Đường Tăng trong truyện và trên phim
Đường Tăng hay Đường Huyền Trang, một nhân vật có thực trong lịch sử, sống vào đời vua Đường Thái Tông, Trung Quốc. Ông đã không quản đường sá xa xôi muôn dặm, một thân một mình hoàn thành kỳ tích sang Ấn Độ lấy chân kinh về dịch và phổ biến cho Phật tử Trung Quốc. Một nhân vật thực sự vĩ đại, có ý chí sắt đá kiên cường trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa. Tuy nhiên, nhân vật Đường Tăng trong “Tây Du Ký” với nhiều khán giả lại là một con người yếu ớt, có phần nhu nhược, không biết phân biệt thị phi, người và yêu tinh, hay than vãn và chỉ biết niệm chú kim cô để trừng phạt Tôn Ngộ Không. Đó cũng là lý do vì sao mà trẻ em khi xem phim lại thường không thích nhân vật Đường Tăng.
Trước khi tiến hành khởi quay, Dương Khiết từng có nhã ý mời ông Triệu Phác Sơ – một nhà yêu nước, nhà thư pháp gia, am hiểu Phật giáo viết cho vài lời đề tựa mở đầu cho phim “Tây Du Ký” thế nhưng đã bị ông chối từ khéo. Triệu Phác Sơ cho rằng “Tây Du Ký” đã bóp méo hình tượng Đường Tăng, nên giới Phật giáo đều không công nhận truyện “Tây Du Ký”. Bản thân họ Triệu cũng không thể vì đạo diễn Dương mà viết lời đề tựa cho phim của bà. Ngoài ra, Triệu Phác Sơ cũng hy vọng bộ phim của Dương Khiết sẽ tập trung khai thác bình diện con người của Đường Tăng chứ không nên hư cấu hóa và làm xấu hình tượng Đường Huyền Trang.
Trên thực thế, Dương Khiết cũng có những quan điểm tương tự như suy nghĩ của ông Triệu, bởi nếu không có hành động đi lấy kinh của Đường Tăng thì ắt chẳng có câu chuyện thần thoại “Tây Du Ký”cho ngày nay. Bên cạnh ông còn có ba đồ đệ thần thông quảng đại phò trợ, vì vậy không thể trách một người trần mắt thịt, lấy từ bi làm cốt lõi thường xảy ra mâu thuẫn với nhân vật Tôn Ngộ Không có đôi mắt vàng lợi hại có thể nhận biết đâu là yêu quái. Trong phim, nhân vật Đường Tăng đã được tô đậm về ý chí để người xem có thể dễ dàng chấp nhận cũng như đồng tình. Hơn nữa, Đường Tăng là hóa kiếp của Kim Thiền Tử nên ắt phải có tướng mạo khôi ngô tuấn tú, thái độ cử chỉ thư sinh nho nhã và phóng khoáng, khiến cho những bầy nữ yêu thường dấy lên dục vọng muốn chiếm được Đường Tăng, trong khi lũ yêu nam giới lại muốn được ăn thịt mong trường sinh bất lão. Uông Việt với Đường Tăng lần thứ nhất Đường Tăng là người trần, vì vậy không thể dùng kỹ thuật của nghệ thuật sân khấu hay kịch mà phải tìm đến những lớp diễn viên của các viện hí kịch hay viện điện ảnh. Khi Dương Khiết tìm đến những ngôi trường này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các cán bộ giảng dạy, những bức ảnh của các học sinh từng tốt nghiệp được giới thiệu cho Dương Khiết. Một người trong số đó khiến bà thấy tâm đắc là Uông Việt. Uông Việt ngoài những yêu cầu khác thì ngoại hình rất phù hợp và đạo diễn Dương hài lòng. Việc nhập vai Đường Tăng không phải là quá khó, chỉ cần diễn viên có tinh thần học hỏi thêm là đủ. Cuộc sống của các hòa thượng thì không mấy ai là không biết đến, vì vậy yêu cầu đối với Uông Việt là phải làm sao diễn cho thật giống một vị hòa thượng cũng như hiểu thêm về những quy tắc hay lễ nghi trong Phật giáo.
