PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Đạo diễn Lê Hoàng: 'Điện ảnh Việt có gì mà bi quan!'

Thứ sáu, 07/10/2011 15:48

"Khán giả nhiều, nhiều phim thì có gì để bi quan nhỉ? Mấy người làm trong hãng phim nhà nước mới bi quan vì họ chỉ thấy nhà nước không rót tiền là chết", đạo diễn Lê Hoàng nói.

Đạo diễn Lê Hoàng.

Không dễ gì gặp được cả hai nhân vật thuộc hàng đắt sô nhất hiện nay trong làng điện ảnh. Đạo diễn Lê Hoàng vừa hoàn thanh bộ phim Cuộc săn vịt trời với một hãng phim tư nhân, lại đang bận rộn với vai trò giám khảo cuộc thi mới. Còn nhà quay phim Phạm Hoàng Nam trong lúc chưa tìm được kịch bản ưng ý để trở lại với điện ảnh thì vẫn luôn ở tâm của guồng quay thị trường event, showbiz,. thời trang, quảng cáo...

Nhưng khi biết chủ đề cuộc cà phê cuối tuần là điện ảnh Việt Nam, không những nhận lời mời một cách hào hứng, mà cả hai vị khách đặc biệt còn đến đúng giờ một cách khó tin. Xin mở ngoặc thêm, đây cũng là lần đầu tiên đạo diễn Lê Hoàng phá lệ, chấp nhận đối thoại "tay bo" thay vì "bút đàm". Và cả hai tự mở đầu cuộc "tọa đàm" bằng những câu chuyện nóng hổi về hậu trường của các bộ phim đang được sản xuất, về cuộc đua đến rạp của gần chục bộ phim đang ngấp nghé vào dịp Tết năm nay.

- Xin được hỏi hai anh có theo dõi "Hội nghị Diên Hồng" của ngành điện ảnh vừa tổ chức tại Hà Nội?

- Đạo diễn Lê Hoàng (L.H): Tôi có theo dõi trên báo chí.

Quay phim Phạm Hoàng Nam (P.H.N): Tôi có nghe nói nhưng không theo dõi, không rõ hội nghị về cái gì.

- Hội nghị nói thẳng, thật và rất bi quan về điện ảnh Việt Nam hiện nay: một nền điện ảnh chơi vơi, xuống đáy, không biết đáy là đâu, thậm chí đang trên đường đi tới... bể phốt.

- L.H: Phải nói ngay đó là điện ảnh nào chứ dứt khoát không thể nói chung chung là điện ảnh Việt Nam. Theo tôi, cái mà người ta nói ở hội nghị đó là điện ảnh nhà nước. Với các hãng phim nhà nước thì bao nhiêu tiền cũng không đủ. 10.000 tỷ đồng cũng không đủ. Có người nói rằng phải xin cơ chế, nhưng cơ chế là cái gì? Bây giờ chỉ còn cách bắt họ làm những phim có khách thôi.

P.H.N: Ngày xưa, các hãng phim được sinh ra để làm nhiệm vụ tuyên truyền. Đến nay, nhiệm vụ đó không còn. Họ không thể làm theo cơ chế thị trường vì họ không được sinh ra để làm thị trường, nên có bơm tiền vào cũng như gió và nhà trống. Không cách nào bắt họ làm phim hay được. Hầu như nhân sự ở các hãng phim nhà nước giờ đã ra ngoài làm hết rồi. Trước đây, chúng tôi (đạo diễn Lê Hoàng và quay phim Phạm Hoàng Nam đều từng là người của hãng phim Giải phóng) cứ phải xếp hàng chờ việc, có việc thì làm, không có thì chờ, nếu ra ngoài làm việc khác sẽ bị phê bình, kỷ luật, thì nay mọi việc đâu còn như thế, mọi thứ đang trăm hoa đua nở, người lao động được tự do chọn lựa. Sau 10 năm cống hiến, sự ra đi của chúng tôi là hợp với dòng chảy tự nhiên của đời sống.

Quay phim Phạm Hoàng Nam.

- Có khách như anh Hoàng nói là một mục đích. Nhưng có thể còn những mục đích khác. Chẳng hạn một công ty dược nào đó bỏ tiền làm một bộ phim để tuyên truyền cho sản phẩm của họ và khi thực hiện được mục đích này tức là họ đã thành công. Trước đây, nhà nước làm phim vì mục đích tuyên truyền thì bây giờ nhà nước vẫn có thể bỏ tiền để làm như vậy chứ?

- L.H: Có thể, nhưng làm việc kiểu như thế, nguy cơ bị lạm dụng rất cao và thực tế đã xảy ra những chuyện như vậy nhiều lần. Họ sẽ làm phim với rất nhiều tiền, ra những bộ phim được chiếu ở những rạp nhà nước, chắc chắn sẽ có nhiều giải thưởng, nhưng cũng sẽ không có người xem.

