PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

VFF và những 'quả lừa' nhớ đời

Thứ sáu, 01/04/2011 13:58

ĐTVN đã "qua tay" nhiều thầy ngoại, nhưng có lẽ không ai có thể quên được những "ấn tượng khó phai" mà "nghệ sĩ" Dido, "luật gia" Letard và "Trương Phi" Tavares mang lại.

16 năm đã trôi qua kể từ ngày ĐT Việt Nam có HLV ngoại đầu tiên, trong khoảng thời gian ấy đã có tổng cộng 7 "ông Tây" dẫn dắt ĐT Việt Nam. Edson Tavares là HLV đầu tiên (năm 1995), tiếp đến lần lượt là Weigang, Colin Murphy, Rield, Dido, Letard và Calisto. Trước hết phải khẳng định, tìm HLV ngoại là một công việc theo kiểu “5 ăn, 5 thua”, chẳng ai có thể biết được ông thầy ngoại đó thực sự trình độ đến đâu trước khi ông thực sự bắt tay vào làm việc. Mà VFF thì vốn đã không giỏi trong việc “nhận định trước trận đấu”. Và cũng chính từ yếu tố đó, bóng đá Việt Nam đã không ít lần phải nhận những trái đắng, hay có thể nói chua chát hơn là “bị lừa” với những bản hợp đồng từ những ông thầy ngoại. Khi mà VFF đang ráo riết tuyển một ông thầy mới cho ĐT, thì càng nên nhắc lại những câu chuyện có tính chất “bài học kinh nghiệm” này. Từ “nghệ sĩ đàn ghi-ta” Dido Năm 1997, ĐT Việt Nam đoạt HCĐ SEA Games với HLV Colin Murphy, tiếp đến là một tấm HCB Tiger Cup 1998 và HCB SEA Games 1999 với Alfred Rield. Sau 2 tấm HCB liên tiếp này, người Việt Nam thực sự khát một tấm HCV, "ông vua bạc" Rield ra đi và người thay thế là ông thầy Edson Silva Dido. Cho đến tận bây giờ, khi tròn chục năm đã trôi qua, nhiều cựu danh thủ thời đó vẫn nhắc chuyện ông thầy đặc biệt này lùa quân xuống bãi sông Hồng tập chạy, có lẽ do “tư duy” luyện đá bóng trên bãi biển thì tốt cho thể lực của người Brazil. Ông Dido cũng có những câu nói rất hay, rất đặc biệt: “Tôi ưng có mỗi Thạch Bảo Khanh”.  

Dido và Tavares, 2 trong số những ông thầy ngoại từng là HLV trưởng ĐT Việt Nam

Trong số tất cả những ông thầy ngoại đã từng đến Việt Nam, Dido là ông thầy nghệ sĩ nhất, cầm đàn ghi-ta gảy tưng tưng, chơi được nhạc Jazz đúng chất Jazz thứ thiệt. Nhưng kết quả chuyên môn là ĐT Việt Nam bị loại thẳng cánh sau vòng bảng SEA Games 2001. Quãng thời gian cuối của bản hợp đồng, VFF vẫn phải trả lương còn ông Dido phát biểu: “Tôi chẳng biết làm gì lúc này, thôi đợi được người ta bố trí việc thì làm”, và sau đó thì ông thầy nghệ sĩ này nói lời chia tay Việt Nam. Đến ông thầy giỏi luật Letard Trong số 7 ông thầy đã từng làm việc với ĐT Việt Nam, ông Christian Letard là đặc biệt nhất, bởi ông chẳng dẫn dắt ĐT ở một giải đấu lớn nào mà chỉ ở LG Cup 2002, chẳng có thành tích gì và cũng là “quả đắng” nhất với VFF. Chẳng ai còn nhớ rõ ở thời điểm năm 2002 vì sao mà ông thầy này lại được VFF kí hợp đồng, nhưng chắc chắn khi đó việc tuyển HLV cho ĐT chưa có cả một qui trình như bây giờ. Ông Letard có bằng HLV chuyên nghiệp của liên đoàn bóng đá Pháp, có bằng HLV QG nhưng chỉ dẫn dắt các CLB hạng ba, hạng Nhì của Pháp và những CLB mà không ai biết là thành tích như thế nào, nhưng lúc đó thì mấy ai để ý xuy xét kĩ những điều đó.

