* Thưa chị, dư luận cho rằng cảnh nhân vật Phúc "liếm ngực" bạn gái trong tập phim Hoa nắng vừa phát sóng là cực kỳ phản cảm, phản giáo dục. Chị nghĩ sao về điều này?
- Phúc trong phim ban đầu là một thanh niên hư, sống bất cần đời do phản ứng chuyện ly hôn của bố mẹ. Cảnh nhậu nhẹt ở tập 2 là lúc bố mẹ Phúc vừa ra tòa ly hôn, Phúc chán đời phá phách. Việc liếm rượu có hai phần nhỏ, phần 1 là vô tình, phần 2 là cố tình để quay phim lại post lên mạng. Hiện nay, chuyện tung ảnh nóng, clip sex, chát “khoe hàng” của một bộ phận giới trẻ đang phát triển và gặp nhiều hệ lụy xấu. Nhà làm phim muốn lên án chuyện này, nên cảnh đó được “cài mở” để sau này, Phúc và nhóm bạn phải trả giá, ân hận trước hành động của mình. Đạo diễn khi xử lý cảnh này, có băn khoăn giữa việc để ôm hôn hay liếm rượu và quyết định để liếm rượu.
* Là thành viên của Hội đồng duyệt phim của Đài Truyền hình VN, chị có từng băn khoăn khi duyệt cảnh này không?
- Tôi và các thành viên duyệt phim có băn khoăn khi duyệt cảnh này nhưng vì nó phản ánh sự băng hoại đạo đức của một số bạn trẻ đã đi quá xa và bị trả giá bởi chính những hành động đó. Phim dài 36 tập, chuyện của Phúc ở tập 2 là cách vào đề giới thiệu về nhóm Phúc trước lúc thành người tử tế. Cảnh này dài hơn 30 giây, nếu làm khéo hơn là cắt thành từng hình ngắn, sử dụng kỹ xảo chắc khán giả dễ chấp nhận hơn, mà nội dung vẫn giữ được. Chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét vấn đề này để xử lý những phim sau, nếu có những cảnh nhạy cảm.
Chuyện phim tiếp theo chủ yếu xoay quanh 5 nhân vật trẻ với từng số phận riêng, với nhiều biến cố và các bạn sống rất nhân bản, kể cả Phúc và tính hai mặt tốt – xấu của thế giới mạng.
* Các tập tiếp theo của Hoa nắng có bị duyệt lại hoặc cắt những cảnh nhạy cảm hay không?
- Những tập tiếp theo không còn cảnh nhạy cảm như vậy.
* Ở thời điểm hiện tại, sự phản ứng của khán giả cũng là điều dễ hiểu. Nhưng theo chị, khán giả có nên "thoáng" hơn để nghệ sĩ được... tự do sáng tạo?
- Tôi nghĩ khán giả nên chia sẻ và đồng hành cùng nghệ sĩ ở những bộ phim dài tập. Đôi khi, vì yêu quý nghệ sĩ, yêu quý phim truyền hình nên khán giả bộc lộ nhiều tâm trạng, ý kiến khác nhau. Ngoài những lời lẽ nặng nề, mang tính suy diễn, quy chụp thì những góp ý mang tính xây dựng luôn cần thiết và đáng trân trọng với nghệ sĩ và cũng là những góp ý để phát huy những cái hay, giảm thiểu những cái dở cho những phim sau.
* Theo ý kiến của chị, những cảnh "cởi mở" trên phim truyền hình chỉ nên "mở" đến đâu?
- Riêng chuyện “cởi mở” trong phim, đúng là khán giả có thể xem những bộ phim nước ngoài người ta hôn nhau, sống đời sống vợ chồng, trang phục thoáng mát… nhưng với phim Việt thì càng hạn chế càng tốt nếu không vì cảnh đó cần phục vụ cho nội dung và số phận nhân vật.
- Bộ phim là công trình của tập thể. Tôi thấy những thành phần chính của phim vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại của phim. Kịch bản, biên tập, đạo diễn, quay phim, diễn viên… Riêng với mảng phim xã hội hóa thì vai trò của nhà sản xuất rất quan trọng. Họ, ngoài chuyện biết thẩm định kịch bản, biết chỉ ra những cái hay, dở của kịch bản (biên tập) và chọn thành phần đoàn, sau đấy là giám sát cho tới cuối cùng. Rất tiếc là hiện nay nhiều hãng phim, giám đốc chỉ giỏi kinh doanh và đam mê sản xuất phim nhưng không nắm quy trình sản xuất phim, không nắm được nội dung kịch bản, không giám sát đoàn, không duyệt phim bản dựng nháp hay duyệt thành phẩm, nên đã có những phim thảm họa.
Đúng là để sản xuất một bộ phim, tiền vốn đầu tư vài tỷ đồng rất cần, nhưng một việc cần khác không kém là cần người có chuyên môn trong các thành phần của phim, và họ sẽ vẽ nên hình hài, thổi hồn cho bộ phim đó. Liên tưởng ra thực tế, tại sao với hai hãng phim là VFC của Đài THVN và TFS của Đài Truyền hình TP.HCM không có phim “thảm họa”, chỉ có phim trên trung bình, khá và hay? Còn với các hãng tư nhân thì có phim chất lượng trung bình, khá, hay và cực kỳ tệ. Những phim cực kỳ tệ đều do hãng đấy không ai có chuyên môn làm phim, ngoài việc họ chỉ là nhà đầu tư và mất kiểm soát trong quá trình sản xuất ra một bộ phim.
* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!