PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Cánh diều Vàng 2012: Giải thưởng có yếu tố “khuyến mại”?

Thứ tư, 21/03/2012 09:31

Cánh diều Vàng 2012 tiếp tục khiến khán giả “té ghế” và ngao ngán bởi những bộ phim tranh giải kém chất lượng cộng với tiêu chí trao giải “không giống ai” của ban giám khảo.

Phim tư nhân “lấn át” nhưng khó “đè” nhà nước

Cánh diều Vàng 2012 có 12 phim dự thi, trong đó phim tư nhân chiếm ưu thế thượng phong với 10 phim. Đây là điều đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam vì đã biết… tự thân vận động. Tuy nhiên, những bộ phim tư nhân đáng chú ý nhất như Mùi cỏ cháy, Tâm hồn mẹ, Hot boy nổi loạn đều có chất lượng kém bởi nhắm quá nhiều đến doanh thu, nội dung câu khách, giật gân như hài, cảnh nóng, đồng tính…. Chính vì vậy, phim tư nhân khó được ghi danh tại những giải thưởng lớn như Cánh diều Vàng.

Hình ảnh trong phim Mùi cỏ cháy

Với “truyền thống” trên, “Mùi cỏ cháy” (phim chưa chính thức phát hành, trong khuôn khổ Cánh diều vàng 2011 có hai suất chiếu miễn phí tại Hà Nội) đã giành được những giải thưởng quan trọng như: Cánh diều Vàng cho phim và 3 giải thưởng cá nhân là: giải Biên kịch xuất sắc nhất (nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm), Quay phim xuất sắc nhất (NSƯT Phạm Thanh Hà) và Âm nhạc xuất sắc nhất (Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân).

“Long ruồi” ngoạn mục đánh bại “Hot boy nổi loạn”

Trái với dự đoán của nhiều người rằng “Hot boy nổi loạn” sẽ giành được giải thưởng cao bởi tại LHP Việt Nam lần 17, “Mùi cỏ cháy” được trao đồng hạng Bông Sen bạc cùng với “Hot boy nổi loạn”. Tuy nhiên lần này, “Hot boy nổi loạn” chỉ giành một giải khiêm tốn là bằng khen của Hội và giải Báo chí bình chọn. Thay vào đó, BGK đã trao giải Bạc cho “Long ruồi” (đạo diễn Charlie Nguyễn) và giành thêm hai giải cá nhân quan trọng như: Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Thái Hoà) và Nữ diễn viên phụ xuất sắc (Tina Tình).

Một cảnh phim Hotboy nổi loạn

Cú cổ súy cho nhà làm phim Việt

Bộ phim “Sài Gòn Yo”, một phim im thin thít và lặn mất tăm ngoài phòng vé cũng được ưu ái đáng kể khi nhận được Cánh diều bạc cho phim xuất sắc nhất và Cánh diều vàng cho vai nữ chính xuất sắc nhất, thuộc về diễn viên Quỳnh Hoa.

Sự lên ngôi của “Sài Gòn Yo” và “Long ruồi” được xem như là một cú cổ súy cho các nhà làm phim Việt, cứ thị trường mà làm. Đại thắng phòng vé thì dù có là thảm họa cũng đáng được vinh danh.

Giải thưởng mang yếu tố “khuyến mại”?

“Hot boy nổi loạn” tụt hạng, nhưng “hot girl” Elly Trần với vai diễn trong bộ phim truyền hình “Khát vọng thượng lưu” lại bất ngờ được vinh danh với giải Nữ diễn viên chính xuất sắc. Với giải thưởng này, nhiều người cho rằng có lẽ Ban giám khảo đã đề cao nhân tố mới, muốn khích lệ cho một diễn viên trẻ như Elly Trần, hơn là đánh giá bằng thực lực. Nếu trao bằng khen, hay khuyến khích bằng giải “Nữ diễn viên trẻ triển vọng” sẽ hợp lý hơn cho Elly Trần, để người được giải không bị mang tiếng là giải có yếu tố “khuyến mại”?

Vẫn biết là nên trao cơ hội cho nhân tố mới, nhưng e lần này ban giám khảo đã hơi lệch lạc, bởi nghề của cô không phải là nghề diễn, nghề của cô là nghề “cởi” trong các bộ ảnh thiếu vải thừa da thịt trên các báo.

“Hot girl” Elly Trần 

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, trưởng BGK Phim truyện truyền hình cho biết ông không bỏ phiếu cho Elly Trần mà chọn Lan Phương là Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Tuy nhiên, kết quả phải dựa trên số phiếu bầu nên khi cộng điểm Elly Trần lại về nhất.

Vẫn nhếch nhác, luộm thuộm

Chuyện luộm thuộm tại giải Cánh diều hầu như năm nào cũng lặp lại: MC đọc sai tên nghệ sĩ, màn hình Led chiếu nhầm hoặc thiếu tên phim, tên nghệ sĩ.

Kịch bản đêm trao giải nhàm chán. Chỉ có đọc đề cử, lên nhận giải, và thậm chí nhiều cá nhân đoạt giải cũng chẳng buồn phát biểu. Cầm giải thưởng xong đi thẳng về chỗ ngồi khiến cho khách mời trao giải tẽn tò trên sân khấu.

Các tiết mục ca múa nhạc trong đêm trao giải cũng khiến người ta ngán. Hai bài hát trong phim Hotboy nổi loạn và Bí mật eva được Minh Thư và Ngọc Anh thể hiện trên sân khấu không hút khách.

Điện ảnh Việt Nam vẫn đang giậm chân tại chỗ

Có một điều dễ nhận thấy là lượng phim sản xuất mỗi năm ngày càng tăng lên. Các bộ phim chưa kịp ra rạp đã được các nhà sản xuất đại tài thổi phồng chất lượng bằng những chiêu PR thượng hạng cứ như đó là đại siêu phẩm mới xuất hiện. Tuy nhiên, khi đến rạp thì khán giả nhanh chóng vỡ mộng, bởi phim hay thì ít, phim dở thì nhiều và có quá ít bộ phim được như lời quảng cáo. Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, phó tổng biên tập tạp chí Thế giới điện ảnh thẳng thắn nhận xét rằng: "Suốt thập niên qua, điện ảnh Việt Nam vẫn đang giậm chân tại chỗ".

 

Người Đưa Tin