Ông Letard không giỏi huấn luyện nhưng kiện đòi lương thì rất giỏi

Vị HLV Pháp này tuy không giỏi về chuyên môn nhưng “khốn khổ” thay lại rất giỏi về luật. Khi kịp nhận ra năng lực chỉ ở mức dẫn dắt bóng đá cấp phường của ông Letard, VFF đưa ra ý định chấm dứt hợp đồng và vị HLV người Pháp cũng lẳng lặng đồng ý. VFF muốn đền bù một vài tháng lương nhưng ông Letard đòi phải đền bù đến tận tháng 11/2003. Hai bên đều có những tuyên bố đúng kiểu “Cá tháng tư”, ông Letard nói: “ Tôi thấy tiếc bởi nếu như làm việc theo kế hoạch của tôi thì ĐT Việt Nam sẽ đoạt HCV SEA Games”, còn TTK VFF ở thời điểm đó là Phạm Ngọc Viễn tuyên bố như đinh đóng cột: “Ông Letard có kiện cả lên FIFA thì chúng ta cũng không phải đền bù hợp đồng”. Kết quả, VFF mất về tay ông HLV Letard này một khoản tiền khá lớn khi thua kiện. Tiền mất, tật mang, vụ Letard này mỗi lần được nhắc đến vẫn khiến người ta nghĩ rằng VFF đã trở thành một “con cá to”, bị “lừa” một vố đau. Và ông Trương Phi Tavares Sau vụ Letard, ông Tô bắt đầu đến với ĐT Việt Nam và có tấm HCĐ Tiger Cup 2002, tiếp theo, ông Rield hoàn tất cú “hat-trick bạc” với tấm HCB SEA Games 2003, ĐT Việt Nam vẫn mãi cứ mơ vàng. Rút kinh nghiệm vụ Letard, lần này, VFF không tuyển HLV theo kiểu theo hồ sơ nữa mà phải dựa trên năng thực thực tế, và năm 2004, cái tên Edson Tavares được chọn lựa. Năm 1995, ông Tavares đến Việt Nam và chỉ sau chưa đầy một tháng cầm quân, ĐT Việt Nam đã lột xác hoàn toàn với lối chơi mạnh mẽ ở Cup Độc lập. "Món tủ" của ông Tavares chỉ là nhồi thể lực cho thật nhiều, nhưng lúc đó thì mấy ai kịp ngẫm kĩ, thấy quân mình ra sân đá khỏe là “sướng” rồi. Chính vì vậy, sau khi mời lại được ông Tavares thì rất nhiều người đã khấp khởi mừng thầm, cho rằng cơ hội “đổi đời” là đây. Ông “Rét” đến, cầu thủ cũng rét luôn khi cứ ra sân là phải chạy mệt không ăn nổi cơm. Bài vở, mảng miếng, chiến thuật thì chẳng có gì để tập với luyện. Ông Tavares tính nóng như lửa và dù không nghệ sĩ như Dido, ông để lại hàng loạt những câu chuyện li kì, thâm cung bí sử. Thậm chí, chuyện ông sau giờ huấn luyện còn tranh thủ đi ra ngoài tìm “hương đồng gió nội” đã được báo chí có lần nói đến. Kết quả, sau bao nhiêu những sự trông đợi, ĐT Việt Nam với lực lượng sứt mẻ, cầu thủ chấn thương, mệt mỏi do trước đó bị nhồi thể lực quá nhiều bị loại ngay sau vòng bảng Tiger Cup 2004, và ông Tavares ra đi không kèn không trống. Ông Tavares còn khá có duyên với bóng đá Việt Nam khi quay trở lại và làm việc tại V.Ninh Bình vào năm 2009. Một cầu thủ của Ninh Bình cho biết: “Em chả biết ông ấy huấn luyện cái kiểu gì, ra sân tập bọn em tự đá với nhau, sau đó đi về”. Còn chưa cầm quân được trận nào ở V-League, ông Tavares lớn tiếng chê bai cầu thủ, bị thanh ý hợp đồng sớm, xách va li rời Ninh Bình với khuôn mặt đầy giận dỗi. Và cho đến thời điểm hiện tại, sau khi ông Calisto ra đi, VFF lại phải tuyển một ông thầy ngoại mới. Công việc này luôn tiềm ẩn những bất trắc khó lường, không ai biết được trong những bộ hồ sơ đã gút lại kia, ông thầy nào là "xịn", ông thầy nào là dạng hàng “lởm”.

Zing