Bộ ba phim Rurouni Kenshin (2012-2014):
Himura Kenshin là một lãng nhân bí ẩn, mang trên mình thanh kiếm lưỡi ngược, gắng tìm kiếm một cuộc sống bình yên tại Tokyo vào thời kỳ Minh Trị. Tuy nhiên, anh không thể “rửa tay gác kiếm” bởi luôn bị bủa vây bởi bọn quan lại biến chất và những kẻ thù cũ trong quá khứ. Là tựa truyện từng gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ 8x, 9x ở Việt Nam, nên Rurouni Kenshin phiên bản điện ảnh cũng nhận được rất nhiều sự hưởng ứng từ khán giả Việt. Bản thân chất lượng tập phim đầu tiên được giới phê bình đánh giá rất cao, nên kỳ vọng dành cho hai tập phim tiếp theo lại càng lớn. Theo đó, hai tập phim Kyoto Inferno và The Legend Ends sẽ bám sát nhánh truyện Rurouni Kenshin đấu lại Makoto Shishio và lũ bè đảng “Thập kiếm” Juppon Gatana.
Hot Road (2014):
Câu chuyện về những thiếu niên đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời từng chinh phục nhiều độc giả trong cuối thập niên 1980. Nhân vật chính của Hot Road là Kazuki Miyaichi, một cô gái “con nhà lành” nhưng phải lòng gã đại ca của một nhóm đua motor đường phố, tạo nên câu chuyện tình đầy lãng mạn nhưng không kém phần bi kịch. Phiên bản điện ảnh của Hot Road vừa ra mắt trong tháng 8/2014, đạt doanh thu phòng vé khá tốt, và có sự tham gia của người mẫu Rana Nonen trong vai Kazuki cùng thành viên nhóm nhạc J Soul Brothers, Hiroomi Tosaka, trong vai nam chính Hiroshi.
Black Butler (2014):
Từng là bộ truyện tranh “gối đầu giường” của nhiều thế hệ độc giả nữ, Black Butler kể về viên quản gia trung thành Sebastian Michealis hết lòng chăm sóc cho cậu chủ Ciel của gia tộc Phantomhive; tuy nhiên khác với những quản gia thông thường, Sebastian vốn là một ác quỷ đầy quyền năng từng được cảm hóa. Từ trước khi có thông tin chính thức về dự án điện ảnh chuyển thể, các fan đã sớm đo ni đóng giày vai Sebastian cho nam diễn viên kiêm nhà văn Hiro Mizushima bởi nét đẹp thanh tú cùng chiều cao lý tưởng. Phim được đánh giá tốt do có tạo hình sát với nguyên bản truyện.
Gantz (2010):
Dựa trên bộ manga hành độngDựa trên bộ manga hành độngDựa trên bộ manga hành độngDựa trên bộ manga hành động - khoa học viễn tưởng cùng tên, Gantz xoay quanh một quả cầu đen kỳ lạ, có khả năng hồi sinh những người đã chết và tập trung họ lại để đi tiêu diệt các sinh vật ngoài hành tinh nguy hiểm đang ẩn nấp trên Trái Đất. Phiên bản điện ảnh của Gantz khi ra mắt được đánh giá cao do tập trung tốt vào mảng hành động, bám sát nguyên tác. Tuy nhiên, việc phim giảm thiểu tối đa những cảnh sex và bạo lực của bộ truyện tranh gốc khiến nó trở nên “mất điểm” đối với nhiều người hâm mộ nguyên tác manga.
Beck (2010):
Beck là một lát cắt thú vị về ngành công nghiệp âm nhạc Nhật Bản, đặc biệt là thế giới của các ban nhạc indie. Được chuyển thể từ bộ manga cùng tên của Harold Sakuishi xuất bản từ năm 1999 tới 2008, phiên bản điện ảnh của Beck mới chỉ kể lại phần đầu câu chuyện, từ khi chàng trai 14 tuổi Yukio Tanaka khám phá ra giọng hát thiên bẩm cùng tài năng chơi guitar và gia nhập nhóm nhạc Beck, đến khi họ được tham gia vào đại nhạc hôi Grateful Sound 5, trở thành tâm điểm của báo giới trong vùng. Thủ vai chính Yukio lại chính là chàng “Rurouni Kenshin” Takeru Sato. Tài tử quả là một người rất có duyên với những bộ phim được chuyển thể từ manga.
Bộ ba phim 20th Century Boys (2008-2009):
Lấy cảm hứng từ ca khúc 20th Century Boys của nhóm nhạc rock T-Rex, câu chuyện lấy tâm điểm là một nhóm bạn quen nhau từ hồi tiểu học, quyết tâm cùng nhau lật tẩy âm mưu thống trị thế giới của gã độc tài đeo mặt nạ có biệt danh Bạn Hữu - vốn cũng là một người bạn thuở thơ ấu của họ. Bộ manga hấp dẫn bởi yếu tố li kì pha chút trinh thám trong quá trình điều tra chân tướng của Bạn Hữu, cũng như nhắc nhiều tới các yếu tố pop culture của Nhật Bản trong những năm đầu của cuộc cách mạng công nghệ. Do bộ manga gốc có tới 22 tập nên dù kéo dài đến ba phần, tác phẩm điện ảnh chuyển thể cũng chưa thể chuyển tải hết được nguyên tác và buộc phải lược bỏ nhiều chi tiết không kém phần quan trọng.
