PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Vì sao Trư Bát Giới là đệ tử duy nhất đòi về nhà mỗi khi Đường Tăng gặp nạn?

Thứ ba, 25/07/2017 14:22

Nhắc đến Trư Bát Giới, người ta thường nghĩ ngay tới gã yêu quái mặt lợn xấu xí. Nhưng ít ai biết rằng, xung quanh nhân vật này có những sự tích bất ngờ.

Trong "Tây du ký", Thiên Bồng Nguyên Soái bởi vì say rượu, chọc ghẹo Hằng Nga nên đã bị Ngọc Hoàng trục xuất khỏi Thiên giới, đến nhân gian đầu thai thành người có dung mạo như heo. Sau khi hạ phàm, Thiên Bồng Nguyên Soái lúc này được Đường Tăng đặt cho cái tên là "Trư Bát Giới".

Trư Bát Giới toàn thân đều mang khuyết điểm và tật xấu nhưng cuối cùng cũng tu thành chính quả, được Phật Như Lai phong làm "Tịnh Đàn Sứ Giả". Ban đầu, Trư Bát Giới cũng không "giới" triệt để và cũng không tình nguyện. Nhưng trong quá trình đi thỉnh kinh, được sư phụ là Đường Tăng, sư huynh Tôn Ngộ Không, sư đệ Sa Tăng không ngừng giám sát, nhắc nhở đúng lúc, Trư Bát Giới từng chút từng chút hành "giới" và cuối cùng đã hoàn thành được sứ mệnh.

Vì chọc ghẹo Hằng Nga nên Trư Bát Giới đã bị Ngọc Hoàng trục xuất khỏi Thiên giới, đến nhân gian đầu thai thành người có dung mạo như heo

Trên phim ảnh là thế, nhưng kỳ thực có những sự tích mà không phải ai cũng biết về nhân vật này.

Có tên họ khai sinh như một người bình thường

Theo một vài tư liệu ghi chép, Trư Bát Giới là một anh nông dân chính cống, có tên họ khai sinh như một người bình thường

Bỏ qua huyền thoại xuất thân của Trư Bát Giới là Thiên bồng nguyên soái cai quản tám vạn thủy binh trên sông Thiên hà, nhân hội Bàn Đào say rượu trêu ghẹo Hằng Nga, bị Thượng đế suýt giết chết nhưng sau lại "tha chết đánh cho hai nghìn chùy... phóng sinh đuổi khỏi chốn thiên cung..." thì Trư là một anh nông dân chính cống. Y xuất hiện lần đầu trước Quan Thế Âm Bồ Tát với dáng điệu rất lam lũ. Y có tên họ khai sinh như một người bình thường là Trư Cương Liệp (nghĩa là con lợn đi săn trên gò), có nhà là động Vân Sạn núi Phúc Lăng.

Cao Lão Thái có 3 con gái không phải 1, Trư Bát Giới là con rể út

Cao Lão Thái

Được biết, vợ chồng Cao Lão Thái có 3 người con gái và Thúy Lan là út. Khi thầy trò Đường Tăng - Tôn Ngộ Không gặp Trư Bát Giới ở Cao Lão Trang thì y đã có một gia đình, hàng ngày làm lụng rất chăm chỉ "xới đất khơi cừ, khuân ngói gánh gạch, cấy ruộng bừa nương, gieo mạ cấy lúa, sinh cơ lập nghiệp...", Tôn Ngộ Không đã có lời khen trước mặt Cao Lão - bố vợ của Trư rằng "y tuy dạ dày to, có ăn mất của ông một ít cơm nước nhưng cũng làm được cho ông rất nhiều việc tốt. Mấy năm trời ông kiếm được bao nhiêu tiền đều nhờ vào sức y cả, y chưa từng ăn hại...".

Trư Bát Giới rất yêu thương Thúy Lan, chăm chút, khiến cho "thân nàng mình mặc áo gấm tay đeo xuyến vàng, bốn mùa có hoa quả hưởng dụng, tám tiết thừa rau dưa nấu nướng...". Không chỉ có vợ mà Trư còn có con. "Hậu Tây Du" kể rằng ngày Trư "gửi lời chào mẹ vợ, dì lớn dì bé, anh em cọc chèo, cậu cô chú bác..." để đi làm hòa thượng thì Cao Thúy Lan có thai. Cuộc mang thai dài dằng dặc đúng mười bốn năm trời. Ngày Trư thành chính quả, được Phật tổ Như Lai phong cho chức Tịnh đàn Sứ giả thì ở Cao Lão Trang vợ y mới chuyển dạ, sinh một đứa con trai đặt tên là Trư Thủ Chuyết và chính Thủ Chuyết sau này đã bảo hộ nhà sư Đại Điên cũng của Trung Quốc sang Tây Trúc cầu Chân Giải (lời giải chân chính) cho bộ Chân Kinh mà bố y đã góp phần bảo hộ Đường Tăng đi cầu được. Khác hẳn với cây gậy sắt bịt vàng của Tôn Ngộ Không hay cây thiền trượng của Sa Tăng - là những thứ ngay từ khi sản xuất ra đã có mục đích dùng làm vũ khí. Vũ khí của Trư là chiếc bồ cào (đinh ba) chín răng, tuy không ít lần Trư khoe khoang đó là báu vật, nhưng tựu trung nó vẫn là một nông cụ đích thực mà Tôn Ngộ Không đã nhận ngay từ lần gặp đầu tiên "cái đinh ba của mi có phải đồ dùng để xới đất giồng rau cho nhà lão Cao không".

