Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972)
Đạo diễn: Hải Ninh Kịch bản: Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ
Đây là một trong những bộ phim thuộc thời kỳ đầu của dòng phim cách mạng chống Mỹ, được thai nghén kịch bản trong 5 năm. Sau hiệp định Geneve, vĩ tuyến 17 được lấy làm cột mốc chia cắt 2 miền Nam – Bắc trong hai năm, Hai nhân vật vợ chồng Thạch và Dịu bị chia cắt: Thạch phải ra ngoài Bắc tập kết cùng với đồng đội, trong khi đó Dịu, vợ anh lại nằm bên bờ phía Nam. Khi kẻ địch tăng cường khủng bố, không chịu khuất phục cường quyền, áp bức, chị Dịu đứng lên đấu tranh và nhanh chóng trở thành lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa phương. Nổi bật trong phim còn là hai nhân vật: Bác cả Thuận, bí thư chi bộ Đảng, người không chịu cúi đầu trước kẻ thù và mẹ Đỡ, người mẹ chịu thương chịu khó trong chiến tranh.
Em bé Hà Nội (1974)
Đạo diễn: Hải Ninh Kịch bản: Hoàng Tích Chỉ, Hải Ninh
Bối cảnh của bộ phim là năm 1972, khi Hà Nội phải hứng chịu những trận bom của quân đội Mỹ trong chiến dịch Linebacker 2 ném bom miền Bắc. Bộ phim xoay quanh hai nhân vật Ngọc Hà, Thuỳ Dương trên hành trình đi tìm bố ở vùng sơ tán sau khi mẹ bị chết bởi bom đạn. Trong chuyến đi của mình, hai cô bé đã thấy được sự tàn khốc của chiến tranh, cũng như những hành động ấm áp tình người. Bộ phim khắc hoạ những ngày tháng tang thương, đau khổ của miền Bắc nhưng trong gian khổ vẫn ẩn chứa sự quyết tâm bảo vệ tổ quốc, lòng nhân ái, sự yêu thương đùm bọc của những con người trong bom đạn.
Cánh đồng hoang (1979)
Đạo diễn: Nguyễn Hồng Sến Kịch bản: Nguyễn Quang Sáng
Nội dung phim nói về vợ chồng Ba Đô, sống một căn chòi nhỏ giữa cánh đồng trũng nước với cây dại mọc cao quá đầu người với nhiệm vụ làm liên lạc viên cho cách mạng. Cuộc sống của họ không còn yên bình, khi hàng ngày lính Mỹ liên tục dùng trực thăng bay qua cánh đồng của họ để tìm diệt du kích. Trong một lần chiến đấu, Ba Đô bị trực thăng Mỹ bắn chết, vợ anh đã bắn cháy máy bay để trả thù cho chồng. Bộ phim có một chi tiết đáng giá, đó là bức ảnh gia đình của viên phi công Mỹ bị bắn chết. Nó cho thấy chiến tranh không chỉ mất mát từ một phía mà gia đình của cả hai bên tham chiến đều phải chịu nỗi đau này. Đây chính là một hồi chuông cảnh tỉnh về sự đáng sợ của chiến tranh.
Biệt động Sài Gòn (1986)
Đạo diễn: Long Vân Kịch bản: Lê Phương, Nguyễn Thanh
Gồm 4 tập: Điểm hẹn, Tình lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em, Biệt động Sài Gòn là một bản anh hùng ca về những chiến sĩ Sài Gòn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trước năm 1975. Nội dung phim nói về Tư Chung (tư lệnh trưởng Biệt động Sài Gòn) cùng người đồng đội Ngọc Mai, cùng giả danh thành người chủ hãng Sơn giàu có. Không chỉ che mắt chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, hai người còn phải thực hiện nhiệm vụ tình báo, trực tiếp chỉ huy đồng đội tham gia chiến đấu. Trong nhiều tình huống, họ phải đứng trước những quyết định khó khăn, trước sự tranh đấu giữa lý trí và tình cảm.
Hà Nội 12 ngày đêm (sản xuất trong vòng 5 năm)
Đạo diễn: Bùi Đình Hạc, Nguyễn Khắc Lợi, Lê Thi, Bùi Trung Hải Kịch bản: Thiên Phúc, Hồ Phương, Hữu Mai, Chu Lai, Nguyễn Thị Hồng Ngát
Bộ phim nói về quá trình chiến đấu của quân và dân Hà Nội trong 12 ngày đêm năm 1972 khi Mỹ thực hiện chiến dịch Linebacker không kích Thủ đô. Xuyên suốt bộ phim là sự dũng cảm và hi sinh của những chiến sĩ không quân: Đó là Tiểu đoàn trưởng tên lửa Đặng Nhân, tạm biệt vợ mới cưới trong đêm để lên đường; đó là chiến sĩ Đức, cha vừa mất nhưng vẫn quyết tâm lên đường chiến đấu. Đó là những hình tượng điển hình cho những con người anh dũng trong một thời kỳ lịch sử.
Giải phóng Sài Gòn (2005)
Đạo diễn: Long Vân Kịch bản: Hồng Hà, Nguyễn Trần Thiết, Vũ Văn Nhã, Lê Đăng Thực, Long Vân
Tính từ khi thai nghén kịch bản cho đến khi hoàn thành, Giải phóng Sài Gòn “ngốn” khoảng thời gian ngót nghét gần 15 năm. Phim tái hiện lại quá trình tổng tiến công chiến lược 55 ngày đêm giải phóng miền Nam, mở đầu bằng cuộc tiến công Buôn Ma Thuột. Trong phim, khán giả sẽ được thấy những tính toán của chính quyền cả hai miền Bắc Nam và chính quyền Mỹ trong trận chiến lịch sử này. Phim có sự xuất hiện của 20 nhân vật lịch sử của cả hai phía như đại tướng Võ Nguyên Giáp, bí thư Lê Duẩn, đại tướng Văn Tiến Dũng, tổng thống Dương Văn Minh, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu…
Đường thư (2005)
Đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng Kịch bản: Đoàn Minh Tuấn
Khác với những bộ phim khác trong dòng phim cách mạng chống Mỹ, bộ phim Đường thư không có nhiều cảnh khói lửa, chết chóc mà tái hiện hình ảnh những chiến sĩ quân bưu với công việc thầm lặng nhưng không kém phần nguy hiểm. Cao điểm 861 bị vây chặt, đường dây liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn. Tân, một chiến sĩ quân bưu dày dạn kinh nghiệm, và Hoàng An, một chiến sĩ đặc công trẻ, đã phải trải qua nhiều khó khăn, phải đối mặt với kẻ địch để hoàn thành nhiệm vụ.
Mùi cỏ cháy (2012)
Đạo diễn: Nguyễn Hữu Mười Kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm
Bộ phim “gặt hái” được nhiều thành công khi đoạt tới 4 giải Cánh diều vàng năm 2012. Phim là một bản anh hùng ca về những người lính trong trận chiến một mất một còn tại thành cổ Quảng Trị, một trong những chiến trường ác liệt nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Nội dung phim xoay quanh bốn chàng sinh viên Hoàng, Thành, Thăng, Long, là sinh viên trường Đại học tổng hợp Hà Nội, tạm biệt cuộc sống sinh viên và đeo ba lô ra chiến trường. Ba trong số bốn chàng trai này đã mãi mãi ở lại thành cổ, góp phần vào chiến thắng chung của đất nước.