PHIM NHẠC » Toàn cảnh

"Cô dâu đại chiến" Vân Trang thành đào hát

Thứ ba, 06/12/2011 08:47

Vân Trang là một gương mặt đang nổi trong giới diễn viên thế hệ 9x. Vai diễn cô đào Ba Huyền trong phim “Lòng dạ đàn bà” đang phát sóng trên HTV9 của Vân Trang cũng đã lấy được nhiều nước mắt của khán giả.

Đây là lần đầu tiên bạn vào vai một thiếu phụ ngày xưa, thể hiện một vai diễn cách mình tới 80 năm như vậy có khó không?

- Khó nhiều chứ, vào vai một người phụ nữ xưa, lại là một cô đào hát, tôi cố gắng dứt bỏ hết những gì còn sót lại của đời sống hiện đại nhưng nhiều khi không nổi. Nhược điểm đầu tiên của tôi khi đóng vai cô đào Ba Huyền là thoại rất nhanh, đạo diễn Hồ Ngọc Xum la tôi hoài à, ông bảo: “Con nói gì mà như nhả đạn liên thanh vậy, phụ nữ ngày xưa nói chậm lắm, trước khi nói, con phải gìm lại một chút rồi nhả chữ từ từ”, mãi rồi tôi mới quen được.

Vân Trang vai Ba Huyền trong phim “Lòng dạ đàn bà”.

Khó như vậy nhưng thực sự vai diễn này rất thú vị, giúp tôi mới hình dung ra được phụ nữ ngày xưa nói năng thế nào, suy nghĩ và yêu đương ra sao.

Theo cảm nhận của bạn, Ba Huyền là người phụ nữ đáng trách hay đáng thương?

- Tôi tin là khi xem phim, khán giả sẽ có câu trả lời rõ ràng nhất rằng cô ấy đáng thương hay đáng trách. Tôi thấy cuộc đời cô ấy cũng khá nhiều bi kịch. Cô là một thiếu nữ miền Tây xinh đẹp thời phong kiến, vì gia đình quá nghèo nên Ba Huyền phải chấp nhận lấy Bảy Thẹo làm chồng.

Tuy mang tiếng về làm vợ nhưng thực chất, thân phận của cô trong gia đình chồng rất bọt bèo, tủi nhục. Ba Huyền bị Bảy Thẹo cưỡng bức, đánh đập, buộc phải trở thành đào hát. Mục đích của Bảy Thẹo là dùng Ba Huyền mua chuộc ông hội đồng Thành để mưu cầu danh vọng, nhưng trái tim của Ba Huyền lại thuộc về thầy thông ngôn Nhản...

Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh- một nhà văn rất xuất sắc về đề tài tâm lý xã hội Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX, vậy việc ông xây dựng hình ảnh những người đàn bà nhiều toan tính trong tiểu thuyết này theo Vân Trang có hàm ý gì không?

- Những người đàn bà trong phim cũng có nhiều loại, có người vì hoàn cảnh xô đẩy mà trở nên độc ác, toan tính, có người do thừa hưởng sự giáo dục và truyền thống trong gia đình mà ghê gớm, cũng có người lúc nào cũng ngây thơ vì được quấn quanh nhung lụa và mơ mộng... Việc nhà văn Hồ Biểu Chánh xây dựng nên hình ảnh những người đàn bà như vậy cũng có lý do riêng của ông, nhưng rõ ràng, ông rất thông cảm với trái tim đầy yêu thương của họ.

Có thể nói Vân Trang hiểu khá rõ về các tác phẩm văn học của nhà văn Hồ Biểu Chánh?

- Đúng vậy, khi đọc kịch bản này tôi có đôi chút khó hiểu. Người phụ nữ thập niên 20 với những sóng gió trải qua với họ có thể gọi là bi kịch cuộc đời chung của những thân phận người phụ nữ lúc đó. Cuộc sống cách xa một thế kỷ nên nhiều khi tôi không thể chấp nhận được cách xử sự của nhân vật.

Để khắc phục, tôi phải tìm những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh để hiểu thêm, ở đó nhà văn miêu tả rất chi tiết hành động và tâm lý của nhân vật. Thú vị là hình ảnh của 3 người phụ nữ trong phim này, Kim Diệp, Thanh Thủy, Ba Huyền chính là hình ảnh những người đàn bà từng đi qua cuộc đời của nhà văn Hồ Biểu Chánh.

Xin cảm ơn bạn!

Dân Việt