Trư Bát Giới rất yêu thương và chăm chút cho Thúy Lan

Luôn nằng nặc đòi bỏ về nhà mỗi khi sư phụ gặp nạn

Từ biệt gia đình để đi làm hòa thượng lòng Trư Bát Giới vẫn nặng trĩu chuyện vợ con, y dặn bố vợ "trông nom nhà con cẩn thận, hễ lấy không được kinh, con lại hoàn tục về nhà làm ăn như trước...". Có lẽ chính vì lý do này mà mỗi khi Đường Tăng gặp nạn, Trư Bát Giới đều "thừa nước đục thả câu", chuyên bàn lùi và nằng nặc đòi về nhà. Tuy nhiên, trong phim đã cắt bỏ chi tiết về gia đình của lão.

Nhưng bên cạnh một Trư Bát Giới với những nhược điểm trên là một nhân vật với rất nhiều đức tính tích cực. Trước hết, Trư là người cương cường, không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ ma chướng nào dù là loại hung dữ nhất hay gặp phải những hoàn cảnh khủng khiếp nhất (bị ninh, bị nấu, bị đánh, bị bắt trói dìm sông, bị treo lên cột hàng mấy ngày liền...) Thứ hai, Trư là một trợ thủ đắc lực của Tôn Ngộ Không trên con đường vạn dặm đi Tây Thiên. Vừa gia nhập đoàn người đi lấy kinh, Trư đã lập công lớn, tiêu diệt ngay tên hổ tiên phong của trùm quái Hoàng Phong chỉ bằng một nhát đinh ba. Trong hàng chục trận chiến đấu ác liệt như trận đánh ở núi Sư Đà, động Ba Tiêu, sông Thông Thiên cạnh Trần Gia Trang... hai huynh đệ Tôn Ngộ Không- Trư Bát Giới đã sánh vai, nương tựa nhau cùng chống lại bọn yêu quái.

Nhân vật Trư Bát Giới đã gây cho người xem các trận cười thoải mái cũng như sự hồi hộp, lòng cảm mến trước những đức tính đáng yêu

Không ít lần Trư tình nguyện làm "tướng tiên phong" đi mở đường và đã lập được công khiến sư huynh Tôn Ngộ Không phải thốt lời khen ngợi "hiền đệ lập công rồi, mừng quá, mừng quá...". Đặc biệt trước những việc vô cùng khó khăn mà ngay Tôn Ngộ Không cũng bó tay như việc mở đường qua núi Kinh Cức - dãy núi "gai góc quấn chằng tám trăm dặm, từ xưa không lối, ít người đi", nhưng Trư đã sử dụng cái nông cụ là bồ cào, trở lại với công việc quen thuộc ở Cao Lão Trang (chặt cây phát cỏ, cày ruộng xới nương...) của mình để mở lối khiến cho người sau mãi mãi lưu danh.

Nhân vật Trư Bát Giới trong suốt chặng đường đến Tây Trúc đã gây cho người xem các trận cười thoải mái cũng như sự hồi hộp, lòng cảm mến trước những đức tính đáng yêu. Đó là hình tượng một anh nông dân với những cách nghĩ, cách hành xử rất... chất phác, dù dưới cái lốt hòa thượng và đi đến tận Lôi Âm để diện kiến Phật tổ. Bên cạnh một Tôn Ngộ Không anh hùng, không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào, không quỳ gối trước bất cứ thế lực nào, không khoan nhượng với bất cứ kẻ ác nào, bên cạnh Sa Tăng như một cái bóng mờ nhạt, thì Trư Bát Giới là nhân vật phức tạp nhất và do vậy, y cũng là nhân vật nhiều chất "người" nhất, kể cả tính tốt lẫn tính xấu và là nhân vật sinh động nhất trong tác phẩm.

Lý do Thiên Bồng Nguyên Soái bị biến thành Trư Bát Giới

>> 'Trư Bát Giới' của 'Tây Du Ký 1986' vẫn khỏe khoắn ở tuổi 71

Ngọc Anh (Theo Giadinhvietnam.com)