PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Võ miệng

Chủ nhật, 31/07/2011 08:11

Kế hoạch của Samsung Vina là sẽ đưa Chelsea sang Việt Nam du đấu vào mùa Hè năm 2012 nghe thật sướng tai. Vấn đề, bao giờ niềm vui của khán giả cả nước cũng như fan của Chelsea thành hiện thực, lại là chuyện khác.

Nhìn cảnh dân ta lũ lượt kéo quân sang Thái Lan rồi Malaysia xem các đội bóng lớn của Anh du đấu, người giàu lòng tự trọng không “cay cú” mới lạ. Thái Lan, dù chỉ đá một trận giao hữu với Chelsea, nhưng cũng đủ gây tưng bừng fan cả khu vực, không riêng gì xứ chùa vàng.

Indonesia cũng thường xuyên được các CLB Anh chọn làm địa chỉ đến giao hữu. Với Malaysia, chỉ trong tháng 7 này, họ đón đến 3 vị khách VIP: Arsenal, Chelsea, Leverpool. Hai năm trước, Malaysia từng đá giao hữu với Manchester United tới hai lần chỉ trong vòng một tuần.

Bao giờ thì Việt Nam mới là sự lựa chọn của các đội bóng lớn của châu Âu?

Có nghĩa, trong suy nghĩ của các đội bóng đại gia xứ sương mù, Việt Nam chưa nằm trong kế hoạch của họ. Đấy thực sự là nỗi đau, bởi chúng ta luôn tự vỗ ngực rằng V-League là giải vô địch quốc gia số một ở Đông Nam Á, thiên đường của các ngoại binh khắp thế giới đổ về. Chúng ta tự hào khi khán giả nhà cuồng nhiệt thuộc dạng nhất thế giới.

Kết quả, những ngón võ miệng đó chỉ đủ thuyết phục các đội bóng làng nhàng mà thôi. Nói thế bởi các đội bóng châu Âu, họ quá khắt khe trong việc đánh giá các tiêu chí để đi tour. Chúng ta chưa thuyết phục được họ ở tính chuyên nghiệp, quan trọng nhất là chỉ số GDP bình quân đầu người để cho thấy một thị trường có khả năng phát triển.

Chỉ nhìn vào chỉ số GDP của ta với 3 đối trọng bóng đá trong khu vực, sẽ đưa ra lý giải vì sao bóng đá ta chậm phát triển. Với Thái Lan, GDP hơn ta gầp 2 lần. Một số chuyên gia kinh tế nhận định trong 10 năm 1998-2008. GDP Thái Lan cao hơn Việt Nam gấp 4,2 lần. Chỉ số kinh tế tri thức của Thái Lan hạng 63 (trên 145 nước), cao hơn Việt Nam 43 bậc!

Indonesia với dân số 245 triệu người, GDP sẽ đạt khoảng 806 tỷ USD và thu nhập đầu người đạt 3.280 USD trong năm 2011. Với con số này, GDP của Indonesia dự kiến có thể vượt Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan để trở thành nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới, ta sao theo kịp?

Cuối cùng là Malaysia, Cách đây 20 năm, họ còn là nước kém phát triển của khu vực. Vậy mà, đến năm 2006, GDP bình quân đầu người đã gấp 10 lần Việt Nam. 50 năm nữa, GDP bình quân đầu người hai nước bằng nhau, thì mỗi người dân của Malaysia cũng hơn đứt đối thủ vì được thừa hưởng số tài sản tích lũy của 50 năm.

Bóng đá cũng là bức tranh phản ánh cuộc sống. Thế nên, sẽ không lạ khi thời gian qua, Malaysia (GDP bình quân đầu người xếp thứ 3 trong khu vực - sau Brunei và Singapore), nền bóng đá của họ có sự phát triển vượt bậc. Thành tích vô địch SEA Game 25, sau đó đăng quang AFF Suzuki Cup 2010, thực sự là chỉ số tin cậy nói lên bước chuyển có tính căn bản, bền vững.

Những trận giao hữu với các đội bóng lớn châu Âu, giá trị không nằm ở thắng thua. Thực tế, những trận đấu đó không giàu tính chuyên môn. Nhưng, hình ảnh mà các đại gia để lại, lan tỏa là rất lớn, những nơi họ đi qua.

Nhất là hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa...

Vậy mà với bóng đá ta, đấy vẫn là nỗi khát khao cháy bỏng. Lỗi thuộc về ai, nếu không phải là VFF?

TT&VH