Nguyễn Ánh 9 là một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng và là tác giả của những ca khúc bất hủ như: Không!, Buồn ơi! Chào mi, Ai đưa em về, Cô đơn… Ngày 14/4/2016 nhạc sĩ từ giã cõi tạm trong sự thương tiếc của gia đình và hàng ngàn khán thính giả. Tuy nhiên các tác phẩm ông sẽ còn sống mãi.
Bản nhạc phổ đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Nhạc sĩ Nguyễn Quang “thăm” cây đàn đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tại Đà Lạt
Cũng trong chương trình này, lần đầu tiên nhạc sĩ – đạo diễn Nguyễn Quang chia sẻ với khán giả về con số 9 định mệnh. Trước khi bước vào địa hạt sáng tác, ông lấy nghệ danh là Nguyễn Ánh (xuất phát từ tên thật Nguyễn Đình Ánh). Khi viết xong ca khúc đầu tay Không! (Không! Không! Tôi không còn yêu em nữa..) và lập tức nhận được sự yêu mến của đông đảo khán thính giả thì ông bắt đầu nghĩ đến nghệ danh Nguyễn Ánh của mình. Nó có vẻ như chưa phù hợp lắm bởi nó trùng tên với vua Nguyễn Ánh. Và cho đến khi được mời vào làm việc ở đài truyền hình số 9 thì ông bắt đầu bén duyên với con số định mệnh ấy. Ông thích số 9. Ông đếm tên Nguyễn Ánh cũng có 9 kí tự. Và như vậy nghệ danh Nguyễn Ánh 9 ra đời rất tình cờ, ngẫu nhiên như thế. Nhắc về cái tên của cha mình, nhạc sĩ Nguyễn Quang kể vui: “Có người viết nhầm tên ba tôi là Nguyễn Ánh Chín. Không phải chữ Chín mà là số 9. Đó cũng chính là tính cách của ba tôi, thích cái gì là lạ. Trước giờ chưa ai đặt nghệ danh như vậy.”
Cuộc đời của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 gắn liền với con số 9 và cây đàn dương cầm. Đến thăm nhà của nhạc sĩ, đâu đâu cũng thấy đàn dương cầm: từ cây đàn dương cầm thật, đàn dương cầm mô hình đến cái tách, chén, móc áo, caravat. Đặc biệt là hình ảnh ông chụp bên cây đàn dương cầm thì nhiều vô kể. Nhạc sĩ Nguyễn Quang chia sẻ: “Cứ đi đâu gặp cây đàn dương cầm hoặc con số 9 là ba tôi lại chụp hình làm kỉ niệm. Ông có một tình yêu kì lạ với 2 thứ ấy và cả hai song hành với ông suốt cuộc đời. Từ lúc ông thành công, vinh hoa phú quý cho đến lúc gia đình gặp biến cố, khó khăn, túng thiếu".
Nhạc sĩ Nguyễn Quang “thăm” cây đàn đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tại Đà Lạt
Một sự kiện được cho hy hữu nữa gắn cuộc đời nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 với con số 9 định mệnh ấy là khi ông trút hơi thở cuối cùng, giã biệt cuộc sống. Ông ra đi lúc 14h40 phút (cộng lại là số 9), ngày 14 tháng 4 (cộng lại là số 9), năm 2016 (cộng lại là số 9). Điều làm người viết nổi gai óc là giờ phút hạ huyệt của ông cũng liên quan đến con số 9 định mệnh ấy. Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Quang, gia đình dự định sẽ hạ huyệt lúc 7h sáng. Vậy mà ông trời run rủi thế nào mà cha sứ lại lạc đường đến muộn, tang lễ trước chưa tổ chức xong nên cả gia đình ông phải đợi phòng...Rất nhiều sự kiện kì lạ xảy ra kéo dài thời gian mãi đến lúc đồng hồ chỉ vào con số 9 thì quan tài của ông mới chính thức được hạ xuống. Cả gia đình, bạn bè, khán giả lúc ấy đều không ai chú ý. Chỉ duy nhất có nhạc sĩ Nguyễn Quang- người con cả cũng là người nối nghiệp cha đi theo con đường âm nhạc là nhận thức rõ ràng: Cho đến chết ông vẫn là Nguyễn Ánh 9.