Crows Zero (2007), Crows Zero 2 (2009) và Crows Explode (2014):
Loạt phim Crows Zero vốn dựa trên loạt manga Crows của họa sĩ Hiroshi Takahashi, kể về cuộc chiến giành ngôi “bá vương” của các băng đảng học đường. Tuy nhiên, tác phẩm điện ảnh lại là phần tiền truyện, kể lại những sự kiện xảy ra trước bộ manga. Loạt phim dù được giới phê bình đánh giá cao nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi bởi tính bạo lực. Bộ phim quy tụ của rất nhiều ngôi sao hạng A hiện tại của làng điện ảnh Nhật Bản như Shun Oguri, Takayuki Yamada, Sousuke Takaoka...
Death Note và Death Note: The Last Name (2006):
Vô tình tìm thấy quyển sổ sinh mệnh của Tử thần, một chàng trai thiên tài quyết định sử dụng nó để “thay trời hành đạo”, tiêu diệt những kẻ xấu xa trên thế giới. Kể từ lần đầu tiên xuất hiện, bộ manga Death Note trở thành một cú “hit” tại Nhật Bản và nhiều nơi trên thế giới, lôi cuốn độc giả bởi cuộc đấu trí giữa hai tuyến nhân vật Raito Yagami và L. Hai bộ phim chuyển thể của Death Note có sự tham gia của ngôi sao là Tatsuya Fujiwara và Kenichi Matsuyama, và đều giành thắng lợi tại phòng vé của Nhật Bản. Sau này, một bộ phim ăn theo về riêng nhân vật L cũng được thực hiện vào năm 2008.
Nana (2005) và Nana 2 (2006):
Kể lại câu chuyện tình bạn giữa hai cô gái cùng có tên là Nana, loạt manga của Ai Yazawa được khán giả, đặc biệt là nữ giới, hết sức hâm mộ. Tuy nhiên, do Ai Yazawa lâm bệnh nên bộ truyện vẫn đang phải tạm thời dừng lại và chưa có hồi kết. Nhưng các nhà làm phim tại Nhật Bản thì vô cùng nhạy bén và đã kịp thực hiện hai tập phim điện ảnh. Tập đầu tiên có sự góp mặt hết sức đáng chú ý của ca sĩ Mika Nakashima và kiều nữ Aoi Miyazaki trong hai vai chính. Tuy nhiên, sang tới phần tiếp theo, diễn viên Yui Ichikawa trở thành người thay thế cho Miyazaki.
Azumi (2003) và Azumi 2: Death or Love (2005):
Dựa trên loạt manga cùng tên của Yu Koyama vào năm 1994, bộ phim xoay quanh cô gái Azumi, người được nuôi nấng và huấn luyện để trở thành sát thủ trong thời kỳ nước Nhật đang trở nên rối ren sau khi cuộc nội chiến Sengoku kết thúc. Cả hai tập phim chuyển thể đều có sự tham gia của kiều nữ Aya Ueto, và đây là vai diễn đưa tên tuổi của cô lên hạng sao tại xứ sở hoa anh đào. Hai tài tử Joe Odagiri và Shun Oguri cũng có màn ra mắt đáng nhớ với Azumi, giúp họ có những bước đi vững chắc ban đầu trong sự nghiệp.
Oldboy (2003):
Bộ phim là một trường hợp khá đặc biệt bởi nó mang “quốc tịch” Hàn Quốc, dù được chuyển thể từ loạt manga cùng tên của Garon Tsuchiya. Đều lấy xuất phát điểm từ sự kiện một người đàn ông bị giam cầm trong suốt 15 năm trời rồi bỗng nhiên được thả ra để tìm kiếm sự thật, nhưng bộ phim của đạo diễn Park Chan Wook lại mang một kết cục rất khác so với nguyên tác. Chứa đựng nhiều cảnh quay hành động bạo lực ấn tượng và gây sốc, Oldboy phiên bản điện ảnh chinh phục hoàn toàn khán giả thế giới, giành giải thưởng lớn tại LHP Cannes 2004 và được CNN xếp vào danh sách 10 bộ phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Tới nay, Oldboy có lẽ là bộ phim được chuyển thể từ manga thành công nhất.
Uzumaki (2000):
Được chuyển thể từ một trong những loạt manga kinh dị của tác giả Junji Ito lừng danh, Uzumaki lấy bối cảnh một ngôi làng kỳ dị, nơi mà mọi cái chết và những điều tai ương đều liên quan đến những hình xoắn ốc bí ẩn. Phiên bản điện ảnh gần như truyền tải được trọn vẹn của ba tập manga gốc. Chỉ riêng có phần kết là khác biệt so với nguyên tác bởi phim được thực hiện trước khi Junji Ito vẽ xong bộ truyện tranh gốc. Uzumaki nhận được nhiều phản hồi hết sức tích cực và được đánh giá cao hơn hẳn Tomie - một loạt phim kinh dị nhiều tập được chuyển thể từ nguyên tác manga cũng của Junji Ito.