Vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam được nghệ thuật thứ bảy ngợi ca, tôn vinh và lưu giữ cho muôn đời sau. Đó là vẻ đẹp mạnh mẽ kiên cường trong những ngày cách mạng, là vẻ đẹp chất phát chăm chỉ của những ngày xây dựng đất nước, là vẻ đẹp mặn mà đằm thắm của thời kỳ hiện đại.
Qua năm tháng, hình ảnh đẹp của phụ nữ Việt Nam cũng chuyển biến sắc màu, thêm đa dạng góc cạnh nhưng vẫn giữ bản sắc riêng của dân tộc.
Giai đoạn đầu của điện ảnh Việt Nam, nghệ sỹ Kim Xuân trong vai Ngọc Thủy của bộ phim Kiếp hoa được sản xuất năm 1953 mang đúng nét đẹp của nàng Vân (trong truyện Kiều), “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”. Bộ phim nổi tiếng nhất thời kỳ đó cũng một phần nhờ diễn xuất và vẻ đẹp tự nhiên của nữ nghệ sỹ này.
Hai nữ tài tử điện ảnh đầu tiên của hãng phim Việt Ảnh Mỹ Vân (năm 1952) chính là nghệ sỹ Lan Hương và Thanh Hương nổi tiếng trong bộ phim Cô gái Việt. Nhìn vào hình ảnh một thời của hai nhan sắc này, chúng ta càng cảm nhận rõ nét vẻ đẹp của “Cô gái Việt” những năm 50.
Nàng Tam Nương của Người đẹp Bình Dương (1957) đẹp sắc sảo trong từng đường nét. Đó cũng chính là hóa thân xuất sắc của nhan sắc nữ diễn viên Thẩm Thúy Hằng, người từng được coi là biểu tượng phụ nữ Sài Gòn những năm trước 1975.
Nhiều thế hệ khán giả đã chọn nghệ sỹ Đức Hoàn đóng vai Mỵ của Vợ chồng A Phủ (1961) là hoa hậu của màn ảnh đen trắng Việt Nam. Vẻ đẹp của Mỵ là vẻ đẹp của một cô gái mạnh mẽ, biết vượt qua hoàn cảnh để vươn tới khát vọng hạnh phúc.
Đôi mắt đen láy, nụ cười rạng rỡ của cô bé 12 tuổi Tố Uyên đã gắn liền với hình ảnh đẹp của bộ phim Chim vành khuyên sản xuất năm 1962. Vượt qua sự non trẻ của tuổi tác lúc bấy giờ, Tố Quyên đã khắc họa thành công một số phận trong một đất nước có chiến tranh.
Nói đến vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam trong bộ phim mầu đầu tiên, phải nói đến nữ nghệ sỹ Kim Cương. Bà được mệnh danh là nàng K’ Lai trong điện ảnh, với vai diễn để đời trong bộ phim Mưa rừng (1962).
Hình ảnh đẹp của phụ nữ miền nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp được thể hiện rõ nét qua vai diễn Chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên được sản xuất năm 1963. Đó là hình ảnh, cuộc đời của một người phụ nữ kiên cường, dũng cảm vượt qua số phận bi thương với niềm tin, niềm hy vọng không tàn lụi.
Bước vào những năm 70, vẻ đẹp của những giai nhân trên màn ảnh chính là nét đẹp mộc mạc, chất phát và đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện qua hình ảnh của nghệ sỹ Trà Giang trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), nghệ sỹ Như Quỳnh trong Đến hẹn lại lên (1974) và nghệ sỹ Thanh Tú trong Sao tháng tám (1976)...
Trong thời kỳ cuối thập niên 80 được xem là thời điểm thắng thế của dòng phim mỳ ăn liền, những bộ phim được làm ra đáp ứng nhu cầu số lượng nhưng chưa đạt đến độ chín về chất lượng. Tuy vậy, thời gian này, công chúng yêu điện ảnh được chứng kiến sự xuất hiện của những nữ diễn viên mang nét đẹp kiêu sa, đằm thắm như Thu Hà, Diễm Hương, Việt Trinh. Ba người đẹp mang nét trong sáng và thánh thiện.
Từ giữa thập niên 1990, điện ảnh Việt tôn vinh vẻ đẹp những cô gái của Ngã ba Đồng Lộc trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Họ là những nữ chiến sĩ xung phong trẻ trung phơi phới, yêu đời, không ngại gian khổ, chấp nhận hy sinh anh dũng trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ hậu chiến được đạo diễn Lê Hoàng gửi gắm qua hình ảnh Mộc Miên trong vai Miên của Ai xuôi vạn lý (1996). Đó là một cô gái tất tả với những chuyến hàng ngược xuôi nhưng hết lòng vì người đồng đội cũ.
Đầu những năm 2000, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trên màn ảnh lớn được khai thác ở nhiều khía cạnh. Vừa mang nét đẹp duyên dáng, hiền thục vừa thể hiện bản lĩnh thông minh. Có lúc lại vô cùng mạnh mẽ nhưng vẫn đỗi gợi cảm.
Thời điểm những năm 2010 trở lại đây, các đạo diễn khai thác những điểm mạnh về hình thể đồng thời đi sâu phân tích diễn biến tâm lý của nhân vật nữ trong phim. Từ đây, nét đẹp về tâm hồn được ngợi ca cùng vẻ đẹp của ngoại hình.