PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Điểm cộng và điểm trừ của 'Ngôi nhà trong hẻm'

Thứ sáu, 10/02/2012 08:12

Nếu chỉ để làm cho khán giả sợ thì Ngôi nhà trong hẻm là phim Việt đúng nghĩa kinh dị nhất từ trước đến giờ.

Chọn ra mắt vào dịp Lễ tình nhân 14/2, nhà sản xuất Trần Trọng Dần cho rằng sẽ thật thú vị khi nắm tay người yêu cùng xem một phim kinh dị. Bộ phim hoàn toàn có thể khiến các khán giả nữ phải tìm kiếm điểm tựa tinh thần từ một bàn tay.

Điểm cộng cho phim Cái “đáng sợ” của bộ phim không đến từ chuyện phim mà từ việc vận dụng tốt các thủ pháp kinh dị: các “chiêu trò” nhát ma, thiết kế bối cảnh, hóa trang, quay phim, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng… Giống như đa số các phim cùng thể loại, bộ phim thi thoảng khiến người xem thót tim bởi những tình tiết xung quanh trước khi dẫn vào câu chuyện chính. Rồi trong bối cảnh chật chội với chủ yếu là những khung hình tranh tối tranh sáng suốt thời lượng của phim, khán giả luôn thường trực cảm giác bị ngộp bởi áp lực tâm lý nặng nề. Nhiều khung hình được quay theo kiểu cầm tay khiến khán giả liên tưởng đến bộ phim kinh dị nổi tiếng Paranormal activities, có tác dụng dự báo những bất ổn và mối đe dọa vô hình, góp phần tăng cảm giác hồi hộp.

Hai diễn viên Trần Bảo Sơn và Ngô Thanh Vân trong phim.

Trần Trọng Dần chia sẻ, làm phim kinh dị tốn kém nhất phần hậu kỳ. Điều này được thể hiện rõ trong phim khi âm thanh, ánh sáng được chăm chút khá kỹ lưỡng và tác động nhiều đến tâm lý khán giả. Tuy nhiên, phần âm thanh đôi chỗ còn bị làm quá, cũng gây giật mình nhưng chỉ bởi âm lượng quá lớn mà thôi. Nếu liệt kê ra những điểm cộng của bộ phim, không thể không nhắc đến diễn xuất của hai diễn viên chính. Ngô Thanh Vân đã thể hiện xuất sắc tâm trạng một người mẹ vừa mất đi đứa con: một nỗi đau pha chút gì đó tủi thân lúc Thảo gọi điện thoại cho mẹ, một sự bất lực hoang mang khi cô tâm sự với bạn gái, hay những phút trống rỗng, cô đơn lúc cô một mình bất động. Đối với Trần Bảo Sơn, nhân vật của anh ít thể hiện tâm lý hơn nhưng là một vai thực sự vất vả, đòi hỏi phải dụng công nhiều, đặc biệt là trong các cảnh quay tơi tả về cuối phim. Đoạn người vợ với cây rìu trong tay truy sát người chồng là đoạn gây ấn tượng mạnh nhất trong phim và mang đậm chất kinh dị Hollywood, sẽ khiến nhiều khán giả yếu tim không dám xem. Có lẽ khó ai có thể làm tốt hơn Ngô Thanh Vân ở một vai vừa đòi hỏi diễn xuất tâm lý lẫn hành động này.

Câu chuyện chưa thực sự hấp dẫn Nhưng nếu đặt thủ pháp kinh dị sang một bên thì câu chuyện Ngôi nhà trong hẻm chưa thể gọi là hấp dẫn. Phim kể về chuyện một cặp vợ chồng chứng kiến những điều kỳ lạ trong ngôi nhà họ sống, sau khi người vợ bị sẩy đứa con đầu lòng. Đó là những tiếng động lạ, tiếng trẻ con văng vẳng khắp nơi hay những hành vi bất thường của người vợ, kéo theo cuộc sống của người chồng đầy những căng thẳng. Nhưng rồi tất cả câu chuyện chỉ có bấy nhiêu đó. Bí mật được tiết lộ ở cuối phim quá “nhẹ” để giải mã toàn bộ câu chuyện, bởi nguyên nhân và thực tế không có mối liên hệ nào đáng kể, không có động cơ nào thuyết phục dẫn đến hành vi của nhân vật.

 Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Câu chuyện rốt cuộc quá đơn giản, thiếu độ lắt léo và chiều sâu nên khó mang lại cảm giác “đã”. Nếu chấp nhận cách giải quyết đầy tính mặc nhiên đó (khá nhiều phim kinh dị Mỹ chọn hướng này) thì Ngôi nhà trong hẻm khá thành công về mặt kinh dị. Ngoài ra, chuyện phim chưa thể được xem là lôi cuốn. Đặc biệt, phần đầu phim còn tẻ nhạt với quá ít biến cố, trong khi không thiếu những đoạn thoại kể lể dài dòng. Cuối cùng, tình tiết trong phim còn rời rạc, thiếu kết nối. Thậm chí nếu bỏ hẳn những đoạn về công việc và nhà máy thì phim cũng chẳng ảnh hưởng gì.

Đất Việt