Kỵ tuổi nên sự nghiệp đi xuống
Nằm trong phòng, chị Hoàng Thiện Khanh, 31 tuổi, thư ký, nghe rõ mồn một những lời tố khổ của mẹ và chị chồng. Không như mọi lần, chị tuyệt nhiên chẳng nghe tiếng người bạn đời bênh vực mình. “Chắc anh cũng tin vậy rồi”, chị tự nhủ và khóc rấm rứt.
Chị Thiện Khanh và anh Tân Tiến yêu nhau từ những năm cuối đại học. Ra trường, chị làm việc cho một công ty môi trường. Anh vừa học vừa làm quản lý ở công ty dệt may của gia đình.
Ba năm sau, bố anh mất, anh trở thành giám đốc công ty. Một năm sau, công việc ngày càng thuận lợi, anh quyết định cầu hôn chị.
Trước ngày cưới, mẹ anh đi xem tuổi và bảo mạng hai người không hợp nhau. Bà kiên quyết phản đối đám cưới nhưng không thành vì anh Tiến không tin chuyện mê tín dị đoan.
Một năm sau ngày cưới, vì khủng hoảng kinh tế, công ty của anh “bể” liên tiếp bốn hợp đồng. Nửa năm sau, công ty gặp sự cố liên tục đến nỗi phải giải thể. Chán đời, anh lao vào rượu chè. Một lần quá chén, anh gặp tai nạn giao thông và phải nhập viện. Những xui rủi liên tiếp xảy đến khiến mẹ và chị chồng càng xem chị Khanh như cái gai trong mắt. Họ liên tục nhỏ to với anh Tiến chuyện kỵ tuổi.
Mưa dầm thấm lâu, anh Tiến bắt đầu nhìn vợ với ánh mắt nghi ngờ. Nhiều lần anh tự hỏi: “Trước khi cưới cô ấy, sự nghiệp của mình suôn sẻ bao nhiêu, giờ lại bết bát bấy nhiêu. Ít nhiều gì cũng có liên quan”.
Nghĩ thế, anh bắt đầu lạnh lùng với vợ. Viện cớ cần yên tĩnh, anh dọn qua phòng khách ngủ. Cả ngày, vợ chồng họ nói chuyện với nhau chưa đến dăm câu. Hùa theo mẹ và chị, thỉnh thoảng, anh lại bóng gió: “Người ta bảo sang nhờ vợ, tôi chẳng thấy sang đâu”.
Hiểu tâm trạng của chồng, chị Khanh nín nhịn chịu đựng. Khi biết mình có thai ba tháng, chị hoan hỉ báo tin cho anh Tiến với hy vọng anh sẽ vui vẻ trở lại.
Chẳng ngờ, anh phán: “Mình cô chưa đủ sao, giờ thêm một đứa ám nữa”. Như giọt nước làm tràn ly, chị bật khóc và dọn về nhà mẹ ruột. Họ sống ly thân đã hơn nửa năm nay. Chị Khanh đã bụng chửa vượt mặt, gần đến ngày sinh nhưng anh Tiến chẳng có ý định đón vợ về. Tổ ấm của họ đang bên bờ vực thẳm.
Khi hậu phương chịu tiếng ác
Từ trước đến nay, những quan niệm như gò má cao có tướng sát phu, kỵ tuổi, làm ăn thất bát… khá phổ biến trong xã hội. Dù cuộc sống ngày càng văn minh nhưng vẫn không ít người tin những quan niệm mê tín dị đoan này.
Theo đó, số mệnh của người vợ tác động rất lớn đến vận hạn của chồng. Tin như thế nên trước khi kết hôn, hầu như bà mẹ chồng nào cũng đi xem tuổi cho vợ và chồng. Nếu hợp tuổi, họ rất yên tâm về tương lai.
Ngược lại, đó sẽ là vấn đề nghiêm trọng. Nếu hai người trong cuộc vẫn quyết tâm tiến đến hôn nhân, mọi người thường có tâm lý chờ đợi biến cố xảy ra. Lẽ tất nhiên, trong đời sống vợ chồng, mâu thuẫn lẫn xui rủi là điều khó tránh khỏi.
Đặc biệt, với những người làm kinh doanh, họ luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro. Lớn thuyền, lớn sóng, thất bại trên thương trường là điều có thể xảy ra.
Tuy nhiên, nếu sự cố xảy ra sau khi kết hôn, mọi người trong gia đình thường quy kết: Tại lấy vợ nên xui thế đấy”. Và người vợ sẽ bị gắn với những biệt danh khó nghe như: “khắc tinh của chồng”, “mệnh khắc phu”, “mạng xấu”…
Với đàn ông, dù yêu vợ nhưng họ luôn đặt sự nghiệp lên hàng đầu. Mất đi sự nghiệp, người đàn ông dễ rơi vào chán nản, thậm chí khủng hoảng tâm lý trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, cách phản ứng của họ đối với thất bại lại không hoàn toàn giống nhau. Theo chuyên viên tâm lý Đào Thị Vân Anh, hiện công tác tại Trung tâm Tư vấn 1088, nếu là týp đàn ông bản lĩnh, họ sẽ hiểu rõ bản chất của sự thất bại. Việc làm ăn thua lỗ có thể do suy thoái kinh tế, do họ chủ quan, tính toán không kỹ hoặc những sơ suất trong công việc.
Họ đánh giá đúng giá trị của người bạn đời và không quy kết vợ “khắc phu”. Họ hiểu rõ người bạn đời không có lỗi và cũng rất khổ tâm khi vợ bị dư luận quy kết như vậy.
Ngược lại, mẫu Adam thiếu bản lĩnh, thiếu quyết đoán, sợ thất bại lại dễ xuôi theo lời của dư luận để quy trách nhiệm cho người đầu ấp tay gối.
Họ không muốn thừa nhận chuyện thất bại xuất phát từ thiếu kinh nghiệm hay sai sót của bản thân. Họ sợ bị nhìn như một kẻ kém cỏi nên có xu hướng đổ lỗi cho những yếu tố khách quan.
Trong lúc chán nản và hoang mang vì sự nghiệp đi xuống, họ rất dễ bị những người xung quanh tác động. Vì vậy, khi nghe mọi người bảo là do vợ kỵ tuổi, họ tin ngay hoặc cố tình vin vào cớ đó để bao biện. Suy nghĩ lệch lạc này có thể khiến gia đình tan vỡ.
Trong cuộc sống, nhất là lĩnh vực kinh doanh, ít ai không từng trải qua thất bại. Do đó, người đàn ông không nên quy trách nhiệm cho hậu phương của mình. Điều họ cần làm là đúc kết kinh nghiệm để lần sau có thể làm tốt hơn.
Hơn nữa, một khi đã kết hôn, người đàn ông phải luôn tôn trọng giá trị của vợ, hiểu rõ sự hy sinh của người bạn đời cho gia đình và không “chụp mũ” vợ một cách vô lý.
Mặt khác, trong hoàn cảnh bị quy kết “số khắc phu”, phụ nữ sẽ khó tránh khỏi buồn nản và dễ dàng buông xuôi. Đây là một phản ứng tiêu cực, dẫn đến đổ vỡ hôn nhân.
Thay vì vậy, bạn phải thật kiên nhẫn, can đảm đối diện dư luận và luôn sát cánh cùng chồng vượt qua khó khăn.
Người đưa tin