Băng ghi hình của của Đài truyền hình TP.HCM (HTV) là bằng chứng không thể chối cãi, vụ việc các cầu thủ Hưu Thịnh Phú (với Vũ Văn Quyền và Phan Trần Quý là những người cầm đầu), bao vây, lăng mạ, chửi bới và thậm chí đã hành hung Hoàng Trang. Nữ trọng tài xinh đẹp này đã phải lãnh nguyên cú đấm vào gáy của cầu thủ đeo áo số 16 bên phía Hưng Thịnh Phú, trước khi bị xô ngã (TT&VH, số ra ngày 5/3/2011).
Hình ảnh phi thể thao và vô văn hóa ấy được truyền đi cả nước, thông qua chương trình thể thao 24/7 của VTV1, khiến rất nhiều người cảm thấy phẫn nộ. Phó chủ tịch LĐBĐ TP.HCM (HFF) Trần Duy Long đã khẳng định, sẽ kỷ luật nặng những đối tượng liên quan. Nhưng, án phạt sau cuộc họp nóng với BTC giải chỉ là: kỷ luật vĩnh viễn cầu thủ Vũ Văn Quyền, treo giò 2 năm với Phan Trần Quý. Hết! Không thấy ai nhắc đến việc loại Hưng Thịnh Phú (đội bóng cũng là nhà tài trợ chính) khỏi giải hay vai trò của ông chủ Hưng Thịnh Phú, cũng là đương kim Phó TTK HFF – phụ trách tài chính và vận động tài trợ, ông Trần Quang Hùng.
Quyền và Quý chỉ là cầu thủ hạng phong trào, ký hợp đồng đá giải theo dạng thời vụ, năm bữa nửa tháng, nên án kỷ luật nhằm vào họ bị cho là vô nghĩa. Án phạt của HFF cũng như BTC giải vì thế chỉ là giơ cao đánh khẽ. Phải chăng người trong cuộc ngại đụng chạm đến nhà tài trợ và bản thân ông Phó TTK?!
Báo Tuổi Trẻ số ra ngày hôm qua (8/3) thông tin, ông Hùng (và Hưng Thịnh Phú của ông) đã có những hành động ăn năn, như xin được bồi thường tiền thuốc men khám bệnh, kèm theo lời xin lỗi đến HFF, BTC giải, Ban trọng tài và cá nhân TT Mai Hoàng Trang, song có những thứ không mua được bằng tiền.
Những vụ việc như thế này không phải mới xảy ra lần đầu trong hệ thống các giải thi đấu của HFF từ nhiều năm nay. Tại giải bóng đá vô địch TP.HCM – Cúp Sài Gòn Kim Cương năm ngoái, BTC đã ra ngay thông báo (số 5, ngày 16/3/2010) để bẻ lại chính điều lệ giải nhằm hợp thức hóa cho các VĐV “có đẳng cấp”. Sự vụ bắt đầu sau khi BTC nhận đơn kiện của đội Lê Gia (đội bóng đã để thua ở trận bán kết), về trường hợp của cầu thủ Vương Nguyễn Khánh của FC Thống Nhất (đội lọt vào tới chung kết và vô địch sau đó), vì Khánh đã khoác áo QK7 chơi ở giải hạng Nhất quốc gia năm 2008 và về nguyên tắc là vi phạm điều lệ giải.
|
TT Mai Hoàng Trang bị hành hung ngay trước ống kính máy quay của HTV |
Chuyện gì diễn ra ở đây, nếu không phải là người BTC thân với nhà tài trợ, sợ ảnh hưởng uy tín đến người nhà?! Trước sức ép của dư luận vào thời điểm đó, BTC giải bóng đá vô địch TP.HCM – Cúp Sài Gòn Kim Cương quyết định “trảm” Phó trưởng BTC Trần Đình Huấn (cũng là Phó TTK HFF) và kỷ luật đến hết giải. Công văn được gửi đi khi giải đấu bắt đầu trận tranh hạng 3 và chung kết. Và thế, ông Huấn cũng chỉ chịu án kỷ luật có… 1 ngày. Lê Gia từ chối đá trận tranh hạng 3 và sự vụ này cũng đã được chúng tôi thông tin rất chi tiết.
Năm 2009, trận bán kết 2 – giải truyền thống Lão tướng TP.HCM 2009 dành cho lứa cầu thủ trên 40 tuổi (SVĐ 367 – Tân Bình) cũng đã có biến, liên quan đến TT Thanh Nghĩa (trọng tài của TP.HCM, bắt V-League và hạng Nhất). Phút 79, TT Nghĩa đã bất ngờ biếu cho đội bóng – đơn vị tài trợ cho giải là Thăng Long Đa Quốc hưởng quả penalty thứ 2. Đối thủ Năng khiếu Nghiệp vụ TP.HCM (với những Đặng Trần Chỉnh, Hồ Văn Tam, Huỳnh Hồng Sơn, Hoàng Bửu…), tức tối phản ứng và bỏ ra về không đá nữa, sẵn sàng chịu án kỷ luật cấm thi đấu 2 năm, kèm theo 2 triệu đồng tiền án.
Cùng thời điểm đó, ở một giải phong trào khác của TP.HCM – Đại hội TDTT (diễn ra trên sân Phú Nhuận), ông Phó TTK HFF Trần Anh Tú, đứng trước bàn dân thiên hạ, chửi bới tổ trọng tài và dọa sẽ cho cả lũ nghỉ việc trong một trận đấu có Thái Sơn Nam của ông tham dự. Tiện thể kiện luôn FC Hùng Trường (đội đã chắc suất vào bán kết) với trường hợp của Minh Trung (cầu thủ B.BD) đá giải này, dù theo quy định của BTC giải, không giới hạn đẳng cấp cũng như độ tuổi của VĐV, mà chỉ yêu cầu “cầu thủ khi trở về địa phương tham dự giải, phải được sự đồng ý (bằng văn bản) của cơ quan chủ quản”…
Tổ chức giải (thậm chí là rất nhiều giải), rồi vừa đá bóng vừa thổi còi kiểu này, thử hỏi, nền bóng đá sẽ đi về đâu?!