Năm 1995, bộ phim Xích lô (Cyclo) công chiếu mở màn tại LHP Venice đã khiến khán giả thực sự sửng sốt với một góc nhìn mới mẻ về hiện thực Sài Gòn thập niên 1990.
Chuyện phim Xích lô kể về một gã đạp xích lô trên răng dưới khố ở Sài Gòn. Là người thuộc tầng lớp dân đen dưới đáy xã hội, một ngày xích lô mất phương tiện kiếm sống nên đi đầu quân cho băng xã hội đen do một bà trùm cầm đầu. Xích lô được giao đi theo một đàn anh khét tiếng (do Lương Triều Vỹ thủ vai), thực hiện những phi vụ phi pháp như phá hoại các kho gạo hay buôn thuốc phiện vào thành phố. Số phận đẩy đưa, chàng xích lô trẻ tuổi trải qua giai đoạn cùng quẫn và đen tối nhất của cuộc đời.
Điều bất ngờ với khán giả lần đầu xem Xích Lô là tính bạo lực trần trụi và khắc nghiệt tưởng như không thể xảy ra ngoài đời thực Sài Gòn. Nhưng mượn câu chuyện hư cấu bạo lực máu me nhiều chất 18+, Trần Anh Hùng lột tả một hiện thực xã hội lấy người dân lao động ở Sài Gòn làm trung tâm. Đó là không gian xã hội hậu chiến nhầy nhụa mồ hôi, nước mắt và cả máu.
Nếu đã xem Mùi đu đủ xanh (phim đầu tay của Trần Anh Hùng), người xem càng ngạc nhiên hơn khi Xích lô có một phong cách hoàn toàn khác. Nếu như Mùi đu đủ xanh là tuyệt phẩm của những khung hình duy mỹ trong trẻo đầy tính cổ tích tự nhiên, thì Xích lô là tác phẩm ấn tượng lấy chất liệu từ những gì xấu xí và khắc nghiệt nhất – máu, những dòng sông rác, những khu phố ổ chuột mất trật tự. Có thể nói, Xích lô là một sáng tạo đột phá ngoạn mục kể từ khi phim Kẻ cắp xe đạp (Bicycle Thief) của nhà làm phim Ý Vittorio De Sica ra mắt năm 1948.
Với góc nhìn lột tả bản chất hiện thực bằng những hình ảnh kể chuyện toàn bích, Xích lô được trao giải thưởng cao nhất LHP Venice 1995 – Giải Sư tử vàng. Tác phẩm lừng danh này sau đó đã bị cấm chiếu ở Việt Nam. Một điều độc đáo khác của Xích lô là đạo diễn Trần Anh Hùng sử dụng diễn viên hoàn toàn nghiệp dư vào vai chính. Chàng xích lô trong phim là anh Lê Văn Lộc, một người dân lao động miền Nam.
Nếu như Trần Anh Hùng gây tiếng vang trên thế giới khi đưa ra một hiện thực Sài Gòn thập niên 1990, thì Phan Đăng Di – người kế thừa phong cách phim Ấn tượng của Trần Anh Hùng, lại gây tiếng vang trên thế giới với một hiện thực Hà Nội đầu thế kỷ 21 qua phim đầu tay Bi Đừng Sợ.
Bi Đừng Sợ kể về những trải nghiệm tuổi thơ của một cậu bé sáu tuổi tên Bi trong một gia đình trung lưu Hà Nội khi người ông nhiều năm đi biệt tích nay về nhà, sống nốt những ngày cuối đời trên giường bệnh. Từ đây, những rạn nứt và những góc tâm hồn ít biết của mỗi thành viên gia đình này dần hé mở - ông Bi, bố Bi, mẹ Bi và cô Bi.
Đề tài đầu tiên trong Bi Đừng Sợ, cũng là khía cạnh gây ồn ào nhất của phim là những ẩn ức tình dục của con người ở đất nước Á Đông khi bắt đầu hòa nhập và xã hội công nghệ thông tin. Thế nhưng ẩn ức tình dục chỉ là một thành tố dễ thấy, được hòa trộn vào câu chuyện bi kịch gia đình u tối đan cài trong giai đoạn đầu đời khám phá thế giới của một trẻ thơ.
Tác phẩm tâm lý gia đình của đạo diễn Việt chịu ảnh hưởng tử Satyajit Ray này hé mở cho người xem thấy hai phe. Những người đàn ông trong gia đình này hầu hết đều thất bại và bạc nhược, trong khi những người đàn bà luôn nhẫn nhịn và bao dung. Nhân vật người cô làm nghề giáo viên trong phim bị dày vò ẩn ức tình dục có những hành động vượt rào truyền thống nhất - đi xem trộm cậu học sinh mình thích đứng đái dưới mưa.
Một Hà Nội giàu những tiếng động ồn ào được xử lý qua những góc máy duy mỹ của Phan Đăng Di, trong một kịch bản ít cốt truyện này đã giành giải thưởng Kịch bản hay nhất tại Tuần lễ phê bình phim quốc tế ở LHP Cannes 2010. Một trong những khung hình được làm theo phong cách ấn tượng mang dấu ấn từ phim Trần Anh Hùng nhất trong Bi Đừng Sợ là cảnh cậu bé Bi nhìn vào bô nước đái dưới giường bệnh ông nội trong đó có một con thạch sùng đã chết.
Mới đây, Nguyễn Hoàng Điệp, nhà sản xuất của Bi Đừng Sợ tiếp tục gây ấn tượng tốt với giới phê bình Âu Mỹ. Bộ phim Đập cánh giữa không trung do Nguyễn Hoàng Điệp làm đạo diễn được một số phê bình gia từng xem phim tại LHP Venice đánh giá cao.
Chuyện phim kể về một cô gái tuổi teen bất ngờ có bầu liền phải xoay sở kiếm tiền phá thai bằng cách đi làm gái bán hoa. Bất ngờ cô gái trẻ gặp một người đàn ông chỉ mê thai nhi trong bụng mẹ. Tờ báo chuyên về điện ảnh uy tín của Mỹ là Hollywood Reporter khẳng định: “Đập cánh sử dụng những khuôn hình kiểu cách có tính mỹ cảm cao để bắt hiện thực khắc nghiệt về cuộc sống trong thành phố. Phim của Điệp đưa ra một cái nhìn ngọt ngào, nhục cảm và nhạy cảm về tình dục và tuổi vị thành niên ở Việt Nam”.
Ban tuyển chọn phim của LHP Venice từng viết trong thông cáo báo chí rằng Đập cánh giữa không trung là một lựa chọn gây sốc đối với họ. Còn quá sớm để nói thêm về bộ phim đã thuyết phục được Hiệp hội phê bình châu Âu và Địa Trung Hải này chưa được trình chiếu ở Việt Nam. Thế nhưng, với cốt truyện tóm tắt đã được hé mở, Đập cánh hứa hẹn là một góc nhìn mới về cuộc sống tuổi thành niên chơi vơi ở Đông Nam Á.