Xem phim dở sao không được phẫn nộ?
Bộ phim Nàng men chàng bóng, phim Việt ra rạp duy nhất vào dịp Quốc khánh năm nay, vừa chiếu xong suất ra mắt báo chí, hôm sau trên khắp các mặt báo đã bị phong “đại thảm hoạ phim Việt”. Cảm nhận chung sau khi xem Nàng men chàng bóng là tiếng cười dễ dãi và sự phi thực tế trong cách đưa ra câu chuyện phim.
Toàn bộ chuyện phim là một sự chắp ghép những màn hài kịch nhạt nhẽo, lố lăng theo phong cách “cù lét”, “hài nhảm”. Chính vì thế, ngay lập tức khi ra rạp phim đã bị “ném đá dữ dội” từ báo chí đến cộng đồng yêu điện ảnh trên các diễn đàn.
Uất ức và bức xúc, đó là cảm giác của cha đẻ bộ phim, đạo diễn Võ Tấn Bình. Anh này phản ứng: “Tôi không hiểu sao một nhóm người nào đó lại viết bài đầy hận thù, ác ý. Họ mạt sát và xúc phạm nặng nề đến danh dự của những người làm phim. Việc lạm dụng sự tự do ngôn luận để phỉ báng người khác là điều không thể chấp nhận”.
Ô hay, chẳng lẽ người xem không có quyền chê?
Đạo diễn tỏ thái độ khi phim của mình bị dư luận “ném đá” là câu chuyện thường trực trong làng điện ảnh Việt. Xa xưa còn có chuyện “ai cho mày chê con tao xấu” nổi tiếng một thời khi nhà thơ Phan Thị Vàng Anh chê phim Vua bãi rác. Ngay lập tức, đạo diễn phim này, Đỗ Minh Tuấn đã viết một bài chê lại bài viết của người chê phim mình dở khiến câu chuyện càng trở nên nực cười.
Gần hơn là chuyện của Lê Hoàng, vị đạo diễn có tiếng là đanh đá trong làng điện ảnh Việt. Sau rất nhiều năm vắng bóng, ông trở lại với dự án phim Tối nay 8 giờ. Quảng cáo hoành tráng, không hoành tráng sao được khi nghề của Lê Hoàng là nghề nói ăn tiền.
Nhưng khi ra rạp, hiệu ứng ngược lại. Tối nay 8 giờ bị báo chí và những khán giả hâm mộ điện ảnh “ném đá tơi bời”. Lê Hoàng phản ứng lại theo cách dùng ngoa ngôn rất đặc trưng của mình: “Phim tôi làm có cái cao, cái thấp, cái hay, cái dở nhưng chưa có phim nào ngu”.
Phát biểu này làm bàng hoàng, rối trí bất cứ ai đã từng xem Tối nay 8 giờ của Lê Hoàng. Nói thế chẳng khác nào bảo những ai chê phim của ông “ngu”?!Cùng thế hệ, cùng lớp, nhưng nổi tiếng sớm hơn Võ Tấn Bình là Vũ Ngọc Đãng. Vị đạo diễn một thời từng là hiện tượng điện ảnh này cũng có cách đón nhận lời phê bình với tác phẩm của mình không mấy ung dung. Khi bộ phim Đẹp từng centimet ra rạp bị ăn “gạch đá” Vũ Ngọc Đãng bức xúc:
“Theo tôi nghĩ, nếu một phim chiếu ra mà dở lắm thì cũng không nên “đánh” liền, phải chờ cho phim chiếu được vài tuần đã. Còn bị “đánh” ồ ạt ngay khi phim chưa vào rạp như thế này thì tôi không hiểu. Tâm lý thông thường, không ai coi phim dở mà phẫn nộ, dở thì chê thôi, chứ sao lại phẫn nộ về đạo diễn Vũ Ngọc Đãng? Tôi thấy phản ứng đó không bình thường”.
Câu hỏi của Vũ Ngọc Đãng đặt ra có lẽ chỉ lúc bấy giờ là không trả lời được. Nhưng đến giờ anh và tất cả những khán giả yêu điện ảnh nước nhà đều có thể trả lời được. Không có gì lạ khi xem phim dở mà phẫn nỗ.
Các đạo diễn đang tự phỉ báng mình
Trong mấy năm gần đây cụm từ “thảm họa điện ảnh” xuất hiện và được dùng khá phổ biến. Không có gì là khó hiểu khi mặt bằng chung của trình độ tri thức thưởng thức của khán giả yêu điện ảnh nước nhà còn khá thấp. Việc các hãng phim liên tục cho ra lò những “thảm hoạ điện ảnh” đi đôi với việc ra sức câu kéo người xem tại phòng vé của họ.
Không thể đánh mạnh vào các phim hành động, cổ trang bom tấn. Vì chúng ngốn tiền đầu tư mà lãi suất thu về không đủ bù chi. Các hãng phim và đạo diễn còn độc nhất mảnh đất phim hài để câu khán giả.Nhưng hãi hùng thay là tiếng cười ngày càng trở nên dễ dãi. Và cũng từ đó mà hàng loạt “thảm hoạ điện ảnh” ra đời như: Chuông reo là bắn, Lệnh xóa sổ, Hello cô Ba, Tối nay 8 giờ và mới nhất là “đại thảm hoạ điện ảnh Việt” Nàng men chàng bóng.
Trong tình cảnh èo uột của điện ảnh nước nhà khi mỗi năm số phim ra rạp chỉ đếm trên đầu ngón tay thì làm phim “thảm hoạ” là một tội ác, là tự phỉ báng mình. Bởi không phải ai cũng có cơ hội làm phim khi mà phim ảnh trở thành một thứ đầu tư đắt đỏ.
Chính vì thế, bất cứ ai nắm được cơ hội làm phim, thiết nghĩ nên làm ra một thứ tử tế để khán giả không ngày càng mất niềm tin vào điện ảnh nước nhà. Nhưng vì rất nhiều lý do, trong đó không loại trừ lý do chủ quan từ chính bản thân các đạo diễn, hàng năm những “thảm hoạ điện ảnh” vẫn nối nhau ra rạp. Người thì bảo đó là gu của hãng sản xuất, kẻ thì đổ thừa cho khán giả và báo chí ác mồm khi không hiểu được những ý tưởng cao siêu của mình.
Cứ trông vào sự phản ứng của các đạo diễn trước những lời phê bình mà “đứa con tinh thần” của mình nhận được, cũng như trông vào cái tâm làm nghề của không ít đạo diễn có tên, có tuổi được nhận giao làm phim ra rạp mỗi mùa gần đây sẽ thấy tương lai ảm đạm của nền phim ảnh nước nhà ngay từ ngày hôm nay.