Như vậy đêm nhạc thứ nhất "Nhớ mùa thu Hà Nội" với sự kết hợp của Tam ca nhạc Trịnh Khánh Ly, Lệ Thu và Hồng Nhung đã kết thúc với những thành công ngoài mong đợi; nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả Thủ đô, điều đó được minh chứng bằng việc sân khấu tại thánh đường âm nhạc - Nhà hát lớn Hà Nội không còn một chỗ trống.
Chương trình đã đạt được tiêu chuẩn rất cao về chất lượng chuyên môn, âm thanh, ánh sáng và hiệu ứng trong các phần trình diễn. 3 nghệ sĩ hát về sắc thu Hà Nội với tất cả sự rung động, trân trọng, tự tình và bâng khuâng.
Với tinh thần đó, những ca khúc vừa lạ vừa quen về mùa đẹp nhất trong năm như "Em ơi Hà Nội phố", "Bởi vì mùa thu Hà Nội", "Chiếc lá thu phai", "Có phải em mùa thu Hà Nội", "Nước mắt mùa thu", "Thu hát cho người", "Mùa thu chết"… dẫn dụ cảm xúc của khán giả từ dịu dàng, sâu lắng, nuối tiếc đến sự mạnh mẽ, khắc khoải, cô đơn.
Danh ca Khánh Ly mở màn với nhạc phẩm "Em ơi Hà Nội phố" của Phú Quang
Khánh Ly là người mở màn đêm nhạc với nhạc phẩm "Em ơi Hà Nội phố" (Phú Quang). Bao giờ cũng vậy, giọng hát liêu trai, đầy chất đêm hòa quyện với một trái tim cảm nhạc và tình yêu Hà Nội da diết đã tạo nên một phần trình diễn thăng hoa. Nữ danh ca hát như chơi, như kể chuyện đời, chuyện nghệ bằng lối tâm tình, thủ thỉ.
Bà cho hay: “Tôi không biết phải diễn tả cảm xúc lúc này làm sao, có thể tôi đang mơ, bởi vì nơi đây là giáo đường của những tâm hồn yêu nhạc và yêu thương nhau.Tôi có thể vượt qua nửa vòng trái đất để về đây - Hà Nội, quê cha đất tổ của mình. Tôi thấy thích thú và ngạc nhiên khi nhìn những chiếc xe đạp chở hoa, những chiêc xe xích lô cũ kỹ nhưng đầy thân thuộc”.
Điều Khánh Ly nói phần nào giúp khán giả mường tượng được lý do BTC sắp đặt không gian Hà Nội xưa trước sảnh của Nhà hát, đó là để tái hiện những ký ức về mảnh đất Tràng An thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước.
Lệ Thu
Hai "giọng hát vàng 10" của nền Tân nhạc Việt Nam hội ngộ
Sự góp mặt của Lệ Thu đã tạo nên một không gian âm nhạc hết sức tuyệt vời. Trong đêm nhạc này, nữ danh ca đất Cảng thể hiện 6 ca khúc của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Quảng Nam, Trường Sa, Đoàn Chuẩn… Mặc dù tuổi cao, nhưng Lệ Thu vẫn truyền tải nguyên vẹn tinh thần của bài hát. Đặc biệt, khi thể hiện hai ca khúc "Mùa thu chết" (Phạm Duy) và "Mười năm tình cũ" (Trần Quảng Nam), nữ nghệ sĩ được mệnh danh là “giọng hát vàng 10” của Tân nhạc Việt Nam khiến khán giả thán phục bởi sự tinh tế và cảm xúc lan tỏa trong từng nốt nhạc.
Còn Hồng Nhung luôn giữ được sự tươi mới, trẻ trung, dương tính khi hát nhạc Trịnh và những ca khúc về mùa thu Hà Nội như "Có phải em mùa thu Hà Nội", "Hương xưa", "Hạ trắng", "Ru em từng ngón xuân nồng", "Thuở Bống làm người". Cô được mệnh danh là ca sĩ hát về Hà Nội hay nhất. Nét đặc trưng của nữ diva Hà thành được tạo bởi chất giọng nữ trung trong sáng, trường hơi dài, cách nhả chữ tinh tế hòa quyện với tâm hồn nghệ sĩ tinh khôi, dịu dàng và đậm chất Tràng An.
Cô Bống Hồng Nhung luôn giữ được sự tươi mới, trẻ trung, dương tính khi hát Trịnh Ca
Khoảnh khắc Khánh Ly ôm Hồng Nhung khiến khán giả thổn thức
Tam ca nhạc Trịnh nồng nàn trong một tối mùa thu
Ngoài 70 tuổi nhưng giọng hát Khánh Ly vẫn nhận được rất nhiều sự yêu mến của khán giả mỗi lần bà về nước biểu diễn
Đêm nhạc còn có sự góp giọng của Tam ca nhạc Trịnh trong ca khúc "Nhìn những mùa thu đi" (Trịnh Công Sơn). 3 màu âm nhạc khác nhau, nhưng đều dành tình yêu cho những ca khúc của Trịnh, cho mùa thu Hà Nội. Phần trình diễn này cũng thay lời kết cho đêm nhạc đầu tiên "Nhớ mùa thu Hà Nội".