PHIM NHẠC » Bật mí điện ảnh

Xu hướng mới của phim Hàn: Bệnh siêu lạ, siêu hiếm gặp

Thứ hai, 20/04/2015 14:29

Ở mỗi thời kỳ, phim Hàn lại rầm rộ một xu hướng, thay vì máu trắng, u não… như cách đây 10, 20 năm, hiện nay điện ảnh xứ kim chi đang hướng tới những căn bệnh… lạ hoắc.

Phim Good Doctor: Hội chứng bác học

Trong phim Good Doctor, Joo Won vào vai Park Shi On, một thiên tài nhưng mắc bệnh tự kỉ, gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với xã hội. Vượt qua nhiều thử thách, anh trở thành bác sĩ hàng đầu của ngành y. Căn bệnh mà Shi On gặp phải có tên hội chứng bác học. Người gặp phải hội chứng này thường gặp khiếm khuyết trong tâm lý hay nhận thức, tuy nhiên lại có khả năng đặc biệt trong lĩnh vực nào đó. Có thể nói, Joo Won đã thể hiện nhân vật bác sĩ thiên tài này rất thành công.

Phim It’s Okay, That’s Love:

It’s Okay, That’s Love không chỉ xoay quanh tình yêu thông thường mà còn đề cập đến những căn bệnh tâm lý hiếm gặp nhưng có thật.

Genophobia: Chứng sợ tình dục

Nhân vật nữ chính trong phim Ji Hae Soo (Gong Hyo Jin) bị tổn thương nặng nề bởi chuyện ngoại tình của mẹ cô trong quá khứ, khiến cô luôn sợ hãi chuyện chăn gối. Vì hội chứng Genophobia nên Hae Soo không thể duy trì một mối quan hệ tình yêu thông thường lâu dài.

Schizophrenia: Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Cũng trong phim này, nhân vật nhà văn nổi tiếng Jang Jae Yeol của Jo In Sung mắc chứng tâm thần phân liệt mang tên Schizophrenia sau những chấn thương tâm lý thuở niên thiếu. Jang Jae Yeol bị ám ảnh về quá khứ và thường có những ảo giác của thính giác, thị giác. Do Kyung Soo (D.O thủ vai) là một nhân vật trong có thật, phản ánh thời kỳ thiếu niên đau khổ của Jae Yeol.

Hội chứng Tourette

Nhân vật Park Soo Kwang của Lee Kwang Soo mắc một chứng rối loạn nhận thức tên là hội chứng Tourette, một căn bệnh liên đới thần kinh, có những biểu hiện như lặp lại một số hành động hoặc âm thanh hoàn toàn không chủ ý. Các nhà khoa học cho biết, hội chứng Tourette không phải là hội chứng hiếm gặp trên thế giới, tuy nhiên, tác động của nó lên con người thường ở dạng nhẹ nên ít người nhận ra. Người mắc chứng bệnh này có trí thông minh trung bình và tuổi thọ không quá cao, nhưng thực tế vẫn có nhiều người xuất sắc trong các lĩnh vực từng mắc hội chứng này. Trong phim, dù mắc bệnh nhưng Park Soo Kwang luôn cố gắng để sống 1 cuộc sống bình thường nhất.

Kill Me, Heal Me và Jekyll Hyde, Me: Đa nhân cách

Rối loạn nhân cách (hay còn gọi là đa nhân cách) là một dạng rối loạn tâm thần vô cùng hiếm gặp. Nhiều tài liệu lý giải về căn bệnh này vẫn còn khá mù mờ và bí ẩn, nhưng về cơ bản vẫn mô tả được căn bệnh này một cách dễ hiểu nhất. Những người mắc hội chứng này thường chứa đựng nhiều nhân cách khác nhau trong một cơ thể duy nhất.

Trong Kill Me, Heal Me, Ji Sung vào vai Cha Do Hyun, một người mắc chứng rối loạn nhân cách, mang 7 tính cách khác nhau trong con người mình. Các nhân cách này của Do Hyun hình thành từ việc anh bị ám ảnh về quá khứ thương đau.

Còn trong Jekyll Hyde, Me, nhân vật của Hyun Bin mang trong mình 2 nhân cách trái ngược, một là vị giám đốc Goo Seo Jin giàu có, lạnh lùng, ích kỷ, còn người kia là anh chàng Robin hiền lành, hào hiệp.

Những tính cách trái ngược trong cùng một con người là đề tài thú vị khiến cho 2 bộ phim nói trên hấp dẫn, mới lạ hơn.

Phim The Girl Who Sees Smells

Synesthesia: Cảm giác kèm

Đây là hội chứng mà Oh Cho Rim (Shin Se Kyung thủ vai) gặp phải trong phim Cô gái thấy mùi hương. Cảm giác kèm là căn bệnh vô cùng hiếm gặp, có khoảng hơn 60 dạng khác nhau nhưng đến nay khoa học vẫn chưa thể lý giải chính xác căn bệnh này. Căn bệnh là sự rối loạn nhận thức mà các giác quan khác nhau có thể cùng cảm nhận được một thứ đáng lẽ ra chỉ thuộc về một giác quan nhất định, ví dụ như nghe thấy từ ngữ nào đó lại cho ra hương vị ở đầu lưỡi. Oh Cho Rim trong phim là cô gái có thể nhìn thấy mùi hương, điều này có thể là sự kết hợp của vị khứu giác với thị giác, sau một tai nạn vài năm trước.

Congenital Analgesia (hay còn gọi là Congenital insensitivity to pain - CIP): Bệnh không đau

Choi Moo Gak (Park Yoochun) cũng mắc một hội chứng vô cùng hiếm gặp có tên Congenital Analgesia (bệnh không đau) sau cái chết thương tâm của em gái. Hội chứng này khiến Moo Gak hoàn toàn vô cảm trước sự đau đớn, cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong thực tế, những người mắc chứng CIP từ khi sinh ra đến lớn lên đều không bao giờ đổ mồ hôi, không cảm thấy đau đớn. Điều này khiến tính mạng họ trở nên nguy hiểm bởi họ không cảm thấy bị thương hay bị ốm sốt.

Theo Baodatviet.vn