Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 7, bố ca sĩ Ngọc Khuê và các bác có công với cách mạng ở Hà Nội đều được đi đến Trung tâm điều dưỡng - nghỉ dưỡng một tuần.
Anh Chu Đình Điệp - Giám đốc Trung tâm là người anh cũng như người bạn thân với Ngọc Khuê gần 2 chục năm nay. Ngày trước, anh là Giám đốc làng trẻ Birla Hà Nội - nơi Ngọc Khuê và sinh viên thường xuyên lui tới biểu diễn, dạy hát, dạy múa cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt.
Ngọc Khuê 'trào nước mắt' hát tặng những người có công với cách mạng
Rất nhiều năm nay, Ngọc Khuê luôn âm thầm đi làm công việc từ thiện với các em nhỏ, người già neo đơn và lần này là các cụ có công với cách mạng.
"Khuê luôn hoan hỷ và còn kết duyên cho nhiều anh chị em nghệ sĩ khác cũng như sinh viên của mình làm những việc có ý nghĩa cho xã hội. Khuê quan niệm: “Cho đi là còn mãi”... “Cho đi là cách ta sẻ chia, giúp đỡ ai đó về mặt vật chất hoặc tinh thần. Cho đi làm cho chúng ta hạnh phúc hơn, yêu đời hơn, làm cho chính bản thân ta hoàn thiện hơn, cảm nhận cuộc đời này có ý nghĩa hơn..."
Mỗi ngày sống là một trải nghiệm, được yêu thương, được sẻ chia là điều hạnh phúc nhất. Cuộc sống sẽ tuyệt vời biết bao khi mỗi con người sẵn sàng cho đi, sẻ chia đối với những người xung quanh mình".
Gia đình ca sĩ Ngọc khuê có truyền thống yêu nước, đã tham gia cách mạng từ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Bà nội Ngọc Khuê, xưa làm hội trưởng phụ nữ làng Tề, vận động nhân dân mua công trái ủng hộ Việt Minh. Cụ đào hầm bí mật trong nhà nuôi dấu cán bộ Việt Minh, được bác Phạm Văn Đồng ký tặng bằng khen: “Góp của, góp công trong cuộc trường kỳ kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc”.
Hoạ sĩ - nhạc sĩ Ngọc Khôi chụp cùng Giám đốc Chu Đình Điệp
Bác và cậu của Ngọc Khuê là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, vì thế bà ngoại được nhà nước truy phong: Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Bố của ca sĩ Ngọc Khuê là thương binh thời chống Mỹ. Nhiều năm trước cứ đến tháng 7, nữ ca sĩ thường đi cùng sư phụ đến các nghĩa trang từ địa đầu tổ quốc đến dải đất miền Trung nắng gió và có năm ra cả Côn Đảo.
"Khuê nhớ như in lần đầu hát giữa nghĩa trang Tông Khao, nghĩa trang đồi A1 ở Điện Biên. Không giống như đứng trên sân khấu mà là hát cho những người đã khuất, cảm giác lớp lớp rất nhiều chiến sĩ đang đứng vây quanh, đang lắng nghe Khuê hát. Xúc động lắm, nghẹn ngào khó tả lắm và Khuê trân trọng giây phút ấy. Lần nào cũng vậy, kể cả chương trình truyền hình trực tiếp hay không trực tiếp, cứ trước khi diễn là mưa, bắt đầu chương trình là tạnh mưa và khi kết thúc chương trình lại lác đác mưa".