PHIM NHẠC » Tin tức nhạc

Năm 2020: Năm thăng hoa của Rap Việt và những điều bạn chưa biết về Gen Z!

Thứ ba, 09/02/2021 05:35

Rap đã mang đến làn gió mới cho nhạc Việt trong năm 2020. Từ thế giới "ngầm", nhạc rap nay đã khẳng định được vị thế của mình, bước lên sân khấu lớn. Không ai có thể tưởng tượng được rằng, một thể loại âm nhạc kén người nghe như Rap lại có sức lan tỏa mạnh mẽ đến như vậy.

Rapper Binz đã nói: "Bây giờ, bật tivi, mở Youtube, lướt Facebook, ở đâu cũng thấy rap. Rồi sẽ có những thế hệ trẻ lớn lên bằng những bài nhạc rap chứ không phải là nhạc Trịnh Công Sơn, Bằng Kiều, Trần Thu Hà... Rap không chỉ là thú chơi ngông của giới trẻ mà có thể trở thành văn hoá của cả một thế hệ sau này".

Sự bùng nổ của Rap Việt trong năm 2020, liệu có dừng lại ở trào lưu?

Rap là viết tắt của 3 từ Rhythm – And – Poetry là một hình thức nghệ thuật trong văn hóa Hip hop của người Âu Mỹ. Rap vốn đã xuất hiện trên thị trường âm nhạc Việt Nam từ nhiều năm trước. Những cái tên rapper đình đám, không còn quá xa lạ với công chúng phải kể đến như: DSK, Lil Knight, Karik, Wowy, Đen Vâu, Suboi,… Kể từ năm 2008, Rap bắt đầu được đón nhận nhiều hơn và cho đến cuối năm 2020, Rap mới thực sự trỗi dậy mạnh mẽ và giành lấy vị thế mà nó xứng đáng có được trong làng nhạc Việt .

Theo một khảo sát, hơn 82,9% số người được hỏi đều cho rằng Rap là thể loại nhạc xu hướng năm 2020

Năm 2019, khán giả đã sớm nhận ra sự trỗi dậy của Rap và âm nhạc Indie qua “hiện tượng Đen Vâu” nhưng phải đến năm 2020 mới đánh dấu đỉnh cao của thể loại âm nhạc này. Hai chương trình truyền hình thực tế về Rap là "Rap Việt" và "King of Rap" cùng lên sóng trong tháng 8 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường âm nhạc, tạo ra nhiều thay đổi căn bản.

2 chương trình truyền hình thực tế đã làm thay đổi vị thể của Rap trong làng nhạc Việt

Rap lên ngôi và giữ vị trí độc tôn nhạc Việt 2020 là điều khó chối cãi. Đúng như kỳ vọng của dàn giám khảo, HLV của 2 cuộc thi Rap, sau chương trình, thể loại Rap lần đầu tiếp cận đại chúng trong lịch sử hơn 20 năm vào Việt Nam. Khán giả có cái nhìn khác về Rap, các định kiến như: Rap chỉ có dung tục, thóa mạ lẫn nhau; Rap chỉ là phần phụ họa trong một bài hát;... dần bị xóa bỏ. Từ sau tháng 8/2020, khán giả đi đâu cũng nghe Rap. Từ underground, giới rapper "trồi" lên mặt các phương tiện truyền thông đại chúng. Họ nhận nhiều show hơn, cát-sê tăng cao, được các nhãn hàng săn đón. Loạt sản phẩm của nghệ sĩ mainstream luôn có rap như phần không thể thiếu.

Đổi lại, trào lưu Rap tạo ra nhiều vấn đề, trước hết là sự chia rẽ sinh ra ngay trong cộng đồng Rap fan. "Rap Việt" và "King of Rap" ra đời với mục đích phổ biến bộ môn Rap đến đại chúng thì chính cộng đồng Rap fan lại tạo sự phân biệt, kỳ thị, gọi người yêu Rap từ 2 cuộc thi này là "Rap fan tháng 8" (ý chỉ fan phòng trào, nửa mùa).

Fan rap lâu năm "cà khịa" rap fan tháng 8

Khi các Rapper nổi tiếng và được quan tâm nhiều hơn, vấn đề cố hữu của Rap từng gây tranh cãi rất nhiều cũng chắc chắn sẽ lại khơi màu: Ngôn từ trong Rap. Định kiến xấu về nhạc rap đã tồn tại từ lâu như sử dụng ngôn ngữ đường phố, không văn minh, tục tĩu khó mà xóa bỏ ngay được. Năm 2011, khi ca khúc "Rắc rối" vượt qua nhiều bản nhạc Pop giành giải thưởng MTV, Karik đã phải đối mặt nhiều tranh cãi. Bản Rap của anh được cho là có ngôn từ mỉa mai, châm biếm mặt trái của showbiz. Một số bài như "Thu dẩm" của LK (2018), "Phiếu bé ngoan" của Mr. T, Yanbi (2013)... bị công chúng phản đối dữ dội vì có ca từ dung tục, nhạy cảm. Hay như "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em" của Đen Vâu gây tranh cãi ngay từ cái tựa được cho là thô tục. Cư dân mạng đã tranh luận dữ dội về ca khúc này, cho rằng nam rapper lợi dụng tính chất độc lập của nghệ sĩ underground để thể hiện sự “cái tôi” quá đà đến mức… thô thiển khi sáng tác ca khúc, lời rap.

MV gây tranh cãi về tựa đề của Đen Vâu

Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận cho rằng giống thời trang, các xu hướng âm nhạc cũng có vòng lặp. Trước rap, R&B, dance, rock, bolero... cũng từng có thời gian rất thịnh hành ở Việt Nam. Liệu Rap có bùng lên trong chớp mắt vào 2020 rồi sớm lụi tàn theo trào lưu ở 2021 hay sẽ thực sự trở mình thành thể loại nhạc thịnh hành tại Việt Nam?

Nhạc Rap và Gen Z

Gen Z là thế hệ các bạn trẻ sinh năm 1996 trở về sau. Dế Choắt - quán quân "Rap Việt", hay ICD - quán quân "King of Rap", cùng MCK, Tlinh, Hieuthuhai, Lăng LD, Hành Or, GDucky, Pháo, Tage, Richoi đều là những rapper nổi tiếng, tài năng và đều thuộc thế hệ Gen Z.

Rap bùng cháy với những đại diện thuộc thế hệ Gen Z

Không giống với như các thế hệ trước, Gen Z lớn lên trong thời kỳ công nghệ, tiếp xúc với nhiều thiết bị hiện đại, lối sống suy nghĩ của họ cũng trở nên mới mẻ, cởi mởi hơn. Gen Z giữ trong mình một cá tính mạnh, luôn muốn bứt phá để thể hiện chính mình. Là một thế hệ toàn cầu hóa nên gen Z có một “vị giác” âm nhạc hết sức... toàn cầu: tự do về nội dung, phóng khoáng về ca từ. Đó chính là lí do Rap phù hợp với Gen Z, và fan Rap chủ yếu là Gen Z.

Gen Z chính là thế hệ tạo ra hot trend, sáng tạo xu hướng mới

Ưu điểm lớn của Rap là sự linh hoạt trong câu từ, biến động qua từng "flow". Do đó, rapper có thể dễ dàng truyền tải nhiều thông điệp và thể hiện những cảm xúc riêng của mình một cách đầy đủ và chân thực nhất. Không cần ca từ mượt mà, ngọt ngào, Rap tôn trọng cái tôi và đề cao sự chân thực của cuộc sống qua ngôn từ mộc mạc. Thế hệ Gen Z cũng khát khao khẳng định chính mình, thể hiện cái tôi như Rap. Nên nhạc Rap được đông đảo giới trẻ đón nhận là điều dễ hiểu.

Những ngôi sao Underground đã bước lên sân khấu lớn

Thị trường âm nhạc thay đổi, Rap trở thành một công cụ truyền thông mới dành cho các Marketer. Nếu như một bài Rap có khả năng thể hiện cá tính, cái tôi của con người, thế hệ trẻ thì hoàn toàn cũng có thể trở thành tiếng nói thể hiện “chất riêng” của thương hiệu. Đặc biệt dòng nhạc này phù hợp với những thương hiệu có cá tính và hướng tới lối sống phóng khoáng, năng động. Những Rapper được nhiều người biết đến như: Binz, Suboi, Đen Vâu, Justatee, Karik, Wowy… hay phù hợp hơn với các bạn trẻ thì có Bray, lăng LD, Hieuthuhai, Ricky Star,….. đều là những cái tên đắt giá trong tầm ngắm của các nhãn hàng.

Sơn Tùng "hồi sinh" thương hiệu Biti's qua MV "Lạc Trôi", trở thành ví dụ kinh điển trong việc rapper kết hợp cùng nhãn hàng để quảng bá thương hiệu

Rap tương lai có còn "hot" hay không, phần lớn sẽ nằm ở thị hiếu nghe nhạc của Gen Z có thay đổi trong tương lai hay không. Ở thời điểm hiện tại, Rap chính là phát ngôn của giới trẻ Việt, là đại diện cho tiếng nói của Gen Z.

Đỗ Hà (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới