PHIM NHẠC » Tin tức nhạc

Nhạc sĩ Nguyễn Quang làm chương trình lịch sử âm nhạc đồ sộ nhất từ xưa đến nay

Thứ sáu, 21/06/2019 09:19

Những thước phim tài liệu về lịch sử âm nhạc Việt Nam được chuyển tải trong từng tập chương trình “Âm nhạc Việt Nam những chặng đường” do Tổng đạo diễn, nhạc sĩ Nguyễn Quang thực hiện đang thu hút sự chú ý của đông đảo người yêu nhạc.

Đây là chương trình đầu tiên và duy nhất về tài liệu lịch sử âm nhạc Việt Nam với những nguồn tư liệu gắn liền với tên tuổi tác giả, tác phẩm bất hủ của nền tân nhạc nước nhà. Chương trình được phát sóng hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên VTV3 lúc 16h25, phát lại vào 18h00 trên VTV4.

Từ trái qua: NS Bảo Thu, NS Đài Phương Trang, NS Giao Tiên, Nghệ sĩ Đoàn Đính, NS Y Vũ, NS Nguyễn Quang

Nhạc sĩ Nguyễn Quang trong vai trò tổng đạo diễn sản xuất chương trình cảm thấy hào hứng với những khám phá mới mà anh cùng ê-kíp thực hiện thu thập được. Quá trình đi tìm câu trả lời cho những "bí mật" đằng sau các ca khúc bất hủ sẽ giải thích cho người xem vì sao trải qua gần 100, những ca khúc ấy vẫn có một sức sống mãnh liệt.

Chào nhạc sĩ, anh từng thực hiện rất nhiều chương trình vinh danh tác giả, tác phẩm gây tiếng vang lớn như: Sol vàng, Tình khúc vượt thời gian… Đồng thời anh còn là tổng đạo diễn cho rất nhiều liveshow ca nhạc của rất nhiều tên tuổi lớn. Đặc biệt là anh là con trai nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, là con cháu trong ngôi nhà tân nhạc, có thể hiểu anh sở hữu cả kho tàng kiến thức về âm nhạc, việc sản xuất một chương trình về lịch sử âm nhạc Việt Nam dường như nằm trong tầm tay anh?

Đúng là tôi được sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong môi trường âm nhạc, được truyền dạy trực tiếp từ ba tôi- nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và các cô chú trong đại gia đình tân nhạc. Tuy nhiên để xâu chuỗi, hệ thống toàn cảnh bức tranh âm nhạc Việt Nam từ 1938 đến nay thì thú thật là một thách thức lớn mà tôi đang vượt qua mỗi ngày.

Càng đi sâu vào từng tập của chương trình, tôi càng nhận ra có nhiều thông tin bất ngờ về hoàn cảnh sáng tác, về ca từ, về con người thật gắn với ca khúc ấy mà trước đây tôi chưa được tường tận.

Tôi đơn cử như với bài “Nắng chiều” sáng tác năm 1952, là bài bolero đầu tiên của Việt Nam. Bài hát đã vượt biên giới, được ca sĩ người Nhật, người Hoa biểu diễn và trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Chúng tôi đã tìm gặp nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển và khám phá ra những điều tuyệt vời của ca khúc Nắng Chiều.

Hay như ca khúc Đêm Đông cũng đi vào Hollywood. Cho đến nay chỉ duy nhất Đêm Đông và ca sĩ Bạch Yến của Việt Nam đặt chân vào Hollywood. Từ đó về sau chưa ai làm được.

Còn rất nhiều câu chuyện âm nhạc thú vị khác như: Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là câu chuyện tương tư của nhạc sĩ với một cô học trò mà ông dạy nhạc; Ca khúc “Biển nhớ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu “trời cao níu bước Sơn Khê” khiến phần lớn chúng ta lầm tưởng “Sơn Khê” là hình ảnh của núi non hiểm trở nhưng chúng tôi lại bất ngờ khi biết nhạc sĩ đang nhắc đến câu chuyện tình yêu của ông Sơn và bà Khê được kể lại từ chính những người thân của nhạc sĩ và hiện bà Khê đang vẫn đang sống tại Nha Trang…

Từ trái qua: NS Giao Tiên, Nghệ sĩ Đoàn Đính,NS Bảo Thu,NS Đài Phương Trang, NS Y Vũ, NS Nguyễn Quang, bà Chu Thị Hồng Anh (Giám đốc CT Chu Thị)

Anh làm thế nào để có thể tổng hợp nguồn tư liệu lớn vào trong 15 phút của mỗi tập chương trình như vậy? Và để có thể phát sóng đều đặn hàng ngày quả nhật vô cùng công phu và mất rất nhiều thời gian?

Chính xác thì đây là một công trình công phu nhất từ xưa đến nay mà tôi từng tham gia thực hiện. Chúng tôi đã dành nhiều tâm sức, tỉ mỉ chọn lọc các nguồn tư liệu có sẵn tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II đồng thời mở rộng mạng lưới những người yêu nhạc sẵn sàng đóng góp tư liệu quý mà họ sưu tầm.

Điều mà tôi muốn nhắc tới là tính tương tác cao mà chương trình nhận được từ ngay sau những tập chương trình đầu được phát sóng. Ngoài những nguồn tư liệu được đóng góp từ nhiều nguồn khác nhau, chúng tôi còn nhận được sự giúp đỡ của người thân, bạn bè và thậm chí hàng xóm của tác giả hay những nhân chứng được nhắc đến trong ca khúc hay có liên quan trong tập chương trình… Chúng tôi cũng mong nhận được nhiều hơn nữa những đóng góp ấy từ người dân để bổ sung thêm vào nguồn tư liệu lịch sử quý cho những thế hệ sau được biết đến.

Bà Vũ Thu Trang, bà Vũ Thanh Hường (đại diện VTV), tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai, NS Nguyễn Quang, bà Chu Thị Hồng Anh (Giám đốc CT Chu Thị)

Anh mong muốn gửi gắm điều gì qua chương trình này?

Ngoài việc mang đến một chương trình giải trí về lịch sử âm nhạc Việt Nam có ý nghĩa, chúng tôi còn đặt tâm huyết khai phá càng nhiều thông tin tư liệu có giá trị, chân thực nhất để giới trẻ có thể được tiếp cận với nguồn thông tin về âm nhạc Việt Nam chuẩn xác. Khi các nhạc sĩ, ban nhạc, ca sĩ trẻ hiểu rõ về từng lời ca, ý nhạc của tác giả, sự thay đổi qua các giai đoạn âm nhạc khác nhau, họ sẽ thể hiện lại ca khúc ấy theo đúng tinh thần của tác giả và của ca khúc cho dù có thể biến chuyển theo xu hướng mới, hòa âm với các thiết bị âm nhạc hiện đại hơn…

HX. Photo: Alley Thành (Theo Nld.com.vn)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới