PHIM NHẠC » Toàn cảnh

8 bà hoàng nổi bật trên màn ảnh Việt

Thứ ba, 17/06/2014 08:53

Vào vai những người phụ nữ quyền lực nhất chỉ sau vua chúa, nhiều nữ diễn viên đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả Việt.

Cho đến nay, phim cổ trang Việt chưa thực sự tạo được nhiều điểm nhấn trong lịch sử ngành điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, với những bộ phim riêng thì vẫn có những cá nhân gây ấn tượng tốt với tạo hình và diễn xuất. Đặc biệt, nói đến phim cổ trang, không thể không nhắc đến một tuyến nhân vật rất điển hình, đó là những "nữ nhân" của vua chúa - cũng là một phần không thể thiếu trong lịch sử. Cùng điểm lại một số diễn viên vào vai  hoàng hậu, quý phi có nhiều dấu ấn trong các phim cổ trang Việt.

Lê Vân - Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong "Đêm hội Long Trì"

Sau hàng loạt vai diễn để đời tạo nên hình tượng dịu dàng, chịu thương chịu khó, nghệ sỹ Lê Vân đột nhiên “lột xác” đáng kinh ngạc với vai Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong Đêm hội Long Trì. Đặng Thị Huệ là nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, là giai nhân tuyệt sắc và rất được chúa Trịnh Sâm yêu chiều.

Lê Vân với vai diễn Tuyên phi Đặng Thị Huệ góp phần quan trọng vào thành công của Đêm hội Long Trì

Vốn là một cô thôn nữ nghèo khổ, sau khi vào phủ chúa làm tỳ nữ, bà lọt được vào mắt xanh của chúa Trịnh và được chúa rất sủng ái. Đặng Thị Huệ là một người phụ nữ nổi tiếng gây ra nhiều tai ác trong phủ chúa Trịnh và triều đình Hậu Lê, ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Trong phim, Lê Vân có tạo hình khá sang trọng và trau chuốt, diễn xuất của cô cũng lột tả rất xuất sắc một Đặng Thị Huệ xinh đẹp, biết chiều lòng chúa và mưu tính nhiều cơ đồ.

Thu Minh - Quý phi Lệ Liễu trong "Anh chàng vượt thời gian"

Lần đầu tiên bén duyên với điện ảnh, ca sĩ Thu Minh đã được đạo diễn Minh Thuận ướm vào vai phản diệnQuý phi Lệ Liễu – một người phụ nữ có nhan sắc khuynh thành nhưng mưu mô, xảo quyệt. Với vẻ đẹp quyến rũ, sắc lạnh vốn có, Thu Minh rất dễ dàng hóa thân thành công vào vai quý phi Lệ Liễu nham hiểm, bất chấp tất cả để trả thù.

Trong phim, tạo hình của Thu Minh  thường đi theo gam màu chủ đạo hồng và tím, thống nhất từ trang điểm, trang phục đến trang sức, phụ kiện đi kèm. Đặc biệt, cô ca sĩ “Đường cong” còn có dịp khoe dáng và body với những cảnh tắm gợi cảm.

Thu Minh vào vai một quý phi sắc sảo, mưu mô nhưng rất quyến rũ

Thụy Vân - Hoàng hậu Thanh Liên trong "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long"

Á hậu Thụy Vân là một trong những người đẹp có bước “chuyển nghề” khá thành công với vai diễn hoàng hậu Thanh Liên trong Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long. Trong phim, Thanh Liêm là một cô gái con nhà thường dân nhưng lại có vẻ đẹp phẩm chất và tâm hồn vô cùng cao quý, khiến vua Lý Công Uẩn say đắm và đưa về làm hoàng hậu.

Hoàng hậu Thanh Liên là người phụ nữ Việt Nam đặc trưng với những đức tính thủy chung, son sắt, yêu chồng, thương con và giàu lòng vị tha. Hình tượng nhân vật này vừa hay rất phù hợp với vẻ đẹp dịu dàng, thục nữ, mang đậm chất Á đông của Á hậu Thụy Vân, vì thế cô không gặp quá nhiều khó khăn khi hóa thân vào nhân vật. Trong phim, tạo hình của Thụy Vân khá giản dị, hầu hết các cảnh cô mặc quần áo thường dân do phải lưu lạc bên ngoài cung. Gam màu chủ đạo xanh nước biển cũng khiến cho tạo hình của cô nhẹ nhàng, thanh thoát hơn.

Thụy Vân rất phù hợp vào vai Hoàng hậu Thanh Liên

Ngô Mỹ Uyên - Hoàng hậu Nghi Lan phim "Khát vọng Thăng Long"

Hoàng hậu Nghi Lan – người vợ thứ 6 của vua Lê Đại Hành do Ngô Mỹ Uyên thủ vai là nhân vật dù không có nhiều đất diễn nhưng lại là nút thắt quan trọng trong bộ phim Khát vọng Thăng Long. Bà chính là người hạ sinh ra Lê Long Đĩnh – vị vua đã giết anh trai mình để soán ngôi.

Trong phim, Ngô Mỹ Uyên có tạo hình sang trọng, quý phái, mang đậm khí chất vua chúa. Đây cũng là ấn tượng khiến khán giả luôn nhớ đến cô trong suốt cả bộ phim.

Dù không có nhiều đất diễn nhưng tạo hình của Ngô Mỹ Uyên trong phim Khát vọng Thăng Long lại tạo ấn tượng sâu sắc

Lã Thanh Huyền - Nguyên Phi Trần Thị Dung trong "Trần Thủ Độ"

Nguyên phi Trần Thị Dung do Lã Thanh Huyền thủ vai trong Trần Thủ Độ là một trong những vương phi không thể không nhắc tới. Là bóng hồng sát cánh bên Thái sư Trần Thủ Độ trong suốt chiều dài bộ phim nên vai Trần Thị Dung có vị trí rất quan trọng, đòi hỏi diễn viên phải có khả năng diễn xuất và phong thái chuẩn mực.

Từng có kinh nghiệm diễn xuất qua nhiều bộ phim nên Lã Thanh Huyền đã hóa thân rất thành công vào vai Nguyên Phi này. Trong phim, cô có nhiều tạo hình khác nhau, nhưng hầu như tạo hình nào cũng đều rất sang trọng, quý phái, tôn lên vẻ đẹp rạng rỡ của cô.

Tạo hình sang trọng của Lã Thanh Huyền trong vai Nguyên phi Trần Thị Dung

Giáng My - Phụng Càn Hoàng hậu trong "Huyền sử thiên đô"

Cùng diễn 1 vai là mẫu thân của vua Lê Long Đĩnh nhưng Phụng Càn Hoàng hậu của Giáng My không hề giống với hoàng hậu Nghi Lan trong Khát vọng Thăng Long của Ngô Mỹ Uyên. Do sử sách không ghi rõ tên bà, chỉ ghi là “chi hậu diệu nữ” nên dẫn đến rất nhiều sự sáng tạo khác nhau về nhân vật này.

Vai Hoàng hậu Phụng Càn của Giáng My được cho là một người phụ nữ tập hợp đầy đủ những đức tính tiêu biểu nhất của phụ nữ Việt Nam: tấm lòng nhân hậu, sự chịu đựng vô bờ bến nhưng rất khôn ngoan, khéo léo trước những biến cố. Tạo hình của Giáng My trong phim khá đơn giản nhưng vô cùng trang nhã, quý phái. Nét đằm thắm của “hoa hậu đền Hùng” càng tôn lên vẻ đẹp của nhân vật.

Diễm My rất xinh đẹp, quý phái nên việc tạo hình cho cô vào vai Hoàng hậu Phụng Càn không gặp quá nhiều khó khăn

Cao Thùy Dương  - Hoàng hậu Ngọc Lâm trong "Về đất Thăng Long"

Về đất Thăng Long tiếp tục là một bộ phim nói về Lê Long Đĩnh – vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê. Nhưng lần này, cuộc sống xoay quanh Lê Long Đĩnh được khắc họa rõ nét hơn, trong đó có vợ của ông – Hoàng hậu Ngọc Lâm do nữ diễn viên trẻ Cao Thùy Dương thủ vai.

Ngọc Lâm là cô gái xinh đẹp, mạnh mẽ và ham mê sắc dục. Khi Long Đĩnh còn là thái tử thì Ngọc Lâm là một người vợ mẫu mực cùng gia đình hạnh phúc. Nhưng khi ông lên ngôi vua, xung quanh có quá nhiều cung tần mỹ nữ, Ngọc Lâm trở nên phòng không chiếc bóng, vì vậy đã ngoại tình với Minh Đề. Với vai diễn có nội tâm phức tạp và nhiều biến chuyển như Ngọc Lâm, người đẹp Cao Thùy Dương đã được đánh giá rất cao về diễn xuất khi hoàn thành vai diễn rất xuất sắc. Tạo hình của cô trong phim khá đơn giản và trang nhã với gam màu xanh chủ đạo.

Cao Thùy Dương được đánh giá là diễn tròn vai Hoàng hậu Ngọc Lâm. Tạo hình của cô không cầu kỳ nhưng vẫn tạo ấn tượng và phù hợp với hoàn cảnh

Vân Trang - Tuyên Từ Thái hậu trong "Thiên mệnh anh hùng"

Thiên mệnh anh hùng là bộ phim cổ trang Việt được đánh giá khá cao cả về nội dung, ngoại cảnh lẫn dàn diễn viên chất lượng. Phim kể về một giai đoạn lịch sử sau thảm họa Lệ Chi Viên nổi tiếng cùng với vụ án oan tru di tam tộc của gia tộc Nguyễn Trãi. Tuyên Từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh được giao cho diễn viên trẻ Vân Trang đảm nhận.

Phim xoay quanh quá trình truy tìm bức huyết thư của một vị thái giám tiết lộ những uẩn khúc, nghi ngờ dẫn tới vụ án Lệ Chi Viên. Tất cả các phe phái trong triều đình đều lao vào cuộc tìm kiếm bức huyết thư ấy hòng có lợi thế trong cuộc đua giành ngôi báu. Thế lực mạnh nhất khi ấy là phe của Tuyên Từ Thái hậu (Vân Trang thủ vai) với những sát thủ võ nghệ cao cường do Trần tướng quân (Khương Ngọc đóng) chỉ huy, bất chấp cả những hành vi tàn ác nhất để bằng mọi giá có được bức huyết thư.

Vai Thái hậu Tuyên Từ của Vân Trang tuy không có nhiều đất diễn nhưng những trường đoạn của cô trong phim đều gây được ấn tượng bởi sự nhập tâm, sắc bén. Đây là một bước đột phá của nữ diễn viên sinh năm 1990 khi thể hiện khá "ngọt" vai diễn một nhân vật có tiếng trong lịch sử.

Baodatviet.vn