PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Vết dầu loang

Thứ năm, 05/05/2011 08:52

Những cuộc cãi nhau trong gia đình bắt đầu từ chuyện gì, có khi cả hai vợ chồng cũng chẳng còn nhớ.

Nhưng, như một con quái vật, mỗi chốc, cuộc cãi vã càng phình ra, mọc thêm mấy cái đầu, gay gắt, dai dẳng hơn, chua cay hơn, ăn miếng trả miếng nhiều hơn. Đây không phải lần đầu vợ chồng họ cãi nhau, nhưng hình như càng ngày những cuộc cãi nhau càng kéo dài và mở rộng phạm vi, tăng dần mức độ căng thẳng. Hễ vào cuộc cãi là chị phải thắng cho bằng được. Riết rồi quen. Chuyện lớn nhỏ gì chị đều cất nó vào đâu đó trong “bộ nhớ” của mình, có dịp là lôi ra vận dụng như những “dẫn chứng đắt giá” để kết tội chồng. Lúc vợ cao giọng hùng hồn như buộc tội trước tòa, chồng mới giật mình ngậm ngùi nghĩ mình đã lấy nhầm một “công tố viên” mẫn cán và sắt đá quyết liệt. “Những bài ca không bao giờ quên…” Mỗi bà vợ đều tiềm tàng một khả năng nhớ, khả năng xâu chuỗi, liên kết các sự kiện theo một logic kỳ lạ của riêng các bà. Bất hạnh thay kẻ nào vô ý nắm sợi chỉ ấy mà rút một cái, thôi thì hàng đàn hàng lũ họ hàng hang hốc chuyện xưa chuyện nay nối nhau mà sống dậy. Chuyện xếp vô rồi từ đời nảo đời nao, tưởng cũ, tưởng quên mà không phải, giở ra là như còn mới toanh!   Như chuyện hôm rồi anh đưa chị đi xem phim. Tình ý dễ thương dù người ngợm có cũ càng. Chị chuẩn bị tinh thần từ chiều, gọi điện thoại đến rạp xem giờ chiếu rồi báo cho anh biết, anh ngừng công việc về sớm, chuẩn bị đi cùng. Bữa đó cơm nấu ngon hay sao mà anh lần chần bên mâm chưa đứng dậy. Chị sốt ruột sợ trễ, mặc áo ra đứng sẵn ngoài sân chờ, vẫn chưa thấy anh ra. Đã thấy bực trong lòng, lại đúng y như chị đoán, hai vợ chồng đến nơi trễ suất chiếu. Suất khuya thì quá trễ, chị cố vui vẻ: “Thôi mình mua vé tối mai coi”, anh nói ngay: “Không, tối mai anh bận rồi!”. Thế là chị quay lưng bỏ về một nước. Thấy vợ gõ giày nặng trịch, anh lật đật chạy theo: “Ủa sao hồi chiều em nói 7g30 mới bắt đầu mà?”. Vợ nổ cái ầm: “Ai nói 7g30? Người ta nói 7g. Thôi. Đi về!”. Lẽ ra chuyện chỉ dừng ở đó, nếu anh không lầm bầm chuyện rõ ràng mình nghe nói 7g30. Chị ngồi sau xe im lặng được đến khi về nhà, nhưng bước vào nhà là cơn tức xả tràn, vỡ đập: “Anh có bao giờ chịu nghe em nói/ Em đã nói là/ Anh đâu có quan tâm gì đến tôi/ Chẳng qua anh chỉ rảnh hôm nay nên xếp lịch chớ gì/ Tôi chán lắm rồi/ Đi đâu cũng chậm, làm gì cũng chậm/ Bao nhiêu lần trước cũng vậy/ Đó cái lần dặn anh đón con 4 giờ chiều, anh để thằng bé khóc khô cổ ngoài nhà trẻ đến hơn 6 giờ, cô giáo gọi, tôi phải hốt hoảng chạy về đón/ Không có tôi, cái nhà này không hiểu sẽ ra làm sao...”.