P.H.N: Và như thế, nhà nước vẫn mất tiền để nuôi một đống người không làm được việc. Sự việc thủ quỹ biển thủ mấy chục tỉ kia là như vậy, tiền được rót xuống để làm phim nhưng số tiền thực chi cho chuyện phim chỉ nhỏ giọt, còn lại thì bị giữ ở mỗi khâu một ít, chẳng biết để làm gì. Giờ cứ nói điện ảnh như cái cây bị sâu, phải bắt sâu đi nhưng thật ra đó là một cái cây đã bị sâu ăn mục ruỗng bên trong hết rồi thì cần phải nhổ bỏ chứ bắt sâu làm gì nữa.

Nhà nước không cần bỏ tiền nuôi điện ảnh nhưng vẫn có nhiều cách để làm phim theo những mục đích cụ thể, chẳng hạn đặt hàng tư nhân làm với hình thức đấu thầu. Như vậy, nhà nước chỉ phải đầu tư để làm phim chứ không phải nuôi những người không làm việc. Mặt khác, tuyên truyền bây giờ cũng phải thuận với dân thì mới được chấp nhận, bởi tiền đem ra đầu tư cũng là tiền thuế của dân. Bây giờ khán giả là người nuôi phim và khán giả có quyền đòi hỏi.

- Nhưng nếu cứ để các hãng phim tư nhân làm thì họ sẽ chỉ làm "Long Ruồi" chứ không đầu tư cho những phim như "Chuyện của Pao", "Chơi vơi"...

- L.H: Chưa chắc đâu. Theo tôi, bản chất của các nhà làm phim tư nhân vẫn là nghệ sĩ và họ thường nghĩ đến cả hai: tiền và danh. Lúc đi buôn thì vẫn muốn có lãi nhưng sau khi lãi rồi sẽ nghĩ đến danh, bởi vậy, Phước Sang vẫn có Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử, BDH vẫn có Cánh đồng bất tận, Hotboy nổi loạn, những bộ phim không thể nói là chỉ vì tiền được. Tư nhân cũng có nhiều thành phần, không phải cứ tư nhân là "lưu manh". Phải nói rằng chẳng có tư nhân nào hơn điện ảnh Mỹ nhưng điện ảnh Mỹ cũng có rất nhiều những bộ phim tử tế. Suy nghĩ rằng, nếu không có điện ảnh nhà nước thì sẽ không có phim tử tế là suy nghĩ cực kỳ sai! Chắc chắn điện ảnh tư nhân cũng sẽ có những bộ phim tử tế nếu nó lớn mạnh, tự nó điều tiết để có những sản phẩm tử tế.

P.H.N:Có thể nhìn sang kinh nghiệm Hàn Quốc. Nhiệm vụ của Ủy ban Điện ảnh nước này là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, con người, có chiến lược phát triển cụ thể từ trước mắt đến lâu dài, các hãng phim tư nhân cứ thế mà làm theo. Vấn đề quan trọng nhất trong điện ảnh là con người đã được Hàn Quốc đầu tư kỹ lưỡng, diễn viên được đào tạo từ nhỏ, những người làm ohim thuộc các thành phần đoàn phim cũng vậy. Ở ta, nhà nước thay vì làm những việc vĩ mô như thế, những việc mà nghệ sĩ và hãng phim tự điều hành được, dùng người sai cách vô hình trung tạo cơ hội cho lòng tham trỗi dậy.

- Chủ trương cổ phần hóa các hãng phim nhà nước được đặt ra mấy năm nay. Theo các anh có là một giải pháp khả thi để giải quyết phần nào câu chuyện "điện ảnh nhà nước", "điện ảnh bao cấp"?

- P.H.N: Các hãng phim nhà nước có gì đâu để cổ phần hóa? Khi không còn cả con người lẫn máy móc - người tài thì đi hết, máy móc thì đầu tư "lệch pha" - vậy cổ phần hóa có giá trị gì? Chẳng lẽ là giá trị đất? Giờ nói chuyện cổ phần hóa hãng phim nhà nước, nói thật người ta chỉ chú ý vào đất của hãng phim.

- Hai anh có thấy bi quan với tình hình điện ảnh Việt Nam lúc này?

- L.H: Tôi chả thấy bi quan. Khán giả nhiều, nhiều phim thì có gì để bi quan nhỉ? Mấy người làm trong hãng phim nhà nước mới bi quan vì họ chỉ thấy nhà nước không rót tiền là chết. Còn tư nhân thì ngày càng làm nhiều phim, khán giả ngày càng xem phim nhiều thì bi quan sao được?

P.H.N: Có gì để bi qua đâu. Phải thấy rằng bên cạnh sự ốm yếu của phim nhà nước đã có một "thằng bé" phim tư nhân ra đời nhưng chỉ sau mấy năm nó đã làm cho thị trường phim khác hẳn. Cho dù trong khi còn bé nó cũng hiếu động, phá phách nhưng rõ ràng nó đã làm cho diện mạo điện ảnh rất khác chỉ sau mấy năm. Hãy nhìn nó như một đứa trẻ con đang lớn chứ đừng nhìn nó như một người trưởng thành và bảo sao nó làm nhiều việc xấu thế. Tôi thấy rất mừng vì sự phát triển đó.

- Nhưng lâu nay báo chí vẫn đề cập đến chất lượng của các bộ phim tư nhân. Các anh không thấy điều này có vấn đề?

- L.H: Chê bai thì tất nhiên vì phải nhìn thẳng vào sự thật, một nền điện ảnh non yếu như thế thì lấy đâu ra phim xuất sắc. Nhưng cũng phải thấy rằng hiện đang nhiều phim có khán giả, số lượng người xem ngày càng đông, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, số lượng phim có lãi ngày càng nhiều và kỷ lục về lãi ngày càng cao. Và có phim bị chê hay được khen là chuyện rất bình thường. Ở Mỹ có nhiều phim ăn khách hạng nhất, Transformers chẳng hạn, vẫn phải nhận giải Mâm xôi đấy thôi. Hãy nhìn vào tỷ lệ phát triển của doanh thu, khán giả để thấy đời sống điện ảnh. Một nền điện ảnh có những bộ phim rất dở là chuyện bình thường. Vấn đề là nền điện ảnh đó tỷ lệ phim là bao nhiêu, số người xem là bao nhiêu chứ đừng nhìn vào một vài bộ phim dở nào đó đề quy kết rằng cả nền điện ảnh đang đi xuống. Thứ đi xuống là thứ mà không ai xem.

Phim Long Ruồi thu được 40 tỉ đồng sau một tháng ra rạp.

- Anh Nam nói điện ảnh tư nhân đã phát triển như vậy, nhưng giả sử điện ảnh cứ phát triển không có đường lối gì cả, cứ tự do thì sẽ như thế nào?

- P.H.N: Tôi nghĩ nhà nước chỉ cần làm mỗi việc là ra một bộ luật điện ảnh thật chặt chẽ, đừng cứ liên tục ra thông tư, để những người duyệt phim biết rõ phải làm thế nào, cái gì được và không. Bây giờ, tư nhân sản xuất phim lo nhất là chuyện duyệt bởi chẳng có cái gì cụ thể để họ căn cứ vào đó mà làm. Chẳng hạn phim Hotboy nổi loạn của Vũ Ngọc Đãng bị cắt đi cắt lại không biết bao nhiêu lần theo ý của cả một hội đồng duyệt, mà mỗi vị trong hội đồng chỉ cần nói một câu như: "Sao xã hội đen thế?" hay "Sao nhiều cảnh sex thế?" lại một lần cắt. Chẳng có gì cụ thể, mọi thứ đều cảm tính. Nếu có luật rõ ràng thì người ta cứ theo luật mà làm và theo luật mà kiểm duyệt. Tôi cho rằng cứ để mọi thứ phát triển theo đúng bản chất của nó và sau đó sàng lọc bằng chính thước đo của thị trường.

- Theo câu chuyện các anh đang nói thì nhận định kiểu như đang đi đến "đáy" hay đi đến "bể phốt" không phải để dành cho nền điện ảnh các anh đang nói đến?

- L.H: Từ đầu năm đến giờ có 3 - 4 công ty mời tôi làm phim. Tôi thấy rằng có nhiều người muốn làm phim hơn trước. Bây giờ chỉ thiếu kịch bản chứ không thiếu người đầu tư. Hiện tượng Long Ruồi thu 40 tỷ đồng chứng tỏ phim Việt đang có khán giả, có người làm phim, như vậy thì không có lý gì không có điện ảnh, chỉ là không có điện ảnh nhà nước thôi.

P.H.N: Tôi thấy đó thực chất là hội nghị bàn xem làm thế nào để cứu điện ảnh nhà nước chứ không phải cứu nền điện ảnh. Nền điện ảnh nói chung đang sống bình thường, chẳng cần ai cứu cả, nó chỉ cần có khán giả xem là nó sống. Hôm nay có Long Ruồi, mai lại có Cánh đồng bất tận là chuyện quá bình thường. Ai muốn xem gì thì xem, phim đã được phân loại theo nhu cầu riêng của từng đối tượng khán giả rồi.

- Nếu nhổ bỏ cái cây đã sâu đi như anh Nam nói thì những người làm việc trong đó sẽ ra sao?

- L.H: Họ sẽ làm việc theo năng lực và nhu cầu mà thị trường cần.

P.H.N: Khi nhổ hết cây đã sâu thì trồng cây khác, ở đó người biên kịch sẽ phải biên kịch cho thật hay, đạo diễn phải làm thật giỏi để có khán giả, còn thể chế thay đổi chỉ là chuyện quản lý hành chính chứ không ảnh hưởng gì đến khả năng viết kịch bản, đạo diễn của họ được. Nếu làm được như thế thì sẽ hết chuyện nghệ sĩ làm lãnh đạo, làm nhà quản lý. Việc một đạo diễn hay biên kịch phải làm công việc quản lý, sống lâu lên lão làng là cực kỳ bất hợp pháp. Cần phải có một ban quản lý thạo về kinh tế và quản trị làm việc thì mọi việc sẽ khác. Cái gì cũng phải chuyên nghiệp. Lãnh đạo cũng cần phải chuyên nghiệp. Bây giờ toàn người nghiệp dư, người biên kịch bắt làm tài chính thì "chết" là đúng.

TT&VH
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới