Cho đến khi được chiếu trên VTV4 vào 24/12 vừa qua và sau đó được giới thiệu rộng rãi trên youtube, bộ phim gần như hoàn toàn chinh phục khán giả. Bản đầy đủ của phim này (dài 6 phút 30 giây), chỉ sau hai ngày đã thu hút một lượng truy cập khổng lồ với hàng ngàn bình luận đầy ủng hộ và tự hào về một sản phẩm “made in Vietnam” không thua gì nước ngoài. Thực tế, công nghệ hoạt hình 3D của Cô bé bán diêm này không phải là điều quá mới mẻ. Năm 2003, Demo hoạt hình Vovinam với công nghệ 3D dài hơn 5 phút đã được Phamthuynhan Productions giới thiệu với kỹ thuật 3D ấn tượng không kém, so với thời điểm cách đây 8 năm, nhưng để tạo được một phim hoạt hình ngắn đầy bất ngờ như Cô bé bán diêm thì đây có lẽ là lần đầu tiên. Bởi, đây không phải là câu chuyện của công nghệ, mà nó còn là câu chuyện của góc quay, của bối cảnh, của tình tiết... rất điện ảnh. Vẫn là câu chuyện cổ tích gây xúc động mạnh của Andersen mà nhiều người đã nằm lòng, nhưng sự đối lập của những con phố cổ tuyệt đẹp với cái đơn côi của cô bé, ánh mắt của cô bé, sự tiu nghỉu vì đói lạnh của chú chó con, sự tan biến dần dần của người bà khi đốm lửa cuối cùng không còn... hiện lên một cách rất thực, đánh mạnh vào cảm xúc, làm cho bộ phim tuy rất ngắn nhưng vẫn lấy được cảm tình và nước mắt người xem.
Một yếu tố khác mang tính quyết định không kém là nhạc phim đã được nhạc sĩ Dương Khắc Linh hoàn thành quá xuất sắc, đẩy cảm xúc lên cao. Trong “đơn đặt hàng” của mình, đạo diễn Đoàn Trọng Hải đã yêu cầu phải có một phần lời thật du dương, để đưa cô về với thiên đàng. Và ở phần cuối ấy, khi máy quay lia thẳng vào một bụi tuyết bay ngược lên trời, phần du dương đó đã cất lên bằng chính giọng của Lydia Dương Groeneweg – vợ của Dương Khắc Linh. Không ít người đã bất ngờ khi biết đơn vị sản xuất Cô bé bán diêm là một cái tên mới toanh: True-D Animation. Những cái tên Hồ Thục Đoan, Lê Thanh Mai... của True-D Animation vốn không xa lạ trong công việc gia công cho các đơn vị nước ngoài về một công đoạn nào đó của kỹ thuật hoạt hình, nhưng đây là sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên của họ. Dự án Cô bé bán diêm, với True-D Animation chỉ là một sự thể nghiệm, để nói lên rằng Việt Nam đủ sức để làm nên một phim hoạt hình 3D tử tế, làm tiền đề cho nhiều kế hoạch tiếp theo. “Điều này không hề dễ dàng, bởi ngay từ đầu chúng tôi đã xác định đây là dự án phi thương mại, nhưng kinh phí đổ vào đó không hề nhỏ”, đại diện xưởng phim cho biết. Thực tế, nhân lực đảm bảo cho kỹ thuật hoạt hình 3D hiện nay tại Việt Nam không hề thiếu, cái thiếu chăng là một sự đảm bảo về đầu ra, và một dự án đủ để tạo nên niềm tin về đất sống của hoạt hình tại Việt Nam.