì một cuộc trò chuyện thông thường, nhạc sĩ Dương Thụ dành thời gian viết hẳn một bài cho chuyên mục này sau khi ông dự khán trận đấu giữa tuyển U23 Việt Nam và đội Sinh viên Hàn Quốc trong ngày khai màn Cúp bóng đá quốc tế TP.Hồ Chí Minh.

Khán giả

Tôi đến sớm để xem U23 Singapore đá đấm thế nào, liệu U23 ta có “nuốt” nổi họ không và cũng để xem chất lượng của Học viện bóng đá danh tiếng Aspire (Qatar). 15h30, sân vận động Thống Nhất vắng hoe, mặc dù 15h45 trận đấu mở màn giữa U23 Singapore và Học viện bóng đá Aspire sẽ bắt đầu. Phải đi tìm người phe vé để kiếm một chỗ ngồi dễ xem, tôi cứ tưởng mình nhầm ngày. Một giải đấu danh tiếng như Cúp bóng đá quốc tế TP.HCM, buổi khai mạc có đội tuyển U23 mới toanh của Việt Nam mà như thế này ư? Vào sân, khán đài A lác đác khoảng vài trăm người, hết hiệp 1 có khoảng hơn nghìn người. Khán đài B, khu vực thật sự của các cổ động viên bóng đá thì cũng chưa đến trăm mống. Anh bạn ngồi cạnh tôi động viên: “Cứ yên trí đi, đến lúc đội tuyển ta vào sân thì sẽ đông nghẹt à”.

U23 Việt Nam xứng đáng có một trận hòa trước Sinh viên Hàn Quốc.

Đội tuyển đá chừng 15 phút thì quả thực khán giả kéo đến cũng được ngót 9, 10 ngàn người, ngồi chưa kín nửa sân. Đông nghẹt là như thế đó! Báo chí hay nói quá lời về tình yêu bóng đá của người Việt khiến ta hình dung fan bóng đá Việt Nam thuộc loại cuồng nhiệt hàng đầu thế giới! Với những gì tôi được chứng kiến mỗi khi tới sân Hàng Đẫy hoặc Thống Nhất trong vài năm trở lại đây, tôi có nhận xét không được lạc quan mấy. Ở hai trung tâm bóng đá lớn nhất nước này, tình yêu bóng đá Việt Nam đang phai nhạt dần. Họ bỏ sân bóng đến với thứ bóng đá khác trên TV: Giải Ngoại hạng Anh, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Cúp C1, Cúp UEFA chứ không phải với V-League. Người sành điệu nói chuyện về Manchester United, về Barcelona, về Mourinho, về Messi chứ ai lại đi nói về Hà Nội T&T, về Sông Lam Nghệ An, về giải vô địch quốc gia, Cúp Quốc gia hoặc về Phan Thanh Hùng hay về Công Vinh (“thằng này chỉ nổi vì vụ yêu cô ca sĩ Thủy Tiên chứ đá đấm quái gì” !?).

Việc tôi thích bóng đá Việt Nam bị mấy ông anh văn nghệ kêu: “Ồ thằng này lạ nhỉ, bóng đá Việt Nam bí bét như thế mà cũng xem” (!). Và bạn cứ thử đọc báo xem. Các tờ báo thể thao rút tít về các giải châu Âu bao giờ cũng nảy trên trang bìa với màu sắc và diện tích trình bày rất “hoành tráng”, còn của bóng đá Việt Nam ư? Bé tí tẹo. Ví dụ như trên tờ Bóng đá, cơ quan ngôn luận của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, số ra ngày 21/9 chẳng hạn, trận đấu rất được chờ đợi của bóng đá Việt Nam: U23 Việt Nam - Sinh viên Hàn Quốc cũng được nảy trang bìa nhưng ở tít tận chân và cả chữ lẫn hình ảnh lớn chỉ bằng hình cái cẳng tay của cầu thủ Barcelona đăng ngay bên cạnh. Báo chí Việt khinh bóng đá Việt như thế thì cũng chẳng nên trách công chúng làm gì.

