Bất cứ lĩnh vực nào, trong thời kỳ quá độ với đầy rẫy rối ren và bất trắc, tìm ra cái chuẩn mực, cái đẹp khó hơn những tiêu chuẩn ngược lại.
Thế nên, cứ một đội bóng nào bộc lộ sự tử tế là quý lắm. Nhiều lúc tự hỏi, làm bóng đá chuyên nghiệp mà tìm mỏi mắt không ra một đội bóng đàng hoàng, thì còn gì buồn hơn.
Những ngày đầu lên chuyên, ĐT.LA là là biểu tượng của sự trung thực, sạch sẽ, thì nay đã đánh mất ý nghĩa đó. Tương tự là Đồng Tháp cũng được yêu mến. Tiếc rằng dạo này “anh Hai Nam Bộ” cũng đã không còn chân chất nữa, thi thoảng lại “chọc giận” cả nước bằng những trận thua nổi sóng.
Thanh Hóa của ông Hải “lơ” đã tạo một hình ảnh rất đẹp đẽ trong lòng người hâm mộ cả nước. Vậy mà, chỉ một trận thua đã đánh mất cả, đúng lúc tỉnh Thanh thăng hoa nhất. Khán giả bỏ về giữa chừng, lửa đã cháy trên khán đài sau trận. Nhiều khán giả xứ Thanh đã lên diễn đàn thề mùa này sẽ không thèm đến sân để ăn quả lừa nữa. Đúng là ngàn vàng đổi một trận cười.
Thất bại khó hiểu của Thanh Hoá trước SLNA ở vòng 21 là một trong những “điểm đen” của V-League 2011
Lâu nay, các đội bóng lẫn trọng tài hay trách khán giả không biết xem đá bóng, hay quá khích làm càn. Chẳng lẽ, cả vạn người hâm mộ Thanh Hóa trên sân lẫn theo dõi qua truyền hình hôm đó đều mờ mắt, không phân biệt được sự bất thường giữa 2 hiệp đấu? Rõ ràng, đã thấy cả khói lẫn lửa vần vũ trên sân Thanh, qua thái độ chơi và cả cách thay người khó hiểu của chủ nhà. Đội bóng xứ Thanh có biểu hiện kỳ lạ như thế, chắc chắn báo hiệu đấy chỉ là một trong rất nhiều trận đấu có mùi, khi đoạn cuối mùa giải nào cũng đầy rẫy những biểu hiện như thế. SHB.ĐN vừa có chiến thắng như lên đồng trước SLNA, thì lập tức ngãng ra trước K.KH 10 trận chưa biết đến mùi chiến thắng. Cơ khổ cho bầu Hiển, đã làm hết mình mong SHB.ĐN bốc lên, nhưng xem ra “lính” ông chỉ yêu cái két của ông chủ mà thôi. “Còn tiền còn bạc còn đệ tử/ Hết tiền hết bạc hết vua tôi”, bầu Hiển có nghĩ đến điều đó không? Sau 11 năm lên chuyên nghiệp, nhìn lại một hành trình thì như thế không phải là ngắn, nếu đấy là lý do để những người có trách nhiệm bao biện khi bóng đá nội địa nổi sóng với những động thái quá nghiệp dư. Chính mùa giải 2011 này được tuyên bố là chuyên nghiệp chính thức. Lẽ ra, đã có nhiều thứ của bóng đá chuyên nghiệp cần được hoàn thiện, tạo được niềm tin, trước hết từ những đối tượng tham dự giải. Ví dụ, Điều lệ giải cần được hoàn thiện dựa trên cơ sở công bằng và mang lại lợi ích chung. Thế nhưng, chỉ riêng các quy định lên xuống hạng đã cho thấy sự bất cập, thực tế đã gây những biến chứng rất phức tạp. Dư luận vẫn trông đợi những nhà tổ chức, điều hành cuộc chơi phải thực sự chuyên nghiệp trước, thì mới mong phía CLB noi theo để cùng nhau làm bóng đá chuyên nghiệp. Tháng Bảy mưa ngâu, nhịp cầu Ô Thước, BTC sẽ làm gì để đối phó với những màn kịch đang đến hồi cao trào và đang bào mòn niềm tin của dư luận?