PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Ứng xử khi nhà tuyển dụng 'im hơi lặng tiếng'

Thứ sáu, 10/06/2011 14:54

Trải qua cuộc phỏng vấn khả thi, bạn tự tin vào bản thân với những câu trả lời trôi chảy, nhưng điều bất ngờ là đã nhiều ngày trôi qua, vẫn chưa có thông tin phản hồi từ nhà tuyển dụng.

Đứng trước khả năng bị loại khỏi cuộc chơi, bạn nóng lòng muốn biết mình đã sai sót chỗ nào để sửa chữa càng sớm càng tốt. Sự “bặt vô âm tín” của nhà tuyển dụng khiến bạn như dính vào mớ bòng bong vì không biết phải bắt đầu từ đâu nữa. Thông thường, các công ty săn đầu người và các nhà tuyển dụng sẽ cung cấp những thông tin phản hồi giá trị khi họ phỏng vấn các ứng viên. Bạn cần biết cách cải thiện kết quả dù buổi phỏng vấn đã kết thúc.

 

Để tìm ra lý do nhà tuyển dụng im lặng, bạn nên tự đặt câu hỏi và đánh giá lại những gì đã thể hiện trong buổi phỏng vấn - (Ảnh minh họa)

- Rà soát lại từ đầu Để tìm ra điều gì khiến nhà tuyển dụng "im hơi lặng tiếng" sau buổi phỏng vấn, bạn nên tự đặt câu hỏi cho mình: Bạn đã chọn đúng loại công việc phù hợp hay chưa và liệu bạn có trở thành một trong những ứng viên tiềm năng cho vị trí ấy? Ngoài ra, bạn cũng nên có sự đánh giá lại một số khía cạnh khác liên quan đến buổi phỏng vấn như cách ứng xử, trang phục, sự chuẩn bị, chất lượng câu trả lời... bạn đã thể hiện khi đối diện nhà tuyển dụng. Đây đều là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyết định của nhà tuyển dụng, dù câu trả lời của bạn có vẻ ổn đi chăng nữa nhưng nếu mắc một trong những vấn đề trên, bạn có thể đánh mất thiện cảm từ nhà tuyển dụng và việc bị loại khỏi cuộc chơi là điều dễ hiểu. - Tìm câu trả lời của nhà tuyển dụng Thay vì trực tiếp đi đến công ty để hỏi về kết quả phỏng vấn, bạn có thể lựa chọn một trong ba cách sau: - Tự đánh giá: Hãy suy nghĩ kỹ về câu hỏi phỏng vấn và phần trả lời của bạn, căn cứ vào đó để có sự đánh giá trung thực với chính mình. Những câu trả lời bạn từng cho là hoàn hảo liệu có gì sơ hở, vướng mắc không? Tự đánh giá hiệu quả và đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng để xem xét. - Nhờ người khác đánh giá: Cách này đòi hỏi bạn phải tìm được một người thân quen có đủ năng lực, đáng tin cậy. Hãy liệt kê bảng câu hỏi và câu trả lời đã có trong buổi phỏng vấn, gửi cho họ nhờ đánh giá. Ý kiến của họ sẽ giúp bạn đưa ra câu trả lời cho mình. - Đánh giá chuyên nghiệp: Để chắc chắn và không còn phải lăn tăn về kết quả phỏng vấn, tốt nhất là bạn nên tìm đến các chuyên gia nghề nghiệp để nhờ họ đánh giá một cách chuyên nghiệp, công bằng. Có thể, bạn sẽ mất một khoản phí để họ đánh giá cho bạn nhưng nếu đó là chuyên gia nhiều kinh nghiệm, đáng tin cậy thì không cần phải tiếc khoản phí đó. Những đánh giá của họ không chỉ cho bạn biết về kết quả phỏng vấn vừa qua mà còn đem đến cho bạn nhiều bài học quý giá trên con đường sự nghiệp còn dài.

 

Ngay cả khi không trúng tuyển, đừng nên căn vặn, nổi nóng với nhà tuyển dụng. Hãy tranh thủ xin họ lời khuyên và góp ý chuẩn bị cho những lần

"tái ngộ" (Ảnh minh họa)

- Ứng xử khi không trúng tuyển Trường hợp xấu nhất, bạn bị loại khỏi danh sách của nhà tuyển dụng. Nhưng đừng vội mất hy vọng, ức chế mà bỏ qua những lời khuyên của họ. Hãy xem xét 3 phương án sau để biết cách “moi” thông tin, kinh nghiệm từ những chuyên gia này: - Cân nhắc về số lần ứng tuyển: Thông thường, nếu ứng viên đã phỏng vấn từ 2 lần trở lên, bao giờ nhà tuyển dụng cũng có sự chú ý và đưa ra phản hồi sớm hơn dù có thể bạn không thuộc danh sách trúng tuyển. Trong trường hợp này, khi nhà tuyển dụng báo tin, bạn hãy tận dụng cơ hội này để đưa ra câu hỏi với nhà tuyển dụng. Bạn quan tâm đến lý do mình bị loại, về thiếu sót của bản thân khi phỏng vấn... tất cả đều nên được giải đáp vào lúc này. - Xin lời khuyên từ nhà tuyển dụng: Nếu đã không trúng tuyển, đừng bao giờ đặt câu hỏi một cách thô thiển kiểu như "sao công ty lại không tuyển tôi, tôi có đủ khả năng ở vị trí này mà". Bạn nên nhìn vào thực tế, chấp nhận thất bại và đưa ra những câu hỏi mang tính xây dựng cho con đường sự nghiệp của bản thân trong tương lai. "Bạn có thể cho tôi lời khuyên để cải thiện kỹ năng phỏng vấn cũng như quá trình tìm việc được không? Tôi nên thay đổi thế nào để phù hợp với các buổi phỏng vấn?... Thay vì xoay quanh việc căn vặn nhà tuyển dụng "tại sao lại loại tôi, sao lại chọn người đó mà không chọn tôi", những câu hỏi mang tính xây dựng này giúp bạn hiểu ra nhiều điều và nhà tuyển dụng cũng thiện cảm hơn với bạn. Và biết đâu đấy, trong một lần "tái ngộ" khác, nhà tuyển dụng này sẽ lựa chọn bạn là ứng viên số một. - Đừng tức giận: Nhiều ứng viên khi biết thông tin mình bị loại, đã đùng đùng nổi giận, tự ái cá nhân cao quá đầu và có những câu nói không đáng có. Theo các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, "sự nóng giận hay bất cứ sự tranh luận gay gắt nào về việc họ bị loại chẳng đem lại lợi ích gì. Trong khi, nếu họ thực sự cần lời khuyên, góp ý, chúng tôi rất sẵn sàng".

Bưu điện Việt Nam