Tuyển U23 Việt Nam dưới triều đại ông Falko Goetz

Xem Aspire Qatar - U23 Singapore, thấy cầu thủ phần lớn cao to. Khi Sinh viên Hàn Quốc ra sân khởi động cũng thế. Đến khi Việt Nam mình ra sân tôi thấy buồn quá. U23 chứ có phải trẻ con gì mà cả đội sắp hàng trông cứ bé con con, được dẫn đầu bởi đội trưởng Đình Tùng cũng bé con con như thế. Một sự tương phản về thể hình so với bóng đá nước ngoài (dù họ là Đông Nam Á, hay châu Á) thật khó có thể chấp nhận. Thể hình là như vậy nhưng về tên tuổi thì còn mới quá. Tôi cố nhìn số áo để đoán tên nhận mặt, nhưng đành chịu. Đình Tùng, Hoàng Văn Bình, Chu Ngọc Anh thì có thể, nhưng nhiều người vô danh quá chưa thể quen mặt. Nếu tập hợp tên tuổi thuộc diện U23 mà tôi được biết thì có thể đủ cả một đội hình chính đang ở ngoài đội tuyển đấy. Nên tôi lo lo. Tương lai bóng đá Việt Nam chẳng lẽ lại như thế này ư?

Trận đấu bắt đầu độ 15 phút thì tôi thấy có lẽ mình đã nhầm. Những anh chàng bé con con này với lối chơi pressing toàn sân và sự khéo léo về kỹ thuật đã làm cho những chàng trai cao to Hàn Quốc không có nhiều cơ hội lên bóng và triển khai tấn công. Trong suốt hiệp 1 và phần đầu hiệp 2, không phải đối thủ hơn hẳn về thể hình và thể lực mà chính họ đã tạo được sóng gió trước khung thành đối phương bằng những pha phối hợp đẹp mắt. Và sóng gió ấy không chỉ một lần, chỉ tiếc là không có bàn thắng. Tôi bắt đầu liên tưởng đến cầu thủ số 10 của Aspire Qatar, cũng bé con con như thế nhưng lại là cầu thủ hay nhất trận đấu (đánh giá của tôi) để nhìn nhận lại tầm vóc của U23 mình. Tôi cũng liên tưởng đến cầu thủ số 4 của họ, một trung vệ chắc cao đến hơn 1,9m và rất nhiều đồng đội khác ngoại cỡ của anh để tiếc cho đội tuyển mình. Không nhất thiết cao to mới khỏe, mới có thể đá đỉnh cao, nhưng tính theo vị trí thì giá có những trung vệ cao to như anh chàng số 4 và một tiền đạo cắm cũng cao to như thế thì U23 Việt Nam với phẩm chất kỹ thuật như hiện tại, với tư duy chiến thuật như hiện tại, và với một huấn luyện viên hiện tại như ông Goetz có lẽ ta cũng chẳng ngán các đội Tây Á, cả Đông Bắc Á huống chi là Đông Nam Á nữa.

Trận đấu kết thúc với thất bại khá nhẹ nhàng của U23 Việt Nam không làm tôi buồn, chẳng những thế nó còn làm tôi vơi đi rất nhiều lo lắng. U23 Việt Nam xứng đáng có một trận hòa, thậm chí có một trận thắng. Bàn thua phút thứ 90 do việc giăng bẫy việt vị không thành công chẳng nói lên gì nhiều. Chúng ta đã có một đội tuyển trẻ không đến nỗi nào dù còn mới tinh, và một HLV xứng đáng để chúng ta gửi gắm lòng tin. Goetz không phải là Calisto, và cũng không nên so sánh với Calisto. Tôi tin Goetz có đủ khả năng tạo ra những thay đổi quan trọng cho bóng đá Việt Nam trên con đường hiện đại hóa và hội nhập. Hãy để ông ấy có thời gian thực hiện thứ triết lý bóng đá của mình, một triết lý rất phù hợp với bóng đá Việt Nam và phù hợp với tư tưởng của bóng đá hiện đại.

TT&VH
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới