Nhưng có không ít cặp, vì còn liên quan đến tài sản, con cái hoặc bỗng dưng lại vương vấn người xưa… nên hậu ly hôn mà hai người vẫn qua lại hay sống chung một mái nhà và dần dà tái hợp. Những trường hợp này thường ngại, lười đăng ký kết hôn và từ đấy bao rắc rối, hệ lụy nảy sinh; mà lúc “có chuyện” thì người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là phụ nữ.
“Lối cũ ta về”
Sau chín năm chung sống, có hai mặt con, anh Trần Văn Đức và chị Đoàn Như Loan ở Q.10, TP.HCM chia tay năm 2006 vì anh quyết lòng ra đi theo tiếng gọi của… tập 2. Trước đó, chị Loan đã nhiều lần phát hiện chồng ngoại tình, khóc lóc, khuyên nhủ anh mãi nhưng bất thành. Hai người thuận tình ly hôn để không còn những cuộc cãi vã ảnh hưởng đến con cái.
Chia tay, thời gian đầu gần như anh Đức biệt tăm, vài ba tháng mới về thăm con và lơ luôn nghĩa vụ cấp dưỡng. Trong khi anh Đức vui duyên mới, chị Loan vất vả vừa đi làm công ty, vừa nhận việc về nhà làm thêm (chị là thợ may), vừa đưa đón, dạy con học hành. Một năm sau, bỗng dưng anh Đức xuất hiện thường xuyên với lý do thăm con. Cuối tuần là anh có mặt, khi thì mang quần áo, lúc lủ khủ thức ăn bảo bồi dưỡng cho hai con mau lớn. Lần nào cũng vậy, anh ở chơi đến tối mới về. Khi con bệnh, chị Loan không còn một mình tất tả trong bệnh viện, mà đã có "cha tụi nhỏ" ở bên cạnh cùng chăm lo. Anh còn tình nguyện giữ hai con vào những tối chị tăng ca, khỏi phải gửi nhờ họ hàng. Và, có những đêm mưa, anh đã xin ở lại.
Chị Loan quen dần với sự xuất hiện thường xuyên của chồng cũ. Thậm chí, có tuần anh Đức đến muộn là mẹ con chị lo lắng, sợ anh xảy ra chuyện gì. Những bữa cơm bốn người, chợt khiến chị Loan sống lại ký ức đầm ấm của thời gia đình chưa có sóng gió. Những khi chị bệnh, anh lui cui nấu nồi cháo… khét lẹt. Những lúc cúp điện, cả nhà ra ngồi ngoài hiên, vừa quạt vừa nghêu ngao hát. Tiếng nói rộn ràng trong những bữa cơm, khi vợ chồng giải đáp lô câu hỏi “tại sao, tại sao” của hai cô công chúa nhỏ và nghe con kể chuyện trường lớp chẳng đầu, chẳng đuôi. Vì thế, khi anh Đức tâm sự đã chấm dứt với người phụ nữ kia, xin chị tha thứ, chị đã chấp nhận. Trước ngày chị Hải Yến - trưởng phòng của một công ty chứng khoán và anh Thành Hưng - cán bộ của một công ty bảo hiểm, ở Q.Thủ Đức ra tòa ly hôn, chẳng ai dám nghĩ anh chị tái hợp. Cả hai đã có những trận cãi vã kịch liệt, thậm chí chị Yến còn tố bị chồng đánh và đã thưa anh ra công an phường. Ngày ra tòa cũng rất căng thẳng. Anh Hưng không đồng ý ly hôn, bảo vẫn còn thương vợ nhưng chị khăng khăng: không thể chịu nổi những cơn say như cơm bữa và sự vô trách nhiệm của chồng. Thấy vợ kiên quyết quá, anh Hưng đồng ý chia tay, nhưng đòi quyền được nuôi con. Hai người lại tranh cãi quyết liệt, ai cũng cố chứng minh mình đủ điều kiện và sẽ nuôi con tốt hơn người kia. Cuối cùng, tòa án Q.Thủ Đức tuyên quyền nuôi con thuộc về chị Yến. Vừa ra khỏi phòng xử, chị Yến và gia đình bàn tính đưa cu Bon, bảy tuổi gửi tạm nhà người quen, vì sợ bé ở nhà, anh Hưng không cho đưa đi hoặc sẽ đem giấu. Anh Hưng biết mưu tính của “đối phương” nên tuyên bố: “Cô mà đem con đi giấu thì tới trời tôi cũng tìm ra và khi đó cô đừng hòng được gặp con”. Vậy là tối đó, chị Yến vẫn đưa con về nhà nhưng nhờ thêm hai “vệ sĩ” là hai người em họ đến ở cùng. Sáng hôm sau và những ngày tiếp theo, anh Hưng dậy sớm giành đưa con đi đến trường. Chiều, thay vì đi nhậu như trước thì anh nhanh chân đón con trước chị Yến. Về nhà, anh cũng không lai rai với ông hàng xóm thân thiết, mà ở nhà chơi với con, tắm rửa và dạy con học. Cả tháng đầu, không khí giữa anh chị như quả bóng căng, nhưng do công việc quá bận rộn và nhìn cu Bon hớn hở khi chơi với ba (chuyện hiếm hoi trước đây), chị Yến đã không còn tranh giành với anh Hưng việc đưa rước con, còn thầm mừng vì anh đã không nhậu nữa. Và, sau bảy tháng ly hôn, anh chị lại “như chưa hề có cuộc chia ly”.
