Vụ "chết yểu" của "Sống cùng lịch sử"
Điện ảnh Việt 2014 là một năm khá thăng trầm với nhiều sự kiện khiến dư luận phải dậy sóng. Bộ phim gắn mác 18+ "Căn hộ số 69" tạo nên bão dư luận với nhiều ý kiến trong việc kiểm duyệt, phát hành phim tại Việt Nam kéo dài trong nhiều tháng liền và mới tạm thời lắng xuống. Mới đây, khán giả Việt và có lẽ, ngay cả những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh đều phải tự đặt câu hỏi về bộ phim "Sống cùng lịch sử" (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, biên kịch Đoàn Tuấn) không có bóng dáng khán giả vào rạp xem phim.
"Sống cùng lịch sử" do Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có kinh phí xấp xỉ 1 triệu USD (21 tỷ đồng). Đây là một trong những phim có khoản đầu tư "khủng" từ trước đến nay và được cấp hoàn toàn bằng kinh phí nhà nước.
Bộ phim bất ngờ ra rạp và "chết tức tưởi" khi có rất ít khán giả theo dõi. Tại rạp chiếu phim Quốc Gia và rạp Kim Đồng, tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân sống khá “lay lắt” khi số lượng khán giả đến xem rất nhỏ bé so với những bộ phim Việt của tư nhân ra rạp cùng thời điểm như “Mất Xác” hay “Scandal: Hào quang trở lại”. Trước khi “Sống cùng lịch sử” ra rạp khán giả hoàn toàn “mù tịt” về thông tin nhưng khi phim có số lượng người xem quá ít, nó lại được chú ý bởi chi phí đầu tư khủng nhưng lèo tèo khán giả ra rạp.
Bi kịch của những bộ phim tiền tỷ
Không chỉ có riêng bộ phim "Sống cùng lịch sử", khán giả Việt cũng từng “quay lưng” với bộ phim truyền hình "Thái sư Trần Thủ Độ" nhân dịp mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tác phẩm cổ trang "tồn kho" trong vòng 3 năm này cuối cùng cũng được phát sóng trên truyền hình. Dù chọn đúng thời điểm "giờ vàng" và phát trên kênh VTV1 của đài Quốc Gia nhưng vẫn không thể đạt được hiệu quả phát sóng.
Bộ phim lấy đề tài lịch sử, được đầu tư công phu và bài bản nhưng lại không tạo được sức sống trên sóng truyền hình. “Thái sư Trần Thủ Độ” được nhà nước đầu tư với số tiền kỷ lục 57 tỷ đồng dường như chưa thể đáp ứng được sự kì vọng và mong đợi của khán giả. Dù được quảng bá khá rầm rộ, gây chú ý với nhiều giải thưởng phim Quốc Gia (giải Cánh diều vàng, Đạo diễn xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất tại giải Cánh diều 2012). Đến thời điểm hiện tại, khán giả gần như đã không còn lưu dấu được nhiều thông tin về bộ phim này.
Bên cạnh đó, "Huyền sử Thiên Đô" dự kiến sản xuất hơn 70 tập nhưng chỉ phát sóng được 20 tập trong 42 tập đã sản xuất. Bộ phim này có kinh phí hơn 60 tỷ đồng sau khi vấp phải sự lên án gay gắt của báo chí đã chiếu hết 42 tập nhưng cuối cùng vẫn bỏ ngỏ 30 tập phim phía sau chưa sản xuất.
Chưa hết, "Lý Công Uẩn - Đường tới Thành Thăng Long" bị khán giả quay lưng và phản ứng trái chiều ngay khi trailer của bộ phim được phát hành trên mạng internet. Dù được đầu tư tới 109 tỷ, đoàn làm phim lặn lội sang tận Trung Quốc thực hiện nhưng vẫn không thể làm hài lòng khán giả. Từ nội dung, phục trang, đạo cụ đến cách dẫn truyện đều không thể khiến khán giả hài lòng.
Một nghịch lý khác
Trong khi hàng loạt bộ phim từ kinh phí nhà nước ra mắt khán giả kém thành công và bị chính khán giả quay lưng thì ở phía đối diện, một sản phẩm tư nhân có kinh phí tiến tỷ khác lại không có cơ hội đến với khán giả. "Bụi đời chợ lớn" với dự tham gia của loạt diễn viên Johnny Trí Nguyễn, Hoàng Phúc, Hà Hiền, Long Điền dự kiến ra mắt vào giữa tháng 4 năm 2013 đã không thể đến với khán giả. Ngày 7 tháng 6 năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định cấm lưu hành bộ phim này vì vi phạm Luật điện ảnh Việt Nam.
"Bụi đời chợ lớn" là tâm huyết của Charlie Nguyễn cùng nguồn kinh phí 16 tỷ đồng bị cấm chiếu và rò rỉ phiên bản chưa hoàn chỉnh của bộ phim lên mạng internet. Khán giả đã từng rất hào hứng trước bộ phim, tạo nên những luồng dư luận trái chiều trước và ngay khi thông tin bộ phim bị cấm chiếu.
Với dàn diễn viên nổi tiếng, các yếu tố truyền thông, quảng bá bài bản, “Bụi đời chợ lớn” có thể là một trong những bộ phim hút khán giả khi ra rạp. Tuy nhiên, bộ phim gặp phải trợ ngại bởi vấn đề bạo lực quá mức không thực sự phù hợp với khán giả Việt.
Vì sao khán giả quay lưng?
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao khán giả lại quay lưng với chính những bộ phim Việt. Đặc biệt, những bộ phim này đều có nguồn kinh phí lớn, khai thác những đề tài hiếm của cả điện ảnh và truyền hình tại Việt Nam.
Nói về loạt phim kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, nhiều khán giả cho rằng tạo hình, đạo cụ, cốt truyện đều "có vấn đề" và chưa làm nổi bật được hồn cốt của người Việt. Bên cạnh đó, tâm lý ngại xem phim nội của khán giả Việt là có thực. Tuy nhiên, việc những bộ phim "chết yểu" không thể đổ lỗi cho khán giả bởi tất cả những yếu tố xương sống tạo nên bộ phim hoặc quảng bá cho phim gần như bỏ ngỏ.
Trong khi đó, phim kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lại quá yêu trong khâu quảng bá. PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: "thiếu thông tin thì người ta không thể phiêu lưu mà đi xem phim và với thông tin phim ra rạp không bán nổi một vé thì tìm xem làm gì!".
Dù nội dung của 2 phim Việt ra mắt trong thời gian qua là “Mất xác” và “Scandal: Hào quang trở lại” đều không quá nổi bật nhưng với lợi ích sát sườn, nhà sản xuất đã dùng nhiều yếu tố truyền thông, quảng bá, thậm chí là “chiêu trò” để thu hút khán giả. Đây cũng là 2 phim Việt khá thành công khi công chiếu, trong khi đó “Sống cùng lịch sử” lại thất bại hoàn toàn khi mang phim ra rạp.