PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Vấn đề của V.League: Tiền “nổi”, tiền “chìm”

Thứ ba, 02/08/2011 11:10

Quả thực với cầu thủ bây giờ, ít người còn đá vì màu cờ sắc áo, mà phần không nhỏ là đá vì tiền. Càng nhiều tiền đá càng "máu” và ngược lại.

Chưa năm nào bóng đá Việt Nam lại gắn chặt với những khoản tiền khổng lồ như mùa giải năm nay. Từ BTC giải tới các CLB, tất cả đều dùng chính sách tiền làm thước đo chuẩn mực cũng như duy trì hoạt động của mình. Tuy nhiên, đặc điểm khác nhau là trong khi các CLB dùng tiền để phục vụ nhiều mục đích thì nguồn tài chính của BTC giải luôn nằm trong bí mật.

Cầu thủ bây giờ ít người còn đá vì màu cờ sắc áo, mà phần không nhỏ là đá vì tiền

Tiền thưởng ngập tràn

Bóng đá Việt Nam hiện tại đang có mốt dùng tiền để tìm kiếm các trận thắng chứ không thể trông chờ vào chuyên môn. Một đội có mạnh, đoàn kết cỡ mấy nhưng không có tiền thưởng, sẽ không thể trụ nổi. Nếu như những mùa giải trước, các ông bầu thường có mức thưởng lên khoảng 1 tỷ đồng đã là cao thì năm nay, những ông chủ đội bóng vung tay lên tới gần 2 tỷ đồng. Như vậy, 1 trận thắng có giá trị tiền thưởng gần bằng chức vô địch mùa giải của BTC. Những đội bóng nhà nghèo cỡ Thanh Hóa cũng cố bằng anh, bằng em "móc hầu bao” thưởng nóng các cầu thủ tới nửa tỉ đồng.

Không thể phủ nhận tiền thưởng khiến các trận đấu trở nên sôi nổi, các cầu thủ thi đấu động lực hẳn. Thế nhưng, chính cách làm bóng đá dựa vào những khoảng thưởng nóng đôi khi lại phản tác dụng. Hàng loạt các CLB ở V.League đã cố gắng "đua” cho khỏi thua kém thiên hạ nhưng do nguồn lực có hạn nên chỉ đi được nửa chặng đường, rồi sau đó tụt dốc thảm hại.

Cứ tưởng tượng một người bị cắt lương xuống còn 1 nửa mỗi tháng đã thấy "đau khổ” thì liệu các cầu thủ bị nợ lương có còn thi đấu? Thưởng nóng sẽ là động lực cực lớn với các cầu thủ khi bước ra sân. Nhưng bao giờ cũng thế, chuyện thưởng như con dao hai lưỡi. Vì thế, một khi nhu cầu của cầu thủ không được đáp ứng kịp thời thì thành tích của đội sẽ bị ảnh hưởng. Bóng đá Việt Nam không có ít những bài học như thế.

Tiền đổ về đâu?

Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước ta, V.League nhận số tiền tài trợ khủng của Eximbank lên tới 30 tỉ đồng. Cùng với đó, những khoản phí mà các CLB phải đóng góp (500 triệu/CLB) và nộp phạt mỗi vòng, rồi tiền bản quyền truyền hình của AVG... tất cả cộng lại là một số tiền không nhỏ. Thế nhưng, chưa thấy VFF dùng tiền vào việc lớn cụ thể nào. Vậy tiền đi đâu?

Tất nhiên, chẳng đời nào VFF lại "vạch áo cho người xem lưng” về những khoản cụ thể mà mình dùng. Ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của VFF, chỉ cho biết chung chung: "Tất cả những khoản thu từ V.League hay bất cứ giải đấu nào khác đều được gộp chung vào ngân sách hoạt động của VFF. Chúng tôi không có nghĩa vụ phải công khai vì đây chưa phải là thời điểm tổng kết mùa giải. Đến lúc đó, bên kiểm toán sẽ làm việc chi tiết và có kết quả cụ thể”.

Theo khuyến cáo của AFC cách đây chưa lâu, trong tiến trình chuyên nghiệp hóa các CLB ở V.League, đến năm 2012, không những các CLB mà chính giải đấu này cũng phải tự hạch toán và hoạt động theo mô hình công ty. Nói cách khác, V.League phải hoạt động độc lập với VFF, và nếu có, thì chỉ chịu sự quản lý và định hướng của Liên đoàn mà thôi. Như vậy, tiền của Eximbank đổ vào V.League thì phải được chi dùng để phát triển giải đấu chứ không phải để dùng vào mục đích khác. Tuy nhiên, nhìn lại mà những gì BTC chi trả tiền trong các hoạt động của mình, chưa thấy khoản nào "ra tấm, ra món”. Thậm chí, ngay cả các hoạt động quảng bá, nâng tầm thương hiệu V.League, cũng không có gì đáng kể. VFF gần như không có những hoạt động mang tính tương tác với người hâm mộ như các game show, tiếp thị, quảng bá hình ảnh...

Theo tìm hiểu, mọi hoạt động tổ chức các trận đấu, từ những việc nhỏ nhất như in băng rôn cho đến những việc lớn như mời lực lượng an ninh... đều do BTC sân và CLB chịu. Các CLB cũng không được hỗ trợ gì từ tiền tài trợ, thậm chí mỗi câu lạc bộ còn phải nộp thêm 500 triệu đồng được gọi là tiền lệ phí thi đấu. Nhìn rõ nhất số tiền mà VFF phải chi chỉ là những khoản thưởng như chức vô địch, giải thưởng hàng tháng, các chi phí làm nhiệm vụ của các tiểu ban...Tuy nhiên, nếu gộp cả số này vào, cũng chỉ khoảng vài tỉ đồng.

Tất nhiên, như lời ông Dũng, cuối mùa giải sẽ có kiểm toán làm việc. Thế nhưng, ai cũng biết, đó chỉ là cách làm cho đúng thủ tục Nhà nước. Còn, tiền sử dụng vào việc gì, vào tay ai, vẫn là dấu chấm hỏi to đùng.

Đại đoàn kết
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới