Hiếm hoi lắm khán giả màn ảnh nhỏ mới lại có được một bộ phim như "Dù gió có thổi" để cả gia đình có thể ngồi cùng nhau xem phim giải trí. Không dừng lại ở đó, nhưng câu chuyện được lồng ghép vào giữa các mối quan hệ của bộ phim cũng đã làm được một điều hiếm có là khiến người xem dừng lại để suy nghĩ. Dẫu vậy, sự xuất hiện của một bộ phim không thể khiến một ngành phim của Việt Nam khởi sắc.
"Bỗng dưng muốn khóc" - một bộ phim thành công và chiếm trọn tình cảm của khán giả xem truyền hình
Hình một đằng và tiếng một nẻo
Đa số các bộ phim truyền hình thường thực hiện theo kiểu quay hình trước rồi lồng tiếng sau. Thế nên mới có nhiều chuyện bi hài xung quanh chuyện không ăn nhập giữa hình và tiếng. Đơn cử như bộ phim lận đận "Anh chàng vượt thời gian", người xem rất dễ dàng nhìn thấy khẩu hình của diễn viên khi thoại là âm của miền Nam, trong khi giọng lồng tiếng lại là tiếng Bắc. Chuyện tréo ngoe này khiến người xem như đang phải theo dõi các ca sỹ hát nhép một cách "thiếu chuyên nghiệp" và hoàn toàn không thể thoải mái thưởng thức bộ phim một cách trọn vẹn.
Hay phổ biến hơn là câu chuyện các diễn viên quần chúng khi xuất hiện trong phim dù chỉ vài giây nhưng cũng mang đến không ít khó chịu cho người xem. Nếu gần đây trong phim ảnh có hiện tượng "tay ngang" ra đóng phim thì những diễn viên quần chúng này có thể được xem là "tay ngang" hơn cả những "tay ngang" đó. Những gương mặt vô hồn nhép miệng và quờ quạng tay chân một cách vô tội vạ nhưng vẫn được đạo diễn chấp nhận. Để đến khi lồng tiếng vào thì rõ ràng, mặt thì đau khổ còn giọng lại tươi vui, hay mặt thất thần còn giọng nói lại niềm nở.
Có vị đạo diễn "ăn gian" chỉ quay những cái lưng của các diễn viên quần chúng này để không phải làm khó các diễn viên lồng tiếng. Nhưng tình thế cũng không khả quan hơn vì khi những phân đoạn này xuất hiện, người xem có cảm giác như giọng lồng tiếng là một đoạn lời bình của một nhân vật thứ 3 nào đó không có trong khung hình.
Và điểm quan trọng nhất trong vấn đề này là những phần lồng tiếng vô hồn. Thông thường chỉ khi nào giọng nói của diễn viên không đạt tiêu chuẩn thì mới phải nhờ đến diễn viên lồng tiếng, tuy nhiên trong một số trường hợp để tinh giản chi phí thì diễn viên cũng sẽ tự lồng tiếng cho mình. Bởi thế mới sinh ra nhiều trường hợp những câu thoại xuất hiện vô hồn trên phim. Một số lỗi điển hình nhất là kiểu ngắt câu rất vô chừng như "Em đang đi ... đâu đó" hoặc thậm chí có thể là "Anh không thể ngờ em lại ... làm chuyện đó ... như vậy" với tông giọng đều đều, không trầm bổng, nhấn nhá, như một con vẹt trả bài. Đơn cử có nhiều trường hợp, nhân vật nam đứng trước việc vợ mình đang lên cơn "thập tử nhất sinh" mà đôi mắt thì ráo hoảnh với giọng nói đều đều vô hồn.
Một cảnh trong bộ phim gặp khá nhiều scandal "Anh chàng vượt thời gian"
Những lời thoại kỳ dị
Cũng thật khó đổ lỗi tất cả cho các diễn viên lồng tiếng. Các khán giả hâm mộ các bộ phim gia đình của Hồng Kông, Đài Loan hẳn đều công nhận rằng nhờ phần lồng tiếng và chuyển âm đặc sắc mà sự cảm thụ của họ với bộ phim đã tăng lên rất nhiều lần. Điều đó đôi khi khiến những người có lòng với phim Việt đặt ra câu hỏi rằng "nên chăng cần phải đối xử những thước phim Việt cần lồng tiếng như những bộ phim Hồng Kông".
Câu trả lời sẽ không có gì thay đổi vì cái chính là những câu thoại của những bộ phim nước ngoài đều được biên kịch sắp xếp một cách kỹ lưỡng và tự nhiên, các diễn viên lồng tiếng khi phải thể hiện những đoạn này đều rất dễ dàng cảm được đường dây cảm xúc để thực hiện một cách tốt nhất. Trong khi đó, những câu thoại trong phim Việt thường rất khô cứng, sáo rỗng, thậm chí là bất hợp lý thật khó để người lồng tiếng có thêm cảm xúc để diễn tả.
Như trong một đoạn phim có sự xuất hiện của một nhân vật là sinh viên học về ngữ văn, hoặc một nhà thơ, nhà văn thì y như rằng trong thoại của loại nhân vật này sẽ có những đoạn trích văn thơ hoặc nêu tên những nhà thơ nổi tiếng của nước ngoài. Những kiểu khắc họa nhân vật bằng cách này dễ khiến tình tiết, lời thoại trở nên kịch, xa rời thực tế và xa rời mạch phim.
Và những tiểu tiết khác
Đại khái như vào quán cà phê sẽ nghe nhạc và chắc chắn rằng cứ bắt đầu cảnh quay thì ca khúc cũng được bắt đầu, như một sự trùng hợp được sắp đặt sẵn. Không ít trường hợp nhạc của quán át cả tiếng của nhân vật dẫu cho họ đang ở một quán cà phê sân vườn chứ không phải phòng trà hay hộp đêm. Và dẫu cho ở vũ trường âm nhạc có sôi động đến mấy thì khán giả chỉ nghe được nhạc và tiếng nhân vật chứ tuyệt nhiên không nghe được tiếng của những vị khách xung quanh như một sự giả tạo được "thực tế" hóa một cách chưa đầy đủ.
Bộ phim "Xin thề anh nói thật" là một bộ phim thất bại về mọi mặt
Hay như không gian trầm mặc, tự sự, yên ắng mà gần như phim Việt nào cũng có. Sẽ có những đoạn nhân vật không thể hiện thoại, chậm rãi bước đến rót rượu, uống chầm chậm rồi lại suy nghĩ. Những trường đoạn này khiến bộ phim trở nên rời rạc, không khí phim bị chùng xuống và thường không mang đến cảm xúc nhiều cho người xem. Không chỉ những đoạn “suy tưởng” được quay chậm mà thậm chí trong phim có rất nhiều đoạn thừa như chuông điện thoại reo, người xem phải đợi nhân vật từ từ chậm rãi bắt máy. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến khán giả khi nghĩ đến phim Việt đều nghĩ đến hai từ “tẻ nhạt”.
Thay cho lời kết
Những vấn đề vừa được nêu trong bài viết hoàn toàn không mới mà thật sự đó là những tồn đọng của phim Việt chưa được giải quyết từ năm này sang năm khác. Có thể lấy lý do là các nhà sản xuất nghĩ rằng những gì họ đang làm đã làm hài lòng khán giả rồi và không cần phải nhọc nhằn sửa đổi để làm gì. Nhưng rõ ràng họ không nghĩ đến rằng khán giả đang bị ép ăn món ăn những món không ngon nhưng họ vẫn hi vọng một ngày khởi sắc của ngành phim ảnh Việt Nam. Mong rằng trong thời gian tới, người xem truyền hình không phải "tiêu hóa" những "món ăn" Việt đầy sạn như thế này nữa.