Dương Khiết sau đó đã đưa Uông Việt đến chùa Pháp Nguyên ở Bắc Kinh để quan sát cũng như trải nghiệm cuộc sống của một hòa thượng ở đây. Yêu cầu đặt ra cho diễn viên này là cùng ăn, cùng ngủ với các hòa thượng trong chùa, học tập những lễ nghi và kiến thức về Phật giáo rồi sau đó trở về đoàn truyền đạt lại cho mọi người. Ngay từ khi mới bắt đầu tham gia, Uông Việt đã tỏ ra chuyên cần và chăm chỉ hết sức, thậm chí còn cạo đầu như hòa thượng, ngày ngày mặc bộ trang phục của Đường Tăng mà đoàn phát cho. Có lần, Dương Khiết cùng Uông Việt tới rạp Công nhân xem kịch, nam diễn viên này vẫn không chịu thay trang phục của Đường Tăng mà cứ để vậy đi lại trên phố. Tất nhiên hàng ngàn con mắt người qua lại đều đổ dồn về phía Uông Việt và cảm thấy kỳ quặc. Vẻ mặt của Uông Việt khi đó khá đắc ý và tự hào. Thời gian sống ở trong chùa, Uông Việt kể lại chuyện khi ông thực hành một buổi lễ cùng các vị hòa thượng, trong trang phục của Đường Tăng, các vị hòa thượng đều tỏ ra cung kính và đáp lễ trịnh trọng với Uông Việt và coi ông như hiện thân của Đường Tăng vậy.
Trước đó, đạo diễn Dương từng hỏi ông Triệu Phác Sơ về hình tượng những ô vuông trên áo cà sa cũng như ý nghĩa của trang phục này thì được biết đó như một biểu tượng về địa vị cao hay thấp, địa vị càng cao thì những ô vuông trên áo cà sa càng nhiều: “Vậy hình ô vuông trên áo cà sa của Đường Tăng phải bao nhiêu mới đủ?”, Dương Khiết hỏi. “Càng nhiều càng tốt, bởi những cống hiến của ông dành cho Phật giáo là không gì có thể so sánh được”, Triệu Phác Sơ khẳng định. Và đó cũng chính là lý do vì sao mà Uông mặc trang phục áo cà sa của Đường Tăng khi xuất hiện tại chùa Pháp Nguyên lại nhận được sự tôn kính của các hòa thượng đến như vậy. Thế nhưng, một điều nằm ngoài dự kiến của Dương Khiết cũng như đoàn phim là chỉ sau 10 ngày, Uông Việt đã “bỏ của chạy lấy người” khi không dám trụ lại trong chùa. Việc này thực sự làm phó đạo diễn Chu Tiểu Phong vô cùng bất mãn và mắng nhiếc Uông Việt thậm tệ không khác đối với một kẻ đào ngũ. Còn đạo diễn Dương Khiết thì cười ngặt nghẽo khi phân minh cho Uông Việt: “Được rồi, dù sao cũng đã học được kha khá những điều cần thiết rồi, bỏ cũng được, sau này có cơ hội thì quay lại bổ túc sau vậy!”. Uông Việt cũng cho Dương Khiết xem bức ảnh ông chụp chung với một vị hoàng thượng ở chùa Pháp Nguyên, phía sau bức hình là lời đề tặng của vị hòa thượng nọ với câu cách ngôn: “Vụ thực – Ngôn hành tương ứng, bất hoài tự đại. Hữu hằng – Hữu sở vi tác, nhi bất trung xả” (Phải thiết thực – lời nói đi đôi với hành động, không tự kiêu tự đại. Bền chí – việc gì cũng làm được). Dương Khiết xem rồi dặn Uông Việt học theo câu cách ngôn mà vị hòa thượng trên căn dặn: “Hy vọng cậu nói được làm được chứ không nên giữa đường lại bỏ. Cậu phải ghi nhớ điều đó!”.
Trong đoàn phim, Uông Việt đã tỏ ra chuyên cần và chịu khó. Sau khi trở lại đoàn, Uông Việt cảm thấy chiếc mũ đội đầu của Đường Tăng không đúng với thực tế những gì ông được biết khi ở trong chùa, nhìn cũng không được đẹp nên đã tự làm nên chiếc mũ phật 5 cánh như khán giả vẫn thấy Đường Tăng đội trong phim. Vì vậy, chiếc mũ của vị sự phụ trong “Tây Du Ký” được sử dụng suốt trong quá trình quay chính là do chính Uông Việt tự tay vẽ và thiết kế lấy. Thế nhưng, khi Uông Việt quay thử tập “Trừ yêu ở nước Ô Kê” thì hình tượng Đường Tăng của ông lại diễn không tới. Sau khi xem thử, rất nhiều người trong đoàn bao gồm các vị lãnh đạo cấp cao đều cho rằng phải thay người khác với lý do tướng mạo của Uông Việt có vẻ khắc khổ và không đủ vẻ phóng khoáng của Đường Tăng. Cá nhân Dương Khiết lại cho rằng đó mới chỉ là tập đóng thử nên các diễn viên vẫn chưa có được cảm giác cần để diễn, điều này không chỉ có ở mình Uông Việt, vì vậy cần cho diễn viên này thêm một cơ hội khác. Dương Khiết nhận xét, bản thân Uông Việt là một sinh viên còn trẻ và mới ra trường, không nên để thui chột và triệt tiêu mà cần thời gian cho Uông Việt thử sức.
Về sau, khi quan sát Uông Việt vào vai Đường Tăng trong các tập “Họa khởi Quan Âm viện”, “Ăn trộm quả nhân sâm” và “Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh” đều khá thuần thục và tự tin, đặc biệt là phần kết trong tập "Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh", rất nhiều khán giả quay sang... ghét sư phụ. Thế nhưng đôi mắt của Uông Việt với ánh nhìn xa xăm khi nhìn Ngộ Không bay đi ngày một xa lại ánh lên vẻ đau xót và bất lực, lối diễn đã đạt đến cao trào và thực sự thành công của Uông Việt. Thế nhưng, sau khi đóng xong tập "Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”, Uông Việt đã đưa ra một đề nghị khiến Dương Khiết vừa sốc lại vừa tức giận. Đó là có một đoàn phim muốn mời ông tham gia đóng vai chính trong một bộ phim điện ảnh và bản thân ông cũng rất muốn được tham gia. Dương Khiết liền hỏi:"Cậu bỏ vai Đường Tăng sao?", Uông Việt quanh co: "Tôi chỉ muốn tận dụng thời gian trống chưa có vai nên mới tham gia". Dương Khiết ngay lập tức quả quyết: "Việc này không thể được! Nếu cậu coi trọng phim điện ảnh hơn thì cậu cứ đi đi! Chúng tôi ở đây không phải như miếng vá cho cậu, lúc trống thì tới, khi có phim điện ảnh thì đi được".
Khi đó Uông Việt thực sự đã đắn đo và do dự, nhưng cuối cùng vẫn rời bỏ đoàn phim "Tây Du Ký"mà đi. Dương Khiết có lẽ cũng không ngờ, lần "bỏ của chạy lấy người" đầu tiên khi Uông Việt rời chùa Pháp Nguyên lại "vận" vào đoàn phim của mình. Khi đi, trong mắt của Uông Việt đã ngân ngấn lệ, Dương Khiết cũng hiểu trong lòng nam diễn viên này thực sự bối rối. Trong lòng đạo diễn Dương cũng tặc lưỡi và nghĩ: "Cậu ấy không kham nổi yêu cầu của phim thì đành phải giữa đường đứt gánh vậy!". Sau đó, Dương Khiết lại tiếp tục phải tìm Đường Tăng khác cho đoàn. Cũng trong thời gian đó, việc tìm diễn viên đóng vai Tiểu Bạch Long cũng đã được lên kế hoạch tuyển chọn.