PHIM NHẠC » Toàn cảnh

15 phim bom tấn tròn 20 tuổi trong năm 2015

Thứ năm, 01/01/2015 22:23

Năm 2015 đánh dấu nhiều bộ phim kinh điển như “Toy Story”, “Braveheart”, “Heat”, “Se7en”… bước sang tuổi 20.

Toy Story: Bộ phim hoạt hình thương hiệu của xưởng Pixar suýt chút nữa đã không được “bật đèn xanh” sau khi hãng Disney tỏ ra không mấy hào hứng với những đoạn demo đến từ Pixar vào năm 1993. Lo lắng rằng Disney sẽ hủy bỏ dự án, đạo diễn John Lasseter cùng các cộng sự thay đổi nhiều chi tiết của kịch bản chỉ trong vòng ba tháng. Cuối cùng, Toy Story ra rạp ngay trước Lễ tạ ơn 1995, thu được 362 triệu USD (chỉ thua kém duy nhất Die Hard with a Vengeance năm đó) và trở thành thương hiệu phim biểu tượng của xưởng hoạt hình Pixar.

Jumanji: Tác phẩm phiêu lưu giả tưởng bom tấn của Sony có kinh phí lên tới 65 triệu USD, nhưng sau đó thu về khoảng 262 triệu USD từ các phòng vé toàn cầu. Cốt truyện kỳ bí, kỹ xảo ấn tượng, cùng sự góp mặt của danh hài quá cố Robin Williams là những yếu tố giúp cho Jumanji còn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ khán giả trong suốt hai thập kỷ qua.

Babe: Chú heo Babe là một nhân vật từng gắn liền với tuổi thơ của nhiều khán giả Việt Nam. Câu chuyện về chú heo chăn cừu hài hước và cảm động này thậm chí còn giành được một tượng vàng Oscar tại hạng mục Hiệu ứng kỹ xảo hình ảnh sau đó. Với nhân vật chính Babe, các nhà làm phim đã phải sử dụng tổng cộng 48 cô heo khác nhau. Có doanh thu 254,1 triệu USD, Babe ngấp nghé lọt vào top ten phim ăn khách nhất toàn cầu năm 1995.

Casper: Chú ma Casper là một nhân vật hoạt hình cũng từng được rất nhiều trẻ em Việt Nam yêu mến trong thập niên 1990. Phiên bản điện ảnh của Casper đánh dấu bộ phim dài đầu tiên có một nhân vật hoàn toàn được tạo ra bằng kỹ xảo CGI trực tiếp và giao tiếp với các diễn viên bằng xương bằng thịt. Casper có doanh thu toàn cầu là 287,9 triệu USD, cao thứ tám trong năm 1995.

Pocahontas: Được thực hiện cùng thời điểm với The Lion King, Disney từng nghĩ rằng Pocahontas mới là tác phẩm sẽ thành công hơn. Bằng chứng là việc Disney giao dự án này cho các họa sĩ hàng đầu của hãng, còn các họa sĩ “hạng B” thì thực hiện The Lion King. Tuy nhiên, kết quả là Vua sư tử suýt chút nữa chạm tới cột mốc doanh thu 1 tỷ USD; còn Pocahontas thì không được đánh giá cao bằng và chỉ có thể thu được 346 triệu USD.

Batman Forever: Sau Batman Returns, đạo diễn Tim Burton bị các nhà sản xuất chê là đã tạo ra một hình tượng siêu anh hùng Người Dơi quá tăm tối. Chính bởi vậy, ông bị thay thế bởi Joel Schumacher và nhân vật Batman trong bộ phim này do tài tử Val Kilmer đảm nhiệm. Có doanh thu toàn cầu lên tới 362 triệu USD nhưng Batman Forever lại bị cả giới phê bình lẫn người hâm mộ chê bai và điều đáng nhớ nhất từ bộ phim có lẽ chỉ là ca khúc chủ đề Kiss from a Rose của danh ca Seal.

GoldenEye: GoldenEye là tập phim thứ 17 về chàng điệp viên lừng danh James Bond 007, đánh dấu lần đầu tiên tài tử Pierce Brosnan hóa thân thành nhân vật biểu tượng này. Bộ phim mang đậm tính giải trí, đồng thời giữ kỷ lục là phim mà 007 gây ra nhiều sát thương nhất khi cướp mạng của tổng cộng 47 nhân vật chính phụ. GoldenEye có doanh thu toàn cầu là 352 triệu USD.