 

Minh họa: NOP

Chị càng nói, càng “say”, bao nhiêu ấm ức, bao nhiêu chuyện cũ chuyện mới dắt dây nhau, kết luận xong việc này, suy ra ngay việc khác. Anh càng cố cãi, chị càng đưa ra nhiều “dẫn chứng” hùng hồn hơn. Nhiều chuyện xa lơ xa lắc đâu ngày xưa, như cái chuyện anh hứa sửa cái thắng xe cho chị mà hơn một tuần sau không sửa, chị đi làm về tấp vô tiệm nhờ cậu sửa xe chỉnh, chỉ hết 15 phút và hai chục ngàn, chị không nói lại, nên anh cũng quên tuốt luốt. Giờ thì nó trở thành chuyện anh không quan tâm, lỡ mà chị có bị đụng xe chết ngoài đường cũng mặc kệ. Lỡ đâu trong một tuần đó mà vì cái thắng không ăn, chị có thể đã chết hay tàn phế, bỏ con cái mồ côi. Đến đây thì nước mắt tủi thân của chị chảy thành dòng, anh đành chào thua. Chị Sáu Dung, ở cách nhà chị mấy căn thì “triển khai” theo cách khác. Bất kể chuyện gì dù to dù nhỏ, bất kể anh Sáu còn ngồi đó nghe chị cà kê dê ngỗng có vần có điệu hay không, chị vẫn mở cho đến hết băng “bài ca không quên” mới chịu. Đôi khi chen giữa “băng” là tiếng anh Sáu quát tháo, tiếng bạt tai, tiếng khóc, tiếng con nít ó ré hoảng sợ… Những khi ấy, đoạn cuối băng của chị chuyển sang tông nỉ non, khóc lóc, nhưng vẫn tròn vành rõ chữ để người ta nghe hiểu, rằng “cái dòng họ nó là cái dòng vô dụng, đánh vợ đánh con, trời ơi sao tui khổ dữ vậy nè trời…". Ngày anh chị chuyển đến cái xóm ngoại ô này, mấy ai biết chuyện gì từng xảy ra trong quá khứ của họ nhưng chỉ qua vài lần vợ chồng cắn đắn nhau, là chuyện nọ móc chuyện kia, chị trình làng ráo trọi. Bao nhiêu luyến tiếc một thời lên xe xuống ngựa làm đâu trúng đó, bao nhiêu ấm ức của một người đàn bà sa cơ lỡ vận, chị đổ hết lên đầu anh: tại ổng mới ra cái này/ tại ổng mà hư cái nọ/ tui đã nói rồi mà/ như cái hồi đó/ như cái con mẹ đó/… Loang và cháy Cơn nói và những móc xích xâu chuỗi của chị em như một vết dầu loang trên mặt nước, loang đến đâu ô nhiễm đến đó. Nếu được châm lửa bằng một cơn giận, sức tàn phá của nó càng kinh khủng: lửa cháy tiếp dầu loang, cái còn lại sẽ là một bãi hoang tàn. Anh thú nhận: từ ít lâu nay, anh rất ngại nói chuyện với chị, rất ngại góp ý, vì hình như đụng chuyện nào là cãi nhau chuyện đấy, mà đã cãi thì chị không thể dừng lại. Không có chuyện gì mà chị không lôi vào bằng được cho cuộc khẩu chiến của mình. Bất cứ mồi lửa nào cũng có thể khởi đầu cho một trận cháy, mà mức độ tàn phá thuộc diện rộng, không chừa ai dù già trẻ lớn bé. Anh ngán ngẩm, vợ chồng thôi không còn nói chuyện với nhau, nhưng anh biết trong đầu chị vẫn âm thầm sắp xếp các câu chuyện mới cũ thành các mặt trận, củng cố cho lý luận của mình, dồn bằng được anh vào chỗ thua, thua từ hiện tại thua tới quá khứ. Anh sợ rằng rồi có khi những kỷ niệm đẹp của ngày xưa cũng sẽ bị chị khai thác ở một khía cạnh nào đó, để chứng minh cho những gì chị nghĩ. Tốt nhất là im lặng. Chị có cho là anh “tự kỷ” cũng được, chứ nói chuyện với nhau kiểu đó thì sợ quá!

