Đêm đã khuya, anh Thành (quận Tân Phú) không chịu về mà nhất quyết ngủ lại nhà cha mẹ vì hết chịu nổi cô vợ vô tâm, vô tính.
Từ quên đến vô tâm
Sau hơn nửa tháng nằm bệnh viện, chiều nay, ba anh Thành được xuất viện về nhà. Đón ông về, anh Thành điện thoại dặn vợ sau giờ làm ghé qua nhà ông bà thăm hỏi đồng thời cùng nấu bữa cơm, gia đình ăn tối với nhau. Vậy mà đợi mãi vẫn chẳng thấy vợ anh đâu. Sốt ruột, anh điện thoại nhiều lần nhưng chị không nghe máy. Vừa trông con vừa trò chuyện với cha mà anh bồn chồn không yên, sợ chị gặp chuyện gì. Mãi 21 giờ, chị mới điện thoại cho anh. “Hôm nay sinh nhật một đồng nghiệp, cả phòng kéo nhau đi hát karaoke. Giờ về đến nhà em mới nhớ ra… Tối rồi, thôi để mai em qua nhà ba mẹ luôn thể…’’. Anh tắt máy, tức đến không thể thốt được lời nào.
Đây không phải lần đầu anh nhận hậu quả bởi cái sự hay quên của vợ. Nếu là người ra khỏi nhà sau cùng, chị không quên tắt máy lạnh thì cũng quên tắt đèn; mỗi lần đi chợ, chị phải ra vô mấy bận mới mua đủ những món cần thiết; sắp xếp quần áo, đồ dùng cần thiết để cả nhà đi chơi vài ngày thể nào chị cũng quên bàn chải, kem đánh răng hoặc lược chải đầu, khăn mặt… Có lần dự đám cưới con gái của sếp, anh để sẵn tiền trên bàn dặn chị bỏ vào phong bì trước khi anh xuống nhà lấy xe, vậy mà khi trở về, tiền vẫn nằm ở chỗ cũ. Thấy vẻ mặt đau khổ của anh, chị cười trừ: “Ủa, lúc nãy em nhớ bỏ vào rồi mà?’’. Khó chịu nhất là ngồi ăn cơm với gia đình chồng, có điện thoại gọi đến, chị tỉnh bơ ngồi “tám” chuyện trên trời, dưới đất cả nửa giờ, bất kể cái nhìn khó chịu của người lớn. Anh góp ý, chị nói: “Mọi người cứ ăn, em nói chuyện rồi ăn sau, có sao đâu?”.
Vợ đẹp mà đoảng, thật khổ
Bước chân ra đường, chị Lan, vợ anh Hùng (quận Thủ Đức), được rất nhiều người ngưỡng mộ bởi chị có dáng vẻ đài các, gương mặt ưa nhìn, ăn mặc hợp thời trang và nói năng rất khéo. Chỉ có anh Hùng càng ngày càng thấm thía: “Lấy vợ đẹp mà đoảng, thật… khổ”. Không dư dả để thuê người giúp việc, thế nhưng “vợ tôi việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Bạn bè, hàng xóm có việc gì, ới một tiếng, cô ấy có mặt để… tư vấn ngay tắp lự trong khi nhà cửa bề bộn, con cái nheo nhóc” - anh Hùng thở dài khi phải “vạch áo cho người xem lưng”. Số là tuần trước có việc gấp, chúng tôi đến nhà anh lấy tài liệu. Vơ vội đống quần áo, sách báo, đồ chơi bày la liệt trên ghế salon đem vào phòng trong, anh trở ra mở tủ lạnh rót nước mời khách nhưng tất cả các chai nước đều trơ đáy. Trông anh lúng túng đến tội nghiệp.
Người bạn thân của anh kể do tính chất công việc, anh Hùng phải đi làm từ sáng đến tối mịt. Chị Lan ở nhà lo nội trợ nhưng ngoài việc đưa đón con đi học, nấu ăn ngày ba bữa, chị thích qua nhà hàng xóm hóng chuyện hơn dọn dẹp nhà cửa. Bếp núc nấu ăn xong không buồn lau nên trở thành nơi trú ngụ của gián, kiến, chuột. Quần áo chờ khi không còn để mặc chị mới giặt; giặt xong vứt lung tung hoặc tống vào tủ, mặc đến đâu ủi đến đó. Khổ nhất là mỗi lần kiếm vớ, cà vạt cho anh, quần áo đồng phục cho con đi học, hết vợ đến chồng phải bới tung đống quần áo từ trong ra ngoài. Không ít lần chở con đi chơi, mẹ lộng lẫy, tươi tắn còn con, áo với quần cứ chỏi nhau vì khác bộ.
Cạnh nhà tôi là gia đình của vợ chồng cô giáo dạy cấp 2. Viện cớ mỗi lần đụng nước lâu là bệnh, không thể làm được việc nhà, cô giáo đề nghị chồng thuê người giúp việc. Tết rồi, chị người làm nghỉ mấy hôm về quê, khi trở lên, chị thấy sàn nước đầy ắp ly chén dơ bởi toàn bộ ly chén trong nhà đều đã được tận dụng hết. Quần áo dơ chật cứng trong máy giặt, tràn cả ra ngoài, nước trong bình cũng sạch trơn… Thấy chị người làm, cha con thằng bé mừng rỡ: “Vậy là bữa nay được ăn cơm nhà rồi…’’. Hỏi ra mới biết suốt mấy ngày không có người giúp việc, cả nhà chỉ ăn mì gói, phở gói rồi cơm hộp. “Cô mà ở lâu nữa chắc con chết vì mì gói, mẹ con nhất quyết không chịu xuống bếp” - thằng bé nói.