Die Hard with a Vengeance: Với 366 triệu USD, tập thứ ba của loạt Die Hard là bộ phim có doanh thu toàn cầu cao nhất năm 1995. Die Hard with a Vengeance có sự tham gia của tài tử da màu Samuel L. Jackson, kể câu chuyện viên cảnh sát John McClane (Bruce Willis) phải chạy quanh thành phố New York để giải những câu đố của một tên khủng bố bí ẩn trước khi hắn cho bom phát nổ tại nhiều nơi.

Bad Boys: Có kinh phí sản xuất chỉ là 19 triệu USD, bộ phim quy tụ hai tài tử da màu Martin Lawrence và Will Smith là một phi vụ làm ăn thắng lợi vang dội của hãng Sony khi doanh thu toàn cầu của Bad Boys lên tới 141 triệu USD. Từ thành công đó, đạo diễn Michael Bay tiếp tục thực hiện phần hai vào năm 2003 và vẫn ấp ủ về phần ba cho Bad Boys suốt từ đó tới nay.

Braveheart: Bộ phim sử thi bom tấn Braveheart là tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp của tài tử Mel Gibson, khi có doanh thu 210 triệu USD, đồng thời thắng năm giải Oscar - trong đó có hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất. Phim kể lại cuộc đời của người anh hùng William Wallace xứ Scotland với cuộc chiến chống lại triều đình nước Anh. Do thêm thắt nhiều tình tiết hư cấu mà Braveheart từng gây ra không ít tranh cãi sau khi trình chiếu.

Apollo 13: Đối đầu trực tiếp với Braveheart tại giải thưởng Oscar năm đó là bộ phim thảm họa ngoài không gian Apollo 13 của tài tử Tom Hanks và đạo diễn Ron Howard. Phim nhận được tổng cộng 9 đề cử Oscar, song chỉ lên ngôi tại hai hạng mục phụ về dựng phim và âm thanh. Tuy nhiên, Apollo 13 lại có thành tích phòng vé vượt trội là 353 triệu USD, cao thứ ba thế giới năm đó.

Heat: Bộ phim hình sự kinh điển thập niên 1990 do đạo diễn Michael Mann thực hiện, quy tụ hai tài tử hàng đầu Hollywood là Al Pacino và Robert De Niro. Dù bị các giải thưởng điện ảnh hoàn toàn “ngó lơ” trong năm đó, nhưng giống như một món rượu ngon, Heat cần thời gian để được đánh giá và nhận xét một cách đúng đắn hơn. Bước sang thế kỷ 21, Heat thường xuyên lọt vào những top phim hình sự hay nhất, và cuộc trò chuyện giữa hai nhân vật của Al Pacino và Robert De Niro trong quán cà phê cũng trở thành một chuẩn mực mới về diễn xuất và lời thoại.

Se7en: Dù chỉ nhận được một đề cử Oscar, nhưng cho tới nay, Se7en của đạo diễn David Fincher cũng được xếp vào hàng những bộ phim hình sự kinh điển nhất trong lịch sử điện ảnh. Trong phim, Morgan Freeman và Brad Pitt thủ vai hai viên cảnh sát, một già một trẻ, đi điều tra và săn đuổi gã sát nhân hàng loạt giết người theo “bảy mối tội đầu”. Se7en có cái kết gây sốc cho tất cả những ai xem phim và doanh thu 327 triệu USD của phim cũng thuộc dạng khá cao.

The Usual Suspects: 1995 thực sự là năm “được mùa” của dòng phim hình sự khi Hollywood còn trình làng một tác phẩm kinh điển khác thuộc thể loại này là The Usual Suspects. Một kịch bản khéo léo, bùng nổ ở phút chót, giúp bộ phim giành được hai tượng vàng Oscar, trong đó có hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất.

Sense and Sensibility: Bộ phim dựa trên nguyên tác văn học của nhà văn Jane Austen, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên đạo diễn Lý An người Đài Loan thực hiện một bộ phim hoàn toàn sử dụng tiếng Anh. Sense and Sensibility được cả khán giả lẫn giới phê bình mến mộ, thể hiện qua 7 đề cử Oscar mà phim nhận được, trong đó có một chiến thắng tại hạng mục Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Doanh thu toàn cầu của bộ phim là 134 triệu USD, thuộc hạng khá đối với một tác phẩm thuộc thể loại chính kịch.

Theo Zing.vn
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới