Lucy (2014) và Elfen Lied (2004)
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con người có thể sử dụng 100% khả năng của bộ não? Câu trả lời được đưa ra trong bộ phim Lucy hồi mùa hè không khác mấy so với loạt anime Elfen Lied.
Khán giả được khám phá nhiều chủ đề từ Lucy như sự tàn ác của nhân loại, thuyết hiện sinh, và liệu cô gái Lucy có còn là con người khi đạt đến trí thông minh tuyệt đỉnh hay không. Tuy nhiên, tất cả đều gợi nhớ tới Elfen Lied, bởi những khả năng đặc biệt của Lucy không khác gì sức mạnh của người Diclonii trong bộ anime. Chưa kể, Diclonii vẫn sở hữu lòng trắc ẩn giống như con người và nhiều xung đột trong tâm hồn họ nảy sinh từ đây, một vấn đề mà Lucy cũng phải đối mặt sau khi sở hữu năng lực vượt trội.
Transcendence (2014) và Serial Experiments Lain (1998)
Giống như nhiều bộ phim tham vọng khác, Transcendence cố gắng tạo ra điều gì đó mới mẻ nhưng lại phải hứng chịu phản ứng tiêu cực từ giới phê bình vì những điểm mâu thuẫn và phi logic đầy rẫy trong kịch bản. Trong khi đó, Serial Experiments Lain lại là một loạt anime được đánh giá khá cao.
Cả hai cùng có nội dung xoay quanh một nhân vật có trí tuệ vượt xa trí tưởng tượng của nhân loại, cố gắng trở thành người điều khiển cả thế giới ảo lẫn thế giới thực bằng ý thức của bản thân. Ngoài một chút khác biệt giữa hai nhân vật chính, kịch bản của Transcendence gần như giống hệt nội dung chính của Serial Experiments Lain, với cùng ý tưởng, khung cảnh và diễn biến. Điểm khác biệt rõ nhất là bộ anime ra đời trước Transcendence tận 16 năm.
Pacific Rim (2013) và loạt phim Gundam cùng Neon Genesis Evangelion
Robot khổng lồ (mecha) là một nét văn hóa đại chúng nổi bật của xứ sở mặt trời mọc. Nếu như hãng Hasbro tại Mỹ tự hào nhờ các robot biến hình Transformer thì Nhật Bản cũng từng sản sinh ra các chiến binh Gundam và Evangelion cực kỳ đình đám.
Tuy nhiên, loạt phim Transformers của Michael Bay rất khác so với hai loạt phim đó mà Pacific Rim của Guillermo del Toro mới là tác phẩm cần phải nhắc tới. Nội dung của bộ phim Hollywood xoay quanh việc tạo ra các người máy khổng lồ nhằm bảo vệ Trái Đất khỏi sự xâm lược của nhiều loài sinh vật ngoài vũ trụ giống như Gundam. Còn việc các chiến binh robot ấy được con người điều khiển bằng hệ thống thần kinh lập tức khiến một bộ phận khán giả lập tức nhớ tới công nghệ bio-suit trong Neon Genesis Evangelion. Dẫu vậy, Guillermo del Toro vốn rất hâm mộ các mecha nên Pacific Rim giống như một lời tri ân của vị đạo diễn người Mexico tới những chú robot nổi tiếng của Nhật Bản.
Inception (2010) và Paprika (2006)
Khi ra mắt hồi mùa hè 2010, bộ phim Inception và đạo diễn Christopher Nolan lập tức nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình và khán giả. Trong phim, nhân vật chính Dom Cobb là một tay trộm có khả năng thao túng và khai thác những thông tin tuyệt mật của đối tượng thông qua giấc mơ.
Tuy nhiên, bốn năm trước đó, bộ phim Paprika của Satoshi Kon từng giới thiệu “liệu pháp” D.C. Mini được nghiên cứu với mục đích thu hình và trình chiếu lại giấc mơ. Khi công nghệ này bị đánh cắp và sử dụng sai mục đích, nữ tiến sĩ Atsuko Chiba tạo ra một phiên bản của bản thân trong giấc mơ để sử dụng năng lực tiềm thức, điều tra âm mưu đen tối. Hai bộ phim tuy không có chung một kịch bản nhưng nhiều chi tiết và hình ảnh trùng lặp xuất hiện, như thiết bị thâm nhập giấc mơ, khái niệm hiện thực và giấc mơ hòa quyện vào nhau khiến nhân vật không rõ mình có đang ở thế giới thật hay không... Chính bởi vậy mà nhiều fan của tác phẩm anime cho rằng đạo diễn Christopher Nolan hẳn đã tham khảo ít nhiều từ Paprika của nhà làm phim quá cố người Nhật Bản.
Black Swan (2010) và Perfect Blue (1997)
Câu chuyện của Black Swan trở thành đề tài tranh luận từ khi bộ phim ra mắt hồi 2010. Tác phẩm xoay quanh nữ vũ công Nina Sayers, người đánh mất bản thân khi cố gắng hóa thân thành cả hai nhân vật thiên nga đen và thiên nga trắng trong vở ba-lê Hồ thiên nga. Hậu quả là cô bị mắc chứng hoang tưởng, hoảng loạn và ám ảnh kéo dài.
Cốt truyện này khá giống với một bộ phim hoạt hình khác của Satoshi Kon: Perfect Blue. Trong tác phẩm đến từ Nhật Bản, nhân vật chính Mima Kirigoe là một ngôi sao nhạc pop nhưng muốn trở thành diễn viên truyền hình. Quyết định thay đổi sự nghiệp khiến cô phải hứng chịu sức ép cực lớn. Cùng lúc đó, nhiều đồng nghiệp của Mima Kirigoe bị sát hại một cách bí ẩn và nhiều chi tiết cho thấy cô gái đang mắc phải chứng bệnh đa nhân cách. Perfect Blue có một cái kết đóng chứ không gợi mở như Black Swan, nhưng những sức ép mà Mima Kirigoe và Nina Sayers phải trải qua là rất giống nhau, thậm chí là đến tận hình ảnh. Tuy nhiên, tác giả của Black Swan là đạo diễn Darren Aronofsky từng nhiều lần khẳng định Perfect Blue không đóng vai trò gì trong quá trình sáng tạo tác phẩm của anh, một điều mà tới giờ nhiều người vẫn còn đặt dấu hỏi.
Avatar (2009) và Princess Mononoke (1997)
Siêu phẩm 3D ăn khách nhất mọi thời đại Avatar từng không ít lần bị khởi kiện vì những cáo buộc đạo ý tưởng. Còn các anti-fan thì luôn cho rằng bộ phim của đạo diễn James Cameron chẳng khác gì một phiên bản làm lại từ tác phẩm hoạt hình Pocahontas của hãng Disney.
Nếu xem xét kỹ lưỡng, Avatar thậm chí còn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ một tác phẩm hoạt hình đình đám khác của xưởng Ghibli, Nhật Bản là Princess Mononoke. Ra mắt trước Avatar tới hơn một thập kỷ, nội dung của Princess Mononoke cũng xoay quanh sự tranh chấp tài nguyên giữa các thế lực, dẫn tới mối đe dọa phá hủy khu rừng của các linh hồn và thần linh. Điểm mới lạ có lẽ chỉ là loài người trong Avatar có thể đưa ý thức của họ vào trong cơ thể người Na’vi.
The Matrix (1999) và Ghost in the Shell (1995)
Về diễn biến, hai bộ phim có rất ít điểm tương đồng; nhưng về ý tưởng và đề tài thì lại khá giống nhau, đến mức nhiều người cảm thấy thật kỳ lạ khi phía Nhật Bản không có ý kiến gì với chị em đạo diễn nhà Wachowski.
Bối cảnh của Ghost in the Shell là đất nước Nhật Bản thế kỷ XXI, nơi con người có thể thay thế cơ thể bằng chi giả, mô cấy điều khiển học và não nhân tạo, giúp họ sở hữu khả năng kết nối với một mạng lưới kỹ thuật số trải rộng khắp thành phố. Tuy nhiên, họ lại buộc phải hết sức cảnh giác trước các hacker có ý định thao túng nhân loại qua hệ thống này. Còn ở The Matrix, con người kết nối với Ma Trận - thế giới được tạo ra để xoa dịu tiềm thức nhân loại bởi những cỗ máy trí tuệ. Chúng thậm chí còn lấy chính con người để sản sinh năng lượng. Giữa hai bộ phim bắt đầu có điểm tương đồng khi Neo và những người bạn cố gắng thoát khỏi hiện thực sai trái, dẫn tới những mâu thuẫn giống như trong Ghost in the Shell.
The Lion King (1994) và Kimba the White Lion (1965)
Ngoài tên nhân vật na ná nhau, hai bộ phim hoạt hình đình đám có rất nhiều điểm tương đồng nếu như khán giả chịu khó để ý. Cả hai đều xoay quanh đứa con của một chú sư tử hùng mạnh, thống trị cộng đồng động vật sống ở nơi hoang dã với niềm kiêu hãnh, khát khao hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, cũng như hy vọng điều đó sẽ kéo dài đến đời con cháu.
Nhưng biến cố xảy ra buộc cả hai chú sư tử con đều phải trốn khỏi quê hương, chờ ngày trở lại và lấy lại những gì đáng lẽ thuộc về bản thân. Trong khi Kimba được cưu mang và chăm sóc bởi con người thì Simba thoát nạn nhờ hai người bạn là chồn Timon và lợn rừng Pumbaa.
Hãng Tezuka Productions từng chia sẻ rằng họ không muốn đưa The Lion King và Disney ra tòa bởi đối thủ là một tập đoàn lớn và phía Nhật Bản khó lòng có thể giành phần thắng. Tới nay, Disney vẫn một mực phủ nhận chuyện Kimba the White Lion là nguồn cảm hứng để họ thực hiện nên siêu phẩm Vua sư tử.