Ve Sầu loay hoay sửa thơ trên máy vi tính. Ảnh: Thanh Ba.
Ve Sầu tên thật là Nguyễn Thế Quy, 22 tuổi, trú tại thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam. “Sinh ra cơ thể Quy đã bị cong queo, chân tay quắt quéo. Bác sĩ bảo Quy bị nhiễm chất độc da cam nên sau này sẽ khó phát triển bình thường”, ông Nguyễn Thế Quyền, ba của Quy, nhớ lại.
Lên 5 tuổi, Quy vẫn không thể tự xoay trở. Suốt ngày Quy chỉ nhìn qua khe cửa ngắm chúng bạn chơi đùa. “Mãi tới 7 tuổi Quy mới biết dùng đôi tay bậu bấu nền đất, lê lết khắp nhà”, bà Nguyễn Thị Nhàn, cô ruột của Quy kể. Cũng kể từ ngày biết… lết, Quy có mặt khắp đầu làng cuối xóm, theo chân bạn bè cùng trang lứa đến lớp học chữ. Đường từ nhà đến trường khoảng vài trăm mét, nhưng với Quy là thách thức lớn, không biết bao lần bị tứa máu.
“Học xong lớp 1 em xin nghỉ vì nhận thấy sự có mặt của mình làm bạn bè trong lớp mất tập trung. Chúng bạn cứ nhìn em rồi cười”, Quy ngấn nước mắt kể. Quy là anh cả trong gia đình có 4 anh em. Ba bị nhiễm chất phóng xạ khi đi bộ đội, nên Quy cùng người em thứ ba bị dị tật.
Mẹ bỏ nhà đi từ khi Quy mới 11 tuổi khiến cuộc sống càng thêm khó khăn và thiếu thốn tình cảm. Cách đây 5 năm, ba Quy bị mất sức lao động, phải ngồi một chỗ nên cả nhà phải chuyển đến sống cùng người cô ruột goá bụa. Để đỡ đần cho gia đình, hàng ngày Quy vẫn ngồi xe lăn đi bán nhang.
Có lẽ chính cuộc sống khó khăn đã giúp Quy có nhiều trải nghiệm, hiểu biết về cuộc đời, từ đó tuôn chảy ra những dòng thơ đầy xúc cảm. “Em làm thơ từ năm 11 tuổi, lúc mẹ vừa bỏ nhà đi. Em nhờ bạn bè dạy dùng máy tính rồi lên mạng tìm đọc thơ. Học các thể thơ, câu cú hành thơ, sau đó áp dụng vào tác phẩm của mình”, Quy cho biết.
Quá trình tập viết cũng gian nan vì muốn ngồi vững em phải bấu víu vào tường, vách để có điểm tựa. “Từ ngày mẹ cháu bỏ đi, cứ đêm khuya lại thấy cháu bật dậy cầm bút viết. Sau này gặng hỏi mãi mới biết cháu làm thơ”, ông Quyền kể.
Đề tài trong thơ Quy rất bình dị. Em viết về quê hương, gia đình, bạn bè, những thứ mà Quy cho là gần gũi, thân thương gắn chặt với cuộc đời mình. Nhớ mẹ, thương bà cô góa bụa, người cha bị liệt ngồi xe lăn hay khát khao được lành lặn như người bình thường đều được Quy gửi gắm vào những vần thơ.
Đến nay Quy đã sáng tác được hai tập thơ, nhưng do lũ cuốn trôi làm thất lạc một tập, còn tập thơ “Khát vọng” (117 bài) đã được nhiều người biết đến dù chưa xuất bản. Thơ của Quy luôn gây sự chú ý đặc biệt trong những đêm thơ do các CLB thơ ở Đà Nẵng, Quảng Nam... tổ chức. Tập thơ “Khát vọng” sẽ Nhà xuất bản Văn học phát hành vào đầu tháng 9.