Nhiều hệ lụy Chị Yến hiểu luật khá rành, nhưng chị không đăng ký kết hôn (ĐKKH) theo lời khuyên của bạn bè, vì còn muốn “thử thách” chồng thêm một thời gian. Tuy nhiên, chị chỉ lo thử thách mà quên những rắc rối có thể phát sinh. Chị vẫn mua bán cổ phiếu bằng tài khoản của chồng như trước. Chị mua ô tô lại để chồng đứng tên; mua căn hộ tại Q.2 lại giao cho anh Hưng giao dịch. Mấy tháng nay, chị Yến như ngồi trên lửa vì anh Hưng đã quay về với “bạn” rượu, lại đi sớm về muộn. Anh cũng chểnh mảng cả việc đưa đón con đi học, làm chị có hôm phải bỏ dở công việc chạy đón con, do chồng nhậu rồi quên. Chị đã nhiều lần gợi ý anh bán ô tô, chuyển nhượng nhà cho người khác với lý do không có nhu cầu nữa để “thu hồi vốn”. Anh Hưng biết ý đồ của chị nên không đồng ý, còn bắn tiếng với người quen: “Giữ nguyên hiện trường để vợ tiếc của không đòi chia tay”. Hiện chị như đứng giữa hai dòng nước: chia tay thì mất của, nhưng tiếp tục chung sống và ĐKKH thì sợ sẽ phải ra tòa ly hôn lần nữa mất công và ê mặt. Đồng thời, chị cũng khó cứu vãn được tài sản, vì nếu như ly hôn thì căn hộ và xe ô tô được xem là tài sản riêng của anh Hưng có trước thời kỳ hôn nhân. Còn tiếp tục chung sống kiểu này, tài sản được tạo ra sẽ thêm rắc rối. Chị Yến từng đến nhờ chị Hạnh Dung tư vấn, nhưng “binh” đường nào chị cũng không hài lòng. Chúng tôi mãi không quên lời chị: “Cao cơ như tôi mà còn bị dính chưởng”. Chị Như Loan cũng bị một quả đau khi chỉ hai năm sau, anh Đức lại ngựa quen đường cũ, cặp kè với người khác. Chị vừa phải một mình nuôi ba con (một đứa mới sinh trong thời kỳ tái hôn), vừa gánh thêm ông chồng hờ vô trách nhiệm. Tiền làm được bao nhiêu, anh Đức để dành đi chơi, bao gái, chẳng giúp chị nuôi con hay phụ tiền cơm. Chị ghen thì anh bảo chị không có quyền. Chị nhắc nhở, càu nhàu anh phải có trách nhiệm với con cái, gia đình thì bị anh chửi, đánh. Có lần, chị phải nhập viện vì bị anh đánh đến bị thương. Chị đuổi đi, anh cứ ở lì… Từ góc độ pháp luật, luật sư Lê Hà Thúy Lan - Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: “Cho dù tái hôn với chồng/vợ cũ thì cũng phải ĐKKH, để được xem là vợ chồng hợp pháp, được pháp luật bảo vệ quyền lợi nếu buộc phải ly hôn lần nữa. Trên thực tế, nhiều đôi vợ chồng quay lại sống với nhau một thời gian dài, sinh thêm con, tạo dựng thêm nhiều tài sản rồi lại bỏ nhau. Khi đó, sẽ rắc rối trong việc phân chia, tranh chấp tài sản vì khó chứng minh đâu là tài sản chung - riêng. Đó là chưa kể nếu một người có ý “thủ” thì càng khó và khi đó, sẽ có một bên chịu thiệt thòi mà luật pháp không bảo vệ được vì không có cơ sở pháp lý để giải quyết”. Từ góc độ tâm lý, các chuyên viên về tình yêu hôn nhân gia đình cũng khuyên không nên làm “vợ chồng chui” vì cách sống mang tính tạm bợ, không có sự ràng buộc về luật pháp, trách nhiệm và khi xảy ra mâu thuẫn, sóng gió thì nền móng gia đình sẽ bị bật gốc. Khi tái hôn - với người mới hay cũ đều phải ĐKKH, vì với sự ràng buộc pháp lý, các ông chồng/bà vợ sẽ có ý thức, trách nhiệm hơn với cuộc hôn nhân của mình và giềng mối gia đình được xác lập cũng chặt chẽ hơn.