 

Ảnh: P.Huy

Các bà vợ vẫn hay đắc thắng khoe: “Tôi mà nói thì ổng phải im re!”, “Tôi không nói thì thôi, chớ nói ra là (ổng) chỉ có cứng họng!”. Chiến thắng “tàn bạo” này của các bà đã dần dần tiêu diệt loại hoạt động cơ bản nhất của đời sống: hoạt động giao tiếp. Khi một người đã “ngại” nói, “sợ” lên tiếng, người kia có muốn cũng không thể thiết lập được những giao tiếp bình thường trong gia đình. Vết dầu lo lắng, giận dữ và chán nản loang trên mặt nước, phủ lên tất cả những sinh hoạt của gia đình, bóp nghẹt đời sống gia đình trong sự căng thẳng, dấp dính, khó chịu, bực bội. Khi môi trường trong lành, hạnh phúc của gia đình bị đầu độc, khi sinh quyển của gia đình bị lớp màng ngăn làm cạn kiệt oxy, thì thử hỏi các bà đang chiến thắng hay thất bại? Vậy mà không hiểu sao cái thói quen “nói cho hả”, “nói cho cứng họng” vẫn cứ đang trên đà “phát triển”, thậm chí được rèn luyện mỗi ngày? Đặc tính của phụ nữ? Có phải phụ nữ bẩm sinh có đặc tính “nói hoài không mệt”? Hoàn toàn không phải. Ai cũng có thời nhỏ nhẹ, nói năng dịu dàng, chứ lúc nào cũng mở máy nói ào ào thì liệu có ông nào dám cưới. Song, thực tế phổ biến là sau một thời gian sống chung, nhiều chị em đã tích lũy được khả năng nói và nguồn cứ liệu vô cùng phong phú để khẳng định sự đúng đắn trong lập luận của mình. Tất cả bắt nguồn từ chỗ những mâu thuẫn nhỏ hằng ngày đã không được giải quyết đến nơi đến chốn, nên tích tụ lại và ngày qua ngày được nung nấu trong lòng, dẫn đến chỗ nhìn tất cả mọi việc, mọi vật bằng cái nhìn quy kết phiến diện. Đàn ông dễ gây nên những sự cố lớn cỡ “bể tàu dầu”, “nổ giàn khoan”. Nếu trong những trường hợp đó, chị em biết bình tĩnh khoanh vùng, ngăn chặn những vệt dầu tràn, xử lý từng khu vực triệt để, thì sẽ không có những vết dầu loang tai hại kéo dài nhiều ngày tháng sau đó. Trong đời sống hôn nhân, nếu không thể kiểm soát được cơn nóng giận của cả hai, cách tốt nhất là một người phải “rút khỏi vùng chiến”, nên im lặng còn hơn là chọc tức đối phương để dẫn đến những lời lẽ không thể sửa chữa được về sau. Đừng mở rộng chủ đề của cuộc cãi vã, tuyệt đối không liên hệ chuyện đang xảy ra hôm nay với chuyện hôm qua, hôm kia, cho dù có khi bạn nhìn thấy sự liên hệ đó sờ sờ trước mắt. Khi ngọn lửa giận đang bốc cao, chất thêm vào đó thứ gì, thứ đó cũng sẽ biến thành nhiên liệu. Biết quên là cả một nghệ thuật. Và đó cũng chính là bí quyết để chiến thắng một cách thực sự ở những cuộc cãi nhau trong gia đình: tranh luận không phải để hạ nhục lẫn nhau, hay giành chiến thắng bằng bất cứ giá nào, kể cả việc hy sinh đời sống gia đình để làm người thắng cuộc; mà tranh luận phải là để hoàn thiện lẫn nhau, để cùng nhau sống tốt, sống hiểu biết